Phát biểu của Đại sứ Ấn Độ tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam
Phát biểu của Đại sứ Ấn Độ tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam, do Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ tổ chức, ngày 06/1/2017.
Phát biểu của Đại sứ Ấn Độ tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam, do Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ tổ chức, ngày 06/1/2017
Kính thưa ngài Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ,
Kính thưa các vị khách quý,
Kính thưa các quý bà và quý ông!
Tôi vinh dự được có mặt tại đây hôm nay để tham dự lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam. Tôi đặc biệt cảm ơn Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ và các chi hội của Hội ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác của Việt Nam đã nhiệt thành cùng với Đại Sứ quán Ấn Độ và Hội đồng Văn hóa Ấn Độ tổ chức sự kiện lịch sử này hôm nay.
Ấn Độ đánh giá cao quan hệ với Việt Nam. Các giá trị cùng chia sẻ và những khát vọng chung của chúng ta tạo ra nền tảng các quan hệ của hai nước. Người ta nói rằng, mối quan hệ giữa hai nước như bầu trời trong xanh không một gợn mây. Hôm nay, chúng ta có thể nhìn về tương lai phía trước với một niềm tin vững chắc.
Ngày 7/1/1972, Ấn Độ và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mối quan hệ gắn bó giữa hai nước được bắt nguồn từ cuộc đấu tranh của dân tộc hai nước vì tự do dưới sự lãnh dạo của hai vị cha già dân tộc Mahátma Ganđi và Hồ Chí Minh. Bác Hồ và Chacha Nêru (Bác Nêru theo tiếng Hinđi) có tình cảm quý mến và tôn trọng nhau rất sâu sắc. Trong cuốn “Nhật ký trong tù viết năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ “Gửi Nêru” :
Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau.
Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra sau đó một thập niên, vào tháng 10 năm 1954, khi Thủ Tướng J. Nehru là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đích thân tới thăm Việt Nam và chúc mừng các nhà lãnh đạo Việt Nam sau khi Việt Nam vừa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước chúng ta ngày càng trở nên vững mạnh trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, thực hiện những nỗ lực phi thường vì sự nghiệp thống nhất và giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay. Tuy nhiên, mối quan hệ mang tính chất nền văn minh giữa Ấn Độ và Việt Nam đã trải dài suốt 2.000 năm lịch sử, sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam và những di sản của nền văn minh Chàm Hinđu là những minh chứng cho điều đó.
2016 là một năm đáng nhớ với chuyến thăm lịch sử và thành công của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng nước Ấn Độ chúng tôi trong 15 năm qua. Phát biểu trước khoảng 800 nhà sư và nicô tại chùa Quán Sứ, Thủ tướng N. Modi nhấn mạnh: “Trong nhiều thế kỷ qua có nhiều nước trên thế giới đã tới Việt Nam. Trong khi một số tới đây để gây chiến tranh, thì Ấn Độ đã tới với thông điệp của hòa bình – thông điệp của Đạo Phật. Những sứ giả của chiến tranh và bạo lực không hề còn lại dấu vết, trong khi dấu ấn của những sứ giả của hòa bình và Đạo Phật đã tồn tại đến tận ngày nay. Các nhà sư và thương nhân của chúng ta đã có sự kết nối qua nhiều thế kỷ và sự trao đổi văn hóa như vậy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc sống của chúng ta tới ngày nay.
Cùng với thời gian, mối quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam đã đơm hoa và kết trái. Hai nước chúng ta đã đứng bên nhau trong những thời điểm khó khăn. Trong khi kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam, chúng ta đã thực sự bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, được đánh dấu bằng sự tin tưởng sâu sắc, sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị đời đời bền vững.
Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hiện nay là toàn diện, bao gồm các lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh ở mọi chiều cạnh, hợp tác trên cơ sở rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo và tăng cường hợp tác văn hóa. Các nhà lãnh đạo của hai nước tin tưởng vững chắc rằng, mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường sự ổn định và phát triển ở khu vực và là lợi ích chung của Ấn Độ và Việt Nam.
Khi gặp nhau hồi tháng 9 năm ngoái, các Thủ tướng hai nước đã quyết định rằng, ngay cả khi Ấn Độ và Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực, thương mại và buôn bán cần phải trở thành ưu tiên chiến lược của chúng ta. Có một số bổ sung trong các lĩnh vực này và chúng ta nhìn thấy tiềm năng rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, năng lượng và các công nghệ năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng, hạ tầng cơ sở, may mặc và dệt, dược phẩm, nông nghiệp, viễn thông và công nghệ thông tin.
Hợp tác và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa là một trọng tâm chú ý của chúng ta. Trong năm 2017, hãng hàng không Viet Jet sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến bay trực tiếp từ thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội tới Bodh Gaya và những thành phố khác của Ấn Độ. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại song phương, đầu tư, du lịch và sự kết nối giữa nhân dân hai nước.
Trung tâm văn hóa Ấn Độ (ICC) mới khai trương tại Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thông tin về văn hóa và du lịch của Ấn Độ, và đây cũng sẽ là nơi giới thiệu về văn hóa và biểu diễn nghệ thuật của Ấn Độ. Chúng tôi đang thực hiện thành công các lớp dạy múa cổ, âm nhạc Ấn Độ và yoga tại Trung tâm này. Thư viện của Trung tâm luôn mở cửa đón chào công chúng Việt Nam tới đọc và nghiên cứu các cuốn sách được lựa chọn và nền văn học Ấn Độ. Chúng tôi sẽ sớm mở rộng các hoạt động như tổ chức triển lãm và các chương trình văn hóa khác và các sự kiện tại Trung tâm này.
Đại sứ quán Ấn Độ cũng dành nhiều suất học bổng cho các công dân Việt Nam theo Chương trình Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế (ITEC). Hiện mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam 150 suất học bổng ITEC cùng 16 suất học bổng theo Chương trình Giao lưu Văn hóa chung (GCSS), 14 suất học bổng theo Chương trình Trao đổi Giáo dục ( EEP) và 10 suất học bổng theo Chương trình Hợp tác sông Mê Công - sông Hằng.
Chúng tôi trông đợi chương trình nghiên cứu khảo cổ của Ấn Độ được tiến hành trong tương lai gần theo Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Khôi phục các di tích Chàm tại Mỹ Sơn.
Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm nồng ấm và sự yêu mến mà nhân dân Việt Nam dành cho đất nước Ấn Độ, và cho rằng, những chương trình khác nhau được thực hiện là đóng góp nhỏ bé của chúng tôi vào việc tăng cường các mối quan hệ anh em giữa nhân dân hai nước.
Nhân dịp này tôi xin bày tỏ sự cảm ơn đối với ngài Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ (VIFA) và Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ văn hóa và sự kết nối giữa nhân dân hai nước chúng ta. Tôi mong chờ được hợp tác thật chặt chẽ với Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong năm 2017.
Hôm nay, xin phép được nhắc lại lời của đại thi hào Ấn Độ R. Tagore, người từng nhận giải thưởng Nobel Văn học, khi ông tới thăm Việt Nam năm 1929: “Trái tim Ấn Độ đã rung động dưới bầu trời rực rỡ ánh nắng trên bờ biển này”. Trên thực tế, điều đó vẫn đúng cho tới tận ngày nay.
Nhân dịp này, tôi xin chúc tất cả các bạn Năm mới Đinh Dậu thật hạnh phúc. Cầu chúc Năm mới sẽ mang lại cho các bạn và gia đình nhiều niềm vui, hạnh phúc và sự thịnh vượng.
Xin cảm ơn!
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục