Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Philippines sẵn sàng sở hữu tên lửa “cực kỳ sát thương” BrahMos của Ấn Độ?

Philippines sẵn sàng sở hữu tên lửa “cực kỳ sát thương” BrahMos của Ấn Độ?

Trong bài viết đăng trên South China Morning Post, hai nhà báo chuyên về chính trị và quan hệ quốc tế Alan Robles và Raissa Robles cho rằng, kế hoạch sở hữu tên lửa BrahMos do Ấn Độ sản xuất sẽ giúp Philippines củng cố khả năng phòng vệ bờ biển.

04:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông, kế hoạch sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới do Ấn Độ sản xuất sẽ giúp Philippines củng cố khả năng phòng vệ bờ biển cho các lực lượng vũ trang của mình.

Do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển, BrahMos PJ-10 có thể phóng đi từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và từ bệ phóng mặt đất. Tên lửa này có tầm xa 290 km, nhanh gấp 3 lần vận tốc âm thanh và đã được lực lượng vũ trang Ấn Độ thử nghiệm một số lần trên biển và trên bộ hồi năm ngoái.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin quân đội nước này đã triển khai BrahMos tại những vị trí dọc khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc, hay còn gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC).

Thương vụ đột phá

Thỏa thuận ký kết hôm 2/3/2021 vừa qua giữa Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Raymund Elefante và Đại sứ Ấn Độ Shambu Kumaran đã đặt nền tảng cho việc Manila mua tên lửa từ New Delhi.

Thỏa thuận này được thực hiện trong bối cảnh 2 quốc gia đang ngày càng thắt chặt mối quan hệ an ninh.

Nếu một hợp đồng mua bán vũ khí được ký kết, Philippines sẽ trở thành khách hàng quốc tế đầu tiên mua hệ thống tên lửa BrahMos của Ấn Độ, và đây cũng là thương vụ quốc phòng lớn đầu tiên giữa New Delhi và Manila.

Ấn Độ đang phát triển mối quan hệ ngày càng gần gũi với Mỹ, trong khi đó Philipines cũng là một trong 2 đồng minh có hiệp ước an ninh với Washington tại Đông Nam Á.

Với việc Philippines chủ yếu mua vũ khí từ Mỹ, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao những diễn biến hiện nay.

Theo ông Jose Antonio Custodio, Cố vấn An ninh và Quốc phòng thuộc nhóm chuyên gia Stratbase ADR Institute của Philippines, "Rõ ràng, đối thủ ở đây chính là Trung Quốc. Chúng ta cần những tên lửa này để củng cố khả năng phòng thủ trước Trung Quốc”.

Có thể được sử dụng để phòng thủ bờ biển và tấn công mặt đất, hệ thống tên lửa BrahMos được kỳ vọng sẽ tăng cường sức mạnh hỏa lực của quân đội Philippines khi đối mặt với các mối đe dọa đối với lãnh hải, chủ yếu đến từ sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nỗ lực tạo ưu thế

Trong cuộc đua khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, quân đội Philippines đang “lép vế” so với Trung Quốc về cả chất lượng lẫn số lượng.

Năm ngoái, Tổng thống Rodrigo Duterte đã khẳng định Philippines nên theo đuổi “nỗ lực ngoại giao” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông bởi vì “Trung Quốc có vũ khí. Chúng tôi thì không, chỉ đơn giản như vậy”.

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 10/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorezana đã thừa nhận Philippines “còn chưa đi nổi 25%” trên con đường đạt được năng lực quốc phòng tin cậy tối thiểu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng Philippines không có đủ cơ sở hạ tầng để bảo đảm các tên lửa BrahMos được bảo trì tốt và không đủ nhân lực giỏi để có thể duy trì hệ thống.

Trên thực tế, việc Philippines mua tên lửa BrahMos từng gây tranh cãi trong quá khứ. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng quốc gia Đông Nam Á này không đủ tiềm lực kinh tế để mua các tàu chiến có khả năng sử dụng tên lửa BrahMos.

Cố vấn An ninh Custodio khẳng định tên lửa “cực kỳ sát thương” BrahMos thường được đặt trên các bệ phóng di động trên bộ, nhưng Philippines cũng có thể đặt chúng trên tàu chiến.

Ông nói: “Trên thực tế, chúng ta có các tàu chiến hiện đại để phóng chúng. Chúng ta có cơ sở để làm điều này, chẳng hạn như các tàu hộ tống của Hàn Quốc, tàu lớp Hamilton của Mỹ, tuy nhiên chúng tôi không có ngân sách để biến các tàu này thành những bệ phóng tên lửa”.

Ý định và thực tiễn

Philippines đã có kế hoạch mua tên lửa hành trình từ nhiều năm nay. “Việc này đã được dự kiến từ lâu, kể từ nhiệm kỳ 2010-2016 của Tổng thống Benigno Aquino III, khi hải quân Philippines đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong đó đề cập BrahMos”, chuyên gia Custodio cho biết.

Từ năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đã cho biết bộ này dự tính mua BrahMos vào năm 2020 để trang bị cho một đơn vị pháo binh, tuy nhiên sau đó nguồn tiền đã bị chuyển hướng để Philippines đối phó với đại dịch Covid-19.

Các nguồn tin cho biết New Delhi ngỏ ý muốn cho Manila vay 100 triệu USD để Manila có thể sở hữu tên lửa BrahMos vào tháng 12, và Tổng thống Duterte đã miễn cưỡng đồng ý lời đề nghị.

Khi thỏa thuận được ký hôm 2/3/2021, Bộ trưởng Lorenzana đã không đưa ra chi tiết về cách Manila sẽ trả tiền cho tên lửa BrahMos. Theo blog an ninh MaxDefense của Philippines, “do ngân sách là một vấn đề, hạn mức tín dụng mà Ấn Độ dành cho Chính phủ Philippines có thể sẽ được sử dụng, và thậm chí có khả năng mở rộng vượt mức giới hạn 100 triệu USD”.

Nhà phân tích Custodio nói: “Có ý định mua không có nghĩa là đã có tiền để mua”.

Ông cho rằng hiện vẫn chưa rõ ngân sách năm nay đã phân bổ nguồn tiền để mua tên lửa hay chưa. Theo ông, việc sở hữu hệ thống BrahMos đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ mua tên lửa.

“Một chương trình hiện đại hóa luôn cần những phương án cẩn thận và chính xác để đảm bảo việc mua vũ khí được duy trì một cách đúng đắn. Bạn không thể chỉ mua tên lửa mà không xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ và đào tạo nhân sự để duy trì hệ thống. Bạn phải mua trọn gói”, ông Custodio nhấn mạnh.

Nguồn: https://baoquocte.vn/philippines-san-sang-so-huu-ten-lua-cuc-ky-sat-thuong-brahmos-cua-an-do-138590.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục