Mỹ hối thúc Ấn Độ và Pakistan cắt giảm kho vũ khí hạt nhân
Ngày 02/4/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Ấn Độ và Pakistan cần phải đạt được tiến bộ trong giảm trừ kho vũ khí hạt nhân của mình và đảm bảo rằng, họ không “liên tục đi sai hướng” trong khi phát triển các học thuyết quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4 tại thủ đô Washington kết thúc, Tổng thống Obama nêu rõ, một trong những thách thức mà thế giới đang đối mặt là khó chứng kiến việc các nước cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân trừ phi Mỹ và Nga, hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất, sẵn sàng đi đầu trong lĩnh vực này.
Ông nhấn mạnh, Pakistan và Ấn Độ cũng cần có những tiến bộ trong lĩnh vực này.
Tổng thống Obama cũng cho rằng, Triều Tiên hiện là mối quan ngại đối với các nước và rằng, cần có sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này.
Trước đó, rạng sáng 2/4/2016 (theo giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4 đã ra tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn việc để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan, đồng thời nhấn mạnh đây vẫn là một nguy cơ "gia tăng thường trực".
Tuyên bố chung khẳng định: "Còn nhiều việc cần phải làm để ngăn chặn các lực lượng phi nhà nước sở hữu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ, mà có thể được sử dụng cho các mục đích đen tối... Chúng tôi tái khẳng định cam kết với mục tiêu chung về giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình."
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thế giới cũng cam kết thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân.
Kèm theo bản tuyên bố chung này là một phụ lục gồm năm kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự Hội nghị và các cơ quan quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cảnh sát quốc tế (Interpol).
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay, diễn ra trong hai ngày từ 31/3-1/4 (theo giờ Mỹ), nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.
Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân./. (Theo TTXVN)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024