Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Nhóm bộ tứ” ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

“Nhóm bộ tứ” ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngoại trưởng các nước thuộc “Nhóm bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ tái khẳng định cam kết về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, gắn với vai trò trung tâm của ASEAN.

04:28 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bốn tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ đã tiến hành cuộc điện đàm trực tuyến trong khuôn khổ “Đối thoại an ninh nhóm Bộ Tứ”, phát đi thông điệp khẳng định thiết chế này đóng vai trò nền tảng hoạch định chính sách ở khu vực. 

Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng với đồng cấp người Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Australian Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã thảo luận về tình hình Myanmar, Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Đối thoại được thực hiện ngay sau khi ông Biden lên nhậm chức cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính quyền Mỹ về hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như cam kết về nhóm Bộ Tứ - ông Motegi chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp ngày 18/2/2021. 

Cuộc gặp lần này được tổ chức theo đề nghị của Mỹ và là phiên tiếp xúc đầu tiên trong khuôn khổ Nhóm bộ tứ kể từ tháng 10/2020. Cuối tháng 1/2021, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien dưới thời Tổng thống Donald Trump đã gọi Nhóm bộ tứ là quan hệ quan trọng bậc nhất mà Mỹ thiết lập được kể từ thời điểm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời. 

Sau cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo khẳng định bốn nước đồng ý sẽ tiến hành ít nhất một phiên họp cấp bộ trưởng trong một năm, cùng với đó là các cuộc gặp cấp cao, cấp làm việc theo hình thức thường xuyên nhằm “củng cố hợp tác để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó có việc ủng hộ tự do hàng hải, thống nhất lãnh thổ”. 

Thông cáo cũng tái khẳng định Nhóm bộ tứ ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho thấy mong muốn của nhóm này trong mở rộng hợp tác với ASEAN. 

Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, Nhóm bộ tứ nhận thấy khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của quốc tế, kể cả ở châu Âu. Thực tế, Đức, Pháp và Hà Lan đều đã đề ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho riêng mình. Ngoại trưởng Motegi tháng trước cũng được mời phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại của EU về chủ đề này. 

Còn Ngoại trưởng Motegi nhận định, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ làm sâu sắc mối quan hệ với ASEAN, châu Âu và các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Ông Motegi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong bối cảnh đáng báo động liên quan đến sự xuất hiện của nhiều tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang do Nhật Bản quản lý.

Tại cuộc điện đàm, nhóm Bộ Tứ cũng lên tiếng phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc, nhưng theo chuyên gia Derek Grossman đến từ trung tâm nghiên cứu RAND (Mỹ), yếu tố Trung Quốc là động lực để Bộ Tứ mở rộng hợp tác trong thời gian gần đây. 

“Bộ tứ Kim cương” (nhóm Quad) ra đời năm 2007 với 4 thành viên là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nhưng khái niệm này sau đó gần như không được nhắc tới do Australia, Ấn Độ e tỏ ra thận trọng trước phản ứng từ Trung Quốc. Phải mất 10 năm sau ý tưởng này mới hồi sinh. Diễn đàn nhóm Bộ Tứ hoạt động dựa trên tôn chỉ thúc đẩy hợp tác an ninh và kinh tế giữa các quốc gia có cùng hệ giá trị. 

Đối thoại an ninh Bộ Tứ có được đẩy lên thành cuộc gặp cấp lãnh đạo hay không vẫn còn là khả năng để ngỏ. Phía Mỹ trước đó kêu gọi thúc đẩy cơ chế hội nghị thượng đỉnh bốn bên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mogeti trong trao đổi với báo chí sau cuộc gặp ngày 18/2 khẳng định chưa có bất kỳ quyết định nào được đưa ra về ý tưởng này. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Nikkei Asia Review)

Nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhom-bo-tu-ung-ho-vai-tro-trung-tam-cua-asean-tai-an-do-duongthai-binh-duong-20210219144851592.htm

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục