Ngành Điện Ấn Độ (Phần 1)
Ngành Điện Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Lịch sử phát triển *
Lần đầu tiên, bóng đèn điện được thắp sáng tại Calcutta (nay là Kolkata) vào ngày 24/7/1879 bởi P.W. Fleury & Co. Ngày 07/1/1897, Kinburn & Co. được cấp giấy phép thắp điện tại Calcutta như là đại lý của Indian Electric Co. đăng ký hoạt động tại London. Một tháng sau, công ty này đổi tên thành Calcutta Electric Supply Corporation. Chỉ đến năm 1970, việc kiểm soát công ty này mới được chuyển từ London đến Calcutta.
Những thành công trong việc phát và sử dụng điện tại Calcutta đã khích lệ việc lần đầu tiên sản xuất và đưa điện vào sử dụng tại Bombay (nay là Mumbai) vào năm 1882, tại Chợ Crawford và Công ty cấp điện và Tàu điện Bombay (Bombay Electric Supply & Tramways Company) thành lập trạm phát điện năm 1905 cung cấp điện cho tàu điện.
Ấn Độ lắp đặt nhà máy thủy điện đầu tiên năm 1897 tại vùng sản xuất chè Sidrapong vào năm 1897, cung cấp điện cho Tòa thị chính Darjeeling. Đường phố đầu tiên có điện chiếu sáng tại châu Á là tại Bangalore ngày 05/8/1905. Tàu hỏa chạy điện đầu tiên của nước này vận hành tại Harbor Line giữa Ga Victoria của Bombay và Kurla ngày 03/2/1925.
Sự phát triển của ngành điện Ấn Độ có thể chia thành các giai đoạn: (1) đến năm 1956 là giai đoạn mở đầu và sau khi đất nước được trao trả độc lập; (2) từ năm 1956 đến năm 1991 là giai đoạn quốc hữu hóa ngành điện; (3) từ năm 1991 đến năm 2003 là quá trình cải tiến cơ chế, tư nhân hóa ngành điện và (4) từ năm 2003 đến nay là giai đoạn phát triển và hiện đại hóa.
Vào đầu giai đoạn sau năm 2003, Ấn Độ vẫn thiếu điện trầm trọng cho sản xuất và đời sống. Nhiều thành phố lớn, thậm chí cả Thủ đô New Delhi cũng phải luân phiên hoặc đột xuất cắt điện. Nhờ việc tư nhân hóa và cải cách, ngành này đã huy động được nguồn lực rất lớn từ trong nước và các tập đoàn, công ty nước ngoài. Ngày 18/8/2015, sân bay quốc tế Cochin, bang Kerala, trở thành sân bay đầu tiên trên thế giới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.
Hàng chục năm trước, tỷ lệ thiếu điện vào khoảng 13% mỗi năm. Đến tháng 4/2017, Ấn Độ chỉ thiếu điện 0,5% so với mức 1,4% của năm trước. Các vùng phía Tây, phía Đông và Nam chỉ thiếu 0,1%. Vùng Đông Bắc Ấn Độ vẫn thiếu 2,2% vào giờ cao điểm và vùng phía Bắc thiếu 1,8%. Dự kiến, trong năm tài chính 2017/2018, Ấn Độ sẽ không còn tình trạng thiếu điện trong cả nước và có khả năng dư thừa 6,8% vào giờ cao điểm.
Đến nay, Luật về điện 2003 điều chỉnh các hoạt động của ngành điện. Luật này có hiệu lực từ ngày 15/6/2003 với mục đích tạo sự cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và phát triển ngành điện trong phạm vi toàn quốc. Luật này thay thế Luật về điện năm 1910, Luật về cung cấp điện năm 1948 và Luật về Cơ quan điều hành điện năm 1988. Luật về điện năm 2003 đã được điều chỉnh vào năm 2007 nhằm tăng cường thị trường phát và truyền tải điện cạnh tranh và điều tiết, phối hợp nỗ lực của chính phủ và các bang địa phương.
