New Zealand “đi con đường mới” đến Ấn Độ
Trong chuyến thăm Ấn Độ vừa diễn ra, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters đã nhận xét: mối quan hệ Ấn Độ - New Zealand đang bước vào “một giai đoạn hoàn toàn mới”; chuyến thăm cho thấy Wellington chọn một cách tiếp cận mới để thúc đẩy mối quan hệ với đối tác đặc biệt quan trọng này.
Chính sách nhất quán
Kể từ những năm 1990, Ấn Độ đã từ một “mối quan tâm ngoại vi” đối với New Zealand thành một quốc gia mà nước này đã cố gắng thiết lập “quan hệ đối tác thương mại, kinh tế và chính trị quan trọng”.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023, hai đảng chính trị lớn là đảng Quốc gia và Công đảng - đều cam kết sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ với New Delhi nếu họ thắng cử. Ngay cả các đảng nhỏ cũng hứa sẽ đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngay sau khi Chính phủ mới nhậm chức vào tháng 11.2023, các bộ trưởng thương mại và ngoại giao của New Zealand đều đã có chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ. Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã tuyên bố rằng ông sẽ thăm Ấn Độ trong 12 tháng đầu tiên nhậm chức.
Các chính quyền trước kia của New Zealand, dù thuộc đảng phái nào, đều cố gắng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ; điều này lần đầu tiên được phản ánh trong Tài liệu “Mở cánh cửa tới Ấn Độ” do Bộ Ngoại giao và Thương mại (MFAT) công bố năm 2011, với chiến lược mang tên “New Zealdn Inc. India” nhằm biến Ấn Độ trở thành đối tác thương mại, kinh tế và chính trị cốt lõi của New Zealand.
Như tài liệu nêu rõ, mục tiêu cốt lõi của chiến lược này là đàm phán thành công Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ấn Độ nhằm tăng xuất khẩu hàng hóa của New Zealand sang thị trường Ấn Độ rộng lớn với hơn 1 tỷ người tiêu dùng. Các cuộc đàm phán FTA bắt đầu vào năm 2010. Chiến lược này được nhắc lại vào năm 2015 và 10 vòng đàm phán FTA đã được tiến hành kể từ khi chiến lược này được triển khai, với vòng đàm phán chính thức cuối cùng diễn ra tại Delhi vào năm 2015.
Mục tiêu thương mại bị bỏ lỡ
Chuyên gia Mark G. Rolls của Đại học Waikato lưu ý, mặc dù chiến lược “NZ Inc. Ấn Độ” có các mục tiêu khác - chẳng hạn như tăng cường thương mại dịch vụ, thu hút nhiều người di cư Ấn Độ có tay nghề cao đến New Zealand, thúc đẩy mối quan hệ với Ấn Độ tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thị trường Ấn Độ của hàng hóa New Zealand… Tuy nhiên, mục tiêu chính của chiến lược là tăng xuất khẩu hàng hóa của New Zealand sang Ấn Độ lên ít nhất 2 tỷ đôla New Zealand vào năm 2015 đã không đạt được - và cho đến ngày nay vẫn chưa đạt được. Từ năm 2017 đến năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của New Zealand sang Ấn Độ thậm chí chưa vượt quá 1 tỷ đôla New Zealand. Tổng kim ngạch thương mại giữa New Zealand và Ấn Độ cũng giảm hơn 1 tỷ đôla New Zealand trong cùng thời kỳ. Tính đến tháng 12 năm 2022, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand, chiếm hơn 1% tổng thương mại của New Zealand.
Bản thân các cuộc đàm phán FTA đã bị đình trệ kể từ vòng đàm phán cuối cùng diễn ra vào năm 2015. Trên thực tế, mặc dù chiến lược của “NZ Inc. Ấn Độ” nêu rõ rằng thương mại sẽ là cơ sở cho cách tiếp cận của họ với Ấn Độ, chính sách này đã không cải thiện được xuất khẩu hàng hóa của New Zealand nói riêng và quan hệ thương mại với Ấn Độ nói chung.
Như ông Mark G. Rolls đã chỉ ra, các cuộc đàm phán FTA và việc New Zealand nhấn mạnh vào việc ưu tiên thương mại hơn các khía cạnh khác của mối quan hệ đã nổi lên như một “trở ngại”.
Là một quốc gia thương mại nhỏ phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách của New Zealand áp dụng cách tiếp cận thị trường và thương mại là nền tảng cho chính sách Ấn Độ của nước này. Như nhà ngoại giao New Zealand Rosemary Banks lập luận, do vị trí địa lý và thị trường nội địa nhỏ bé, New Zealand từ lâu đã coi mình là “an toàn về mặt địa chiến lược nhưng không an toàn về mặt kinh tế”. Do đó, họ tìm cách tiếp cận thị trường nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại là phương pháp chính của New Zealand để giải quyết nhận thức về tính dễ bị tổn thương về kinh tế.
Tuy nhiên, có hai lý do khiến cách tiếp cận này với Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa hiệu quả. Khía cạnh đầu tiên liên quan đến cấu trúc kinh tế chính trị trong nước hiện hành ở cả New Zealand và Ấn Độ. New Zealand có lợi thế so sánh trong xuất khẩu khu vực sơ cấp, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa. Mặt khác, Ấn Độ có ngành công nghiệp sữa nội địa lớn, khiến nước này trở thành một trong những nước sản xuất sữa lớn nhất và là nước xuất khẩu ròng nông sản.
Mức thuế trung bình của Ấn Độ đối với hàng nông sản là trên 34% và cách tiếp cận của New Zealand chủ yếu là tìm cách giảm mức thuế này cho các nhà xuất khẩu thuộc lĩnh vực chính. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của ngành sữa trong nước và sự ảnh hưởng của nó đối với vấn đề chính trị nội bộ, Ấn Độ khá miễn cưỡng, thậm chí là kiên quyết không chấp nhận giảm thuế đối với lĩnh vực này.
Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong thực tế là ngay cả trong các thỏa thuận thương mại gần đây của Ấn Độ với Australia và với châu Âu, ngành sữa và nông nghiệp vẫn bị loại khỏi các hiệp định này.
Thay đổi con đường tiếp cận
Bất chấp sự đình trệ của tiến trình đàm phán FTA đang cản trở mối quan hệ song phương, New Zealand vẫn có cơ hội để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Điều đó đã được Ngoại trưởng Winston Peters nhấn mạnh trong chuyến thăm gần đây về hợp tác quốc phòng và hàng hải. Điều này đã được cụ thể hóa bằng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Winston Peters với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ.
Có một số điểm tương đồng giữa nhận thức của New Zealand và Ấn Độ về môi trường địa chính trị hiện hành ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. New Zealand và Ấn Độ cũng có thể tìm thấy điểm chung ở Nam Thái Bình Dương và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Trong khi đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước cho đến nay vẫn còn hạn chế và bao gồm các hoạt động như các chuyến thăm cảng của tàu hải quân, các chuyến thăm của chỉ huy hải quân và quân nhân của cả hai nước đang phục vụ trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên các lĩnh vực hợp tác được đưa vào khuôn khổ mối quan hệ giữa hai nước. Bởi ngay cả chiến lược “NZ Inc. Ấn Độ” cũng đề cập đến các khía cạnh ngoài thương mại như thúc đẩy hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân… Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng New Zealand Peters là một dấu hiệu quan trọng cho thấy New Zealand thực sự “muốn đi bằng cây cầu mới” để đến Ấn Độ. Chuyến thăm báo hiệu rằng mặc dù thương mại vẫn có thể là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ song phương, nhưng các khía cạnh khác của mối quan hệ sẽ được đề cao hơn trước và thậm chí là chất xúc tác trong tương lai.
Khi làm như vậy, Chính phủ New Zealand muốn chỉ ra rằng họ sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận linh hoạt với nhiều lĩnh vực hợp tác, bao gồm nhưng không giới hạn ở thương mại và kinh tế như trước đây. Đó thực sự là thay đổi đáng chú ý trong cách tiếp cận của New Zealand với Ấn Độ, báo hiệu mở ra “giai đoạn mới” cho quan hệ song phương.
Quốc Đạt
Nguồn:
https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/new-zealand-di-con-duong-moi-den-an-do-i364328/- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024