Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Người Việt sốc vì du lịch Ấn Độ: Một góc nhìn khác

Người Việt sốc vì du lịch Ấn Độ: Một góc nhìn khác

Khi được hỏi về ấn tượng đối với Ấn Độ, mười người Việt thì có đến chín người nói về những điều như ô nhiễm, hiếp dâm, khủng bố,… tức là toàn những điều tiêu cực mà báo chí Việt Nam hay đưa tin. Những điều đó không sai, nhưng, có lẽ, để đánh giá chuẩn xác hơn về một đất nước, sẽ không là lãng phí thời gian nếu chúng ta tìm hiểu đôi chút về xứ sở kỳ lạ này từ một góc nhìn khác.

03:13 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lưu Duy Trân* 

Thủ phủ ô nhiễm của thế giới, hay rừng trong phố

Nói không ngoa khi nhận xét rằng, Thủ đô New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong nhiều năm liền cùng với Bắc Kinh "kèn cựa" nhau để giành ngôi quán quân trong lĩnh vực đáng xấu hổ này. Nếu không may đến New Delhi vào một buổi chiều gió, bạn sẽ hiểu ngay cảm giác được tắm trong bụi là thế nào. Bầu trời khu vực ngoại ô thường có màu xám xịt của những đụn mây ô nhiễm nặng bởi các khu công nghiệp bao quanh thủ đô. Chỉ số bụi trong không khí thường xuyên ở mức quá ngưỡng gấp…nhiều lần.

Thế nhưng có một điều lạ là, New Delhi luôn phủ đầy cây xanh. Cây xanh ở khắp mọi nơi, và không như ở đâu đó người ta chặt vài ngàn cây xanh vì những lý do khá "lạ", ở Ấn, người ta bảo vệ từng cái cây. Chúng ta thường nghe nói về những nước phát triển khi mà chỉ vì một vài cây xanh, người ta có thể bẻ cong tường rào, đục lỗ ở bờ tường để tránh, thì ở New Delhi người ta làm cả làn phân cách giữa đường chỉ để nhường chỗ cho cây xanh. Có rất nhiều trường đại học ở Ấn Độ được xây dựng ngay giữa những cánh rừng lớn. Giữa những khu rừng, người ta cho làm đường đi thông vào bên trong, xây những khu học xá, ký túc xá có chiều cao khiêm tốn và hạn chế việc phải chặt bỏ cây cối. Những tưởng điều đó như chỉ xảy ra ở một nước Tây Âu phát triển nào đó, nhưng thật ngạc nhiên, nó hiển hiện giữa lòng Ấn Độ. 

 

Có một Ấn Độ rất lạ

Giao thông của Ấn Độ rất lộn xộn, bát nháo với đủ loại xe lưu thông trên đường, mới cũ đủ cả. Đừng ngạc nhiên khi bạn thấy một chiếc ô tô có thể xuất xưởng từ những năm 80 của thế kỷ trước ì à ì ạch chạy song song cùng với những chiếc Audi A8 mới cứng, hay như một anh nông dân nào đó đang cưỡi ngựa chạy đua với một chiếc BMV đời mới. Những thói quen giao thông xấu nào Việt Nam có, Ấn Độ cũng không chịu thua, từ vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều cho đến phóng nhanh vượt ẩu. Nhưng người Ấn hay lắm, chạy đến ẩu là thế, cũng hay xảy ra va quẹt lắm nhưng chẳng bao giờ thấy người ta vì đó mà nhảy xổ vào đánh nhau. 

Xảy ra va chạm, người ta xuống xem xét tình hình, có thể tranh cãi đôi chút, nếu ai có lỗi thì bồi thường rồi thì đường ai nấy đi. Tuyệt nhiên không có chuyện vì một chút chuyện cỏn con mà lao vào đâm chém nhau. 

Người dân Ấn Độ, có thể do thấm nhuần niềm tin tôn giáo, nên cực kỳ hiền hòa và dễ mến. Bạn có thể thỏa sức mặc cả với các anh bán hàng (ở Ấn Độ đa phần là nam giới bán hàng) mà không hề lo sợ bị mắng chửi, kể cả khi người ta chưa bán mở hàng. Bạn sẽ ít có cơ hội trông thấy các anh tài xế auto-riskshaw (một dạng xe tuk tuk) tranh giành khách của nhau như ở ta. Bạn cũng tha hồ tay phải iPhone, tay trái iPad tung tăng trên phố mà không phải lo sợ chẳng may bị giật.

