Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mọi sự chú ý tập trung vào chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Việt Nam

Mọi sự chú ý tập trung vào chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đến Việt Nam

04:00 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Amlan Dutta & Sonia Dey*

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 11 năm 2018. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam giữ xu hướng phát triển trong những năm gần đây với sự tiếp xúc và tham vấn cấp cao giữa hai bên. Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đã rất thân thiện kể từ thời Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru, nhưng các sự kiện gần đây và thực tế địa chính trị trong khu vực đã mang lại động lực mới cho mối quan hệ này. Trong năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm thành công tới Việt Nam, hai bên đã nâng cấp quan hệ song phương vững chắc lên “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, giống như quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc và Nga. Năm 2018 là một năm đặc biệt trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, vì đây là năm kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia châu Á. Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã đến thăm Ấn Độ trong chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 2 tháng 3 đến ngày 4 tháng 3 năm 2018 nhằm kỷ niệm sự kiện này. Chuyến thăm của ông Quang diễn ra sau một vài tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ấn Độ với tư cách là một trong những khách mời cấp Nhà nước tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ vào ngày 26 tháng 1 năm 2018, cùng với các nguyên thủ quốc gia đến từ 9 quốc gia ASEAN khác. Về chiều ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã có chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam vào tháng 6/2018, với trọng tâm là mối quan hệ quốc phòng và an ninh ngày càng tăng giữa hai quốc gia. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng đã đến thăm Việt Nam trong tuần cuối cùng của tháng 8/2018 trong chuyến thăm đến hai quốc gia gồm cả Campuchia. Bà Swaraj đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban Hỗn hợp cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và cũng đã tham dự Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 3 tại Hà Nội. Số lượng các chuyến thăm cấp cao ngày càng tăng từ hai nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quân sự, đối thoại an ninh hàng năm, đánh dấu mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam ngày càng phát triển. Ngoài ra, trong các cơ chế khác nhau như Hội nghị hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Chiến lược cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Quốc phòng làm nổi bật sự hội tụ ngày càng tăng của mối quan hệ Ấn Độ và Việt Nam. Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam sẽ là hoạt động cấp cao khép lại năm 2018 trong quan hệ hai bên.

Ngoài ra, hai nước đã thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân. Cũng cần lưu ý rằng, cả hai bên đang ngày càng hợp tác trong lĩnh vực khảo cổ, bảo tàng và các dự án bảo tồn để hồi sinh và kết nối các mối liên hệ lịch sử và văn hóa chung bị lãng quên.

Tại sao chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ đến Việt Nam lại có tầm quan trọng như vậy?

Về phần mình, Việt Nam đang tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng và chiến lược chặt chẽ hơn với Ấn Độ, nhưng “nhân tố Trung Quốc” đang dần xuất hiện. Việt Nam muốn Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trên Biển Đông, muốn Ấn Độ trở thành một đối trọng chiến lược đối với Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam đã thể hiện thái độ liên tục ngăn chặn áp lực từ Trung Quốc, và vì thế, muốn có mối quan hệ tốt hơn với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Ấn Độ chia sẻ mối quan tâm tương tự với Việt Nam về Trung Quốc vì hai “gã khổng lồ châu Á” còn tồn tại tranh chấp biên giới chưa được giải quyết, và gần như trở nên xấu xí trong cuộc tranh giành ở Doklam năm 2017. Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ xác định Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong bối cảnh địa chính trị hiện tại. Với quan điểm này, người ta có thể mong đợi New Delhi và Hà Nội tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ trong bài diễn văn chính được trình bày tại Đối thoại Shangri-La vào đầu năm 2018.

Ấn Độ và Việt Nam đã cùng hợp tác trong nhiều năm qua trong các vấn đề như quốc phòng, an ninh, hợp tác phát triển, hợp tác năng lượng, giáo dục, văn hóa và giao lưu nhân dân, kết nối, hợp tác khu vực, hợp tác đa phương cũng như kinh tế.

Hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam được coi là một trụ cột hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cả hai quốc gia đã hoan nghênh tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang, cũng như trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh hàng hải, an ninh lương thực, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, và chống khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác như tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán ma túy. Hợp tác trên biển là một đặc trưng quan trọng khác trong quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam, cùng với chống vi phạm bản quyền và bảo đảm an toàn thông tin trên biển.

Về phương diện hợp tác phát triển, Ấn Độ đã liên tục hỗ trợ Việt Nam liên quan đến học bổng cho sinh viên Việt Nam, học giả và quan chức chính phủ thông qua Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC), khung hợp tác Mekong - Ganga Cooperation (MGC), và các dự án thuộc quỹ của các dự án tác động nhanh (QIPs)…, cùng với một dự án thí điểm về kết nối nông thôn ở các nước khối CLMV (Cambodia, Lào, Myanmar, Việt Nam) nhằm tạo ra các làng kỹ thuật số.

Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất trong hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong nhiều năm qua là hợp tác năng lượng, bắt đầu từ thời điểm hai nước đồng ý hợp tác về các dự án thăm dò dầu khí, cùng với nhiệt điện và thủy điện và năng lượng tái tạo đã đạt được bước tiến triển rất lớn trong thời gian qua. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ vào ngày 3 tháng 3 năm 2018, Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng thăm dò dầu khí cũng như các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên đất liền và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Kết nối là một khía cạnh quan trọng quyết định mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong tương lai sắp tới. Đã có các cuộc thảo luận về việc mở rộng tuyến đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Việt Nam thông qua Cambodia và Lào. Ấn Độ và Việt Nam cũng đang áp dụng mô thức tăng tốc để thiết lập các tuyến vận chuyển trực tiếp giữa các cảng biển hai nước. Các chuyến bay trực tiếp giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được công bố vào đầu năm 2018 sẽ mang lại một sự thúc đẩy lớn cho các doanh nghiệp và giao lưu nhân dân.

Về phương diện hợp tác khu vực, hai nước đều chia sẻ quan điểm chung về cấu trúc an ninh khu vực ở châu Á nói chung, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi chủ quyền, luật pháp quốc tế, phát triển bền vững và các hệ thống thương mại, đầu tư mở được khuyến khích. Ấn Độ và Việt Nam đã nỗ lực để tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước ASEAN.

Ở cấp độ đa phương, Việt Nam và Ấn Độ đều thừa nhận và ủng hộ lẫn nhau vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho nhiệm kỳ 2020-2012 và 2021-2022. Việt Nam cũng ủng hộ Ấn Độ giữ vị trí thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, trong nỗ lực duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và công bằng, cả hai nước đều tái khẳng định ý nghĩa của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là tuân thủ các điều khoản và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Đảm bảo quyền tự do hàng hải và các tuyến đường biển tự do và rộng mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là mục tiêu chung của hai nước trong một thời gian dài. Các nhà lãnh đạo hai quốc gia cũng đánh giá cao việc thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, và cam kết thực hiện các mục tiêu của chương trình.

Từ góc độ kinh tế, hai nước đã chứng kiến sự gia tăng kim ngạch thương mại trong hai năm qua, và theo các nguồn tin, các bộ và các tổ chức khác đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. Các ngành công nghiệp có liên quan cũng đang tìm kiếm những cách thức mới, như năng lượng tái tạo, hydrocacbon, dệt may, dược phẩm, nông nghiệp, chia sẻ công nghệ trong nông sản, du lịch, các ngành dịch vụ khác để mở rộng kinh doanh ở cả hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, và mặc dù chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng nó sẽ cho thấy sự xích lại gần nhau ngày càng tăng giữa hai nước. Điều đáng lưu ý là trọng tâm của chuyến thăm này, đồng thời cũng xác định các lĩnh vực hợp tác độc đáo khác giữa hai nước.

Ông Amlan Dutta, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, New Delhi, Ấn Độ. Email: amlanduttaeas@gmail.com

Bà Sonia Dey, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, New Delhi, Ấn Độ. Email: soniadey88@gmail.com

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục