Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mỹ-Trung theo dõi sát sao chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Putin

Mỹ-Trung theo dõi sát sao chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Putin

Ngày 4/10/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi động chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày với chương trình nghị sự dự kiến xoay quanh quốc phòng, thương mại, công nghệ vũ trụ… Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc và Mỹ sẽ theo dõi sát sao sự kiện này.

04:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kết quả được mong chờ nhất từ cuộc gặp của lãnh đạo Nga-Ấn Độ là về việc New Delhi mua hệ thống phòng không S-400 của Moskva. Năm 2016, Nga và Ấn Độ đã ký thỏa thuận để New Delhi mua 5 hệ thống S-400 với giá 5,8 tỷ USD. Điều này khiến Mỹ đứng ngồi không yên và chủ trương ngăn Ấn Độ hoàn tất thương vụ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết, Mỹ tin rằng, S-400 là công nghệ quân sự nhạy cảm.

Trong tháng 6/2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật tạo điều kiện để ông chủ Nhà Trắng ban hành lệnh trừng phạt đối với những quốc gia mua thiết bị quân sự từ một số công ty tại Nga, Iran và Triều Tiên. Trong đó, Tập đoàn phòng không và vũ trụ Almaz-Antey là đơn vị sản xuất S-400.

Trong tháng 7 và tháng 9/2018, Ấn Độ đã đề nghị Mỹ thay đổi quy định này với các lý do là New Delhi sẽ không sử dụng vũ khí này để chống lại Washington. Theo New Delhi, thiếu S-400 sẽ gây ảnh hưởng tới năng lực quốc phòng của đất nước này và Ấn Độ đã giảm sự phụ thuộc vào vũ khí Nga.

Không chỉ Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ theo dõi sát sao chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Putin. Chuyến thăm này diễn ra đúng thời điểm Nga và Trung Quốc đẩy mạnh mối quan hệ song phương. Trong tháng 9, Nga đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong 4 thập niên mang tên Vostok 1 và mời quân đội Trung Quốc, Ấn Độ cùng góp mặt.

Ngoài ra, ông Nandan Unnikrishnan tại Quỹ Giám sát Nghiên cứu có trụ sở ở New Delhi cho biết: “Quan hệ Ấn Độ - Nga sẽ chịu tác động không chỉ vì sự gần gũi giữa Moskva và Bắc Kinh mà còn bởi quan hệ New Delhi - Washington”.

Trong tháng 3/2018, Mỹ đã đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng, điều này nhằm giữ chiến lược quốc gia tập trung vào cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, “từ Hollywood tới Bollywood”.

Nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Ashok Sajjanhar cho biết: “Trung Quốc không hào hứng trước thay đổi tên gọi này bởi nó tạo thêm nổi bật cho Ấn Độ”.

Tuy nhiên, trong phát biểu gần đây về Ấn Độ-Thái Bình Dương, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, dường như bày tỏ quan điểm rằng, New Delhi không muốn được coi chỉ phù hợp với một nhóm hoặc quốc gia đặc thù. Ấn Độ còn duy trì quan hệ tốt với cả Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iran.

Có thể thấy Ấn Độ duy trì chính sách đa cực qua việc Thủ tướng Modi gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình ở Vũ Hán, họp cùng Tổng thống Nga Putin ở Sochi và dự đối thoại 2+2 với Mỹ, mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga…

Theo Quỹ Giám sát Nghiên cứu, Ấn Độ ưa thích một thế giới đa cực thay vì chỉ một quốc gia làm bá chủ, Nga cũng có cùng quan điểm như vậy. Do đó, nếu hai quốc gia cùng chung chí hướng, họ có thể giúp đỡ nhau tốt hơn”.

Nguồn: https://baomoi.com/my-trung-theo-doi-sat-sao-chuyen-tham-an-do-cua-tong-thong-nga-putin/c/28018678.epi

Nguồn:

Cùng chuyên mục