Công suất lắp đặt
Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Nhu cầu về điện cũng vì thế tăng cao. Theo Bộ Điện lực Ấn Độ, tổng công suất lắp đặt điện của Ấn Độ đến ngày 22/12/2017 là 330.861 Mega Watt (MW). Các nhà máy nhiệt điện là 218.960 MW chiếm tỷ trọng 66,2%, thủy điện 44.963 MW với 13,6%, các nguồn năng lượng tái tạo 60.158 MW với 18,2 và 6.780 MW với tỷ trọng 2% là điện nguyên tử.
Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về công suất phát điện, sau Trung Quốc và Mỹ, đứng thứ tư thế giới về tiêu thụ điện năng. Theo số liệu của Enerdata, năm 2016, Trung quốc sản xuất 6.015 TW (Tera Watt), Mỹ 4.327 TW, Ấn Độ 1.423 TW, Nga 1.088 TW và Nhật Bản 1.013 TW.
Công suất lắp đặt ngành điện Ấn Độ (đến ngày 22/12/2017)
* Công suất tính đến ngày 30/9/2017. Năng lượng tái tạo bao gồm Dự án thủy điện nhỏ, Gas sinh học, Điện sinh học, Điện từ phế liệu công nghiệp và thành thị, Năng lượng gió và mặt trời.
Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ
Phát điện
Nguồn phát điện được chú trọng đầu tư xây dựng, cả ở cấp trung ương và các bang. Các tập đoàn, công ty tư nhân cũng được phép tham gia vào sản xuất và kinh doanh điện, từ xây dựng, phát điện tới xây dựng hệ thống truyền tải và bán điện trong phạm vi cả nước.
Mục tiêu phát điện năm 2017/2018 là 1.229,4 tỷ BU (BU = Billion Unit), trong đó, 1.042 BU là nhiệt điện; 141,4 BU thủy điện; 40,97 BU điện nguyên tử và 5.000 BU nhập khẩu từ Bhutan. Con số này của năm 2014/2015 là 1.107,8 BU tăng 5,97% so với mức 1.160,14 BU của năm 2016/2017.
Phát điện 24/24 tại Ấn Độ giai đoạn 2009/2010 đến 2017/2018
* Ước thực hiện đến tháng 11/2017.
Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ
Tiêu thụ bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2008/2009 còn khá thấp, chỉ với mức 704 Kwh so với mức 15.000 Kwh của Mỹ, 1.800 Kwh của Trung Quốc. Mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 2.300 Kwh. Năm 2014, Canada dẫn đầu thế giới với mức tiêu thụ 15.544 Kwh/người; tiếp đến là Mỹ 12.962 Kwh/người; Trung Quốc 3.927 Kwh/người và Ấn Độ 1.010 Kwh/người. Dự kiến, năm 2022, Ấn Độ tiêu thụ điện là 1.895 TW. Mức của năm 2016 là 1.160,1 TWh.
Những năm vừa qua, Ấn Độ tăng cường xây dựng và đưa vào vận hành nhiều nhà máy mới, bảo đảm cung cấp ngày càng nhiều năng lượng điện cho sản xuất, bao gồm 31 nhà máy nhiệt điện với công suất 9.106 MW, một nhà máy thủy điện công suất 39 MW và 2 nhà máy điện nguyên tử với công suất 440 MW.
Trước đó, trong năm 2008/2009, có 18 nhà máy được đưa vào vận hành với tổng công suất 3.453,7 MW và 8 nhà máy thủy điện với công suất 969 MW. Đã có 50.471,4 MW công suất phát điện tăng thêm từ tháng 4/2014 đến 10/2016. Công suất phát điện 24/24 tăng từ 967 BU năm 2013/14 lên 1.048 BU năm 2014/15. 128.403 MVA công suất trạm biến áp được bổ sung từ tháng 4/2014 đến 3/2016. Khả năng truyền tải điện đến Nam Ấn Độ tăng 71%, từ 3.450 MW năm 2013/14 lên 5.900 MW. (Xem tiếp phần 2)
* Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024