Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngã xuống một cây to, bầu trời thêm trống vắng

Ngã xuống một cây to, bầu trời thêm trống vắng

PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ viết về sự ra đi của Ngài Geetesh Sharma-Người Bạn Ấn Độ thân thiết nhất của Việt Nam.

03:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sau khi Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee đồng khai trương ngày 15/9/2014, thì 3 tháng sau, tháng 12/2014, Cụ Geetesh Sharma, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, dẫn đoàn cán bộ Ủy ban đến Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ gặp Ban Lãnh đạo Trung tâm. Cụ nồng nhiệt chúc mừng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã được thiết lập tại cơ quan nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Từ ngày ấy đến hôm qua (2/5/2021), khi Cụ rời cõi tạm để về với thế giới vĩnh hằng, tôi và Cụ đã gặp và trao đổi với nhau hơn 10 lần. Trong đó có chín lần Cụ đến Việt Nam dự hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức. Hai lần tôi được gặp Cụ tại Ấn Độ khi Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đến Ấn Độ tham dự hội thảo khoa học, nghiên cứu thực tế và tổ chức ra mắt sách “Hồ Chí Minh với Ấn Độ”.

Qua những lần làm việc với Cụ: khi trao đổi công việc với Cụ về quan hệ giữa Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ với Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, hay khi cùng dự, cùng chủ trì hội thảo khoa học, khi vãn cảnh, khi cùng dự cơm thân mật, cụ đều để lại trong tôi và những người bạn Việt Nam ấn tượng sâu sắc nhất về một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị-xã hội đam mê, sôi nổi, nhiệt thành với công việc, đặc biệt là tình yêu của Cụ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với đất nước và con người Việt Nam. Cụ coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là thần tượng, Cụ coi đất nước Việt Nam là quê hương thứ hai của Cụ. Tôi đã từng đi nhiều nước, từng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, nhưng chưa thấy ai yêu, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu mến đất nước Việt Nam nồng thắm, đam mê như Cụ.

89 năm trong cuộc đời, Cụ Geetesh Sharma đã từng đến thăm và làm việc hơn 30 nước trên thế giới, nhưng có lẽ, Việt Nam là nước Cụ đến thăm và làm việc nhiều nhất, dành nhiều tình cảm nhất, có thể nói, Việt Nam-Hồ Chí Minh luôn ở trong trái tim Cụ. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ lần đầu tiên Cụ đến thăm Việt Nam năm 1982, với tư cách là thành viên trong Đoàn Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, đến tháng 2.2019, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, Trưởng đoàn đến làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và dự hội thảo khoa học, thì Cụ đã đến Việt Nam 29 lần. Từ 2019 đến nay, do tuổi cao, sức yếu, không thể đi xa được, không đến được Việt Nam nhưng trong tâm, lúc nào Cụ cũng nghĩ đến Việt Nam, nhiệt thành vun đắp cho tình hữu nghị Ấn-Việt.

Nhiều lần đến Việt Nam, Cụ được tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Cụ đã từng đi khắp đất nước Việt Nam, từ cực bắc đến cực nam của đất nước, để ghi chép lại những biến đổi, phát triển không ngừng của Việt Nam, ghi lại những dấu tích của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, những dấu tích văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam - được nhân dân Việt Nam giữ gìn bằng văn hóa vật thể và phi vật thể. Cụ đã viết, biên soạn 23 cuốn sách, trong đó có gần 10 cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Hindi về Việt Nam, trong số đó có 2 cuốn chuyên khảo về Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - vị cứu tinh của hòa bình, độc lập và hạnh phúc; Thần tượng của nhân dân: Hồ Chí Minh và Ấn Độ; một số cuốn sách về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ như: Chiến tranh giải phóng Việt Nam: Vai trò của Calcutta; Đà Nẵng: Thành phố của những kỳ quan; Dấu tích của nền văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam,v.v.. Năm 2020, khi tuổi cao, sức yếu, nhưng bằng tất cả tình yêu phi thường đối với Việt Nam, Cụ vẫn hoàn thành cuốn sách Việt Nam: 1982-2017: Từ đổ nát đến tiến bộ đáng kinh ngạc. Một số sách của Cụ đã được dịch ra tiếng Việt, xuất bản tại Việt Nam. Nhiều cuốn sách của Cụ đã góp phần làm cho người Ấn Độ hiểu thêm về Việt Nam, yêu mến Việt Nam.

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, với uy tín cá nhân từ khi còn là sinh viên đại học, Cụ đã vận động và tham gia phong trào sinh viên Ấn Độ biểu tình phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và những năm 1960-1970, tham gia phong trào phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam nên những lời kêu gọi Ấn Độ ủng hộ Việt Nam của Cụ rất được nhân dân Ấn Độ hưởng ứng.

Với vai trò là nhà báo, nhà hoạt động chính trị-xã hội, Cụ đã cống hiến suốt 5 thập kỷ không mệt mỏi trong việc thúc đẩy tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ. Cụ đã từng đi khắp các bang ở Ấn Độ, đi hơn 30 nước, đến đâu Cụ cũng ca ngợi Việt Nam, khẳng định cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ca ngợi tinh thần tự cường, đổi mới, sáng tạo, lòng khoan dung, nhân ái cao cả của dân tộc Việt Nam. Một đất nước như vậy, một dân tộc như vậy xứng đáng được nhân loại coi trọng và vị nể. Cụ luôn tin tưởng rằng, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được thắng lợi cao cả trên bước đường xây dựng quốc gia hưng thịnh.

Với những đóng góp không mệt mỏi cho tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ, Cụ Geetesh Sharma đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương vì Hòa bình và Hữu nghị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng Huy chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”.

Cụ Geetesh Sharma ra đi để lại một khoảng trống không dễ gì bù đắp. Sự thiếu vắng của Cụ trên thế gian này là tổn thất lớn cho nền ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ. Cụ đi xa, nhưng tượng đài về tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ vẫn còn sống mãi. Mong Cụ an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng và luôn phù hộ cho đất nước Việt Nam và Ấn Độ luôn đoàn kết, thủy chung, cùng giúp đỡ nhau đồng hành phát triển thịnh vượng trong thế giới đầy biến động này.

Kính cẩn vĩnh biệt Cụ - người Bạn Ấn Độ thân thiết nhất của dân tộc Việt Nam.

PGS, TS Lê Văn Toan - Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục