Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhật Bản, Australia, Ấn Độ quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông

Nhật Bản, Australia, Ấn Độ quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông

Ngày 26/2/2016, các quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp ở Biển Đông, đồng thời cùng chia sẻ “quan ngại sâu sắc” về những căng thẳng ở khu vực này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động quyết đoán trên biển.

03:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc đàm phán ở thủ đô Tokyo với Quốc vụ khanh Ngoại giao và Thương mại Australia Peter Varghese và Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki nhấn mạnh: “Chúng tôi cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về các động thái nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, điều sẽ dẫn tới sự mất ổn định trong khu vực.”

Ông Saiki cho biết: “Chúng tôi có cùng quan điểm về sự cần thiết phải thiết lập một quy tắc mới trong khu vực nhằm đảm bảo việc thực thi luật pháp và tự do hàng hải,” hàm ý các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ngày 25/2/2016, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông."

Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”./. (Theo TTXVN)

Nguồn:

Cùng chuyên mục