Chúng ta hay nghe nói về đất nước Bhutan xinh đẹp, nơi tối ngủ không cần đóng cửa, thì ở Ấn Độ, xe máy, ô tô được để ngay trước nhà mỗi đêm mà không sợ bị mất, có khi người ta còn cắm sẵn chìa khóa vào đó. Có một câu chuyện tôi đã từng chứng kiến, khi cậu bạn người Ấn chở tôi đi chơi. Vì vội đi, cậu bạn tôi đã để quên chìa khóa trên ô tô, cửa xe cũng không khóa. Khi trở lại xe vài giờ sau đó, chúng tôi đã rất bất ngờ khi thấy chìa khóa xe được kẹp ngay cửa kính trước kèm một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ: "Don't forget the keys" (Đừng có quên chìa khóa). Một kỷ niệm thật đáng nhớ!

Đi tới bất cứ nơi đâu của Ấn Độ, từ vùng quê đến thành phố đều có thể bắt gặp bò, khỉ, chó, sóc, chim… sống lẫn với con người. Người dân Ấn Độ với niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, rất hạn chế việc sát sinh. Chẳng thế mà có đến khoảng một nửa dân số Ấn Độ là người ăn chay trường hay thường xuyên ăn chay. Ở những vùng quê Ấn Độ tôi đã đi qua, hầu như nhà nào cũng đều có một cối đá hình Linga - Yoni (biểu tượng sinh thực khí nam – nữ trong đạo Hindu) đựng nước cho động vật uống. Ở những thành phố lớn nước ta, có thể sẽ hiếm khi thấy những cảnh tượng từng đàn chim bồ câu hàng trăm con đậu trên vòng xoay giữa đường, những chú sóc thoăn thoắn trên cành cây, hàng chục chú chó béo nỡm nằm phơi bụng giữa vỉa hè hay bắt gặp vài chú khỉ nghịch ngợm đang trên nóc nhà,… nhưng ở Ấn Độ, điều đó quá đỗi bình thường. 

Người ta còn biết đến Ấn Độ qua bộ phim điện ảnh nổi tiếng “Triệu phú khu ổ chuột”, khi mà Ấn Độ một lần nữa được miêu tả với những khu ổ chuột  đầy người, nhếch nhác và bẩn thỉu. Thế nhưng đúng là thế sao? Không hoàn toàn là vậy. Dành hẳn hai tháng trời để đi khắp các khu ổ chuột ở Delhi vào cuối tuần, tôi đã nhận ra một thế giới tràn ngập tiếng cười trẻ thơ, của sự tận hưởng niềm vui cuộc sống, là tình yêu thương,… 

Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất chính là, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người Ấn vẫn luôn mỉm cười và lạc quan. Họ ít than phiền hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà thay vào đó, họ tập cách làm quen và thích nghi. Tất nhiên, ai cũng muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nếu chẳng may không được như ý muốn, thì người Ấn cũng không lấy đó làm buồn. Đó phải chăng là một phần trong tính cách Ấn?

Gần hai năm ở Ấn Độ, may mắn có cơ hội được đi đây đi đó, tôi học được nhiều điều từ đất nước này hơn là những gì nhìn thấy bên ngoài. Bên trong một chiếc ô tô cũ mèm, tơi tả, chạy ì ạch là bộ động cơ chạy bằng ga với chi phí cực kỳ rẻ và thân thiện môi trường. Bên trong những cư dân ở các khu ổ chuột rách nát, bẩn thỉu lại là những tâm hồn lạc quan, yêu cuộc sống.

Thay lời kết, xin được mượn lời một người chị đã nhận xét về Ấn Độ: Tôi hiểu sâu sắc những gì lấp lánh chưa hẳn là vàng, nhưng chưa hiểu hết được những thứ không lấp lánh không hẳn là đất… (Theo vietnamnet.vn)

*Học viên Thạc sĩ ngành Truyền thông Phát triển ĐH Jamia Millia Islamia – New Delhi

Nguồn:

Cùng chuyên mục