Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phương thức ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ

Phương thức ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ

Ngày 16/1/2021 là một dấu son đáng tự hào đối với hơn 1,3 tỷ người dân Ấn Độ và là khoảnh khắc xúc động đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi ông phát động đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới. Được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, đợt tiêm vắc-xin được chờ đợi từ lâu đã khơi dậy niềm lạc quan mới về một tương lai mạnh khỏe và hạnh phúc hơn. Việc tiêm chủng đã được cả thế giới theo dõi vì vắc-xin “Sản xuất tại Ấn Độ” hứa hẹn sẽ giải cứu thế giới thoát khỏi lời nguyền chết người của đại dịch COVID-19.

03:32 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Phải mất nhiều năm để điều chế vắc-xin. Nhưng trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi không chỉ có một mà là hai loại vắc-xin do Ấn Độ sản xuất”, Thủ tướng Modi khen ngợi các nhà khoa học Ấn Độ, những người đã làm việc không mệt mỏi để biến điều tưởng như không thể thành hiện thực. Quy mô tuyệt đối của đợt tiêm chủng của Ấn Độ thật đáng kinh ngạc: đến giai đoạn thứ hai, Ấn Độ hy vọng sẽ tiêm chủng cho hơn 300 triệu người, nhiều hơn dân số của Anh, Pháp, Đức và Ý cộng lại. Thủ tướng Modi nói: “Chỉ có ba quốc gia trên thế giới có dân số trên 300 triệu người, đó là Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc. Do đó, đây sẽ là đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới”.

Ấn Độ tham gia câu lạc bộ 5 quốc gia có vắc-xin

Ấn Độ tiến hành đồng thời việc phát triển vắc-xin bản địa và sản xuất vắc-xin cho nước ngoài. Đó là Covaxin được sản xuất tại Ấn Độ bởi công ty dược phẩm Bharat Biotech, đây là một điểm sáng trong hành trình công nghệ Ấn Độ và một dấu ấn đưa Ấn Độ trở thành cường quốc dược phẩm trên thế giới. Vắc-xin thứ hai là Covishield (là tên Ấn Độ của vắc-xin Oxford-AstraZeneca được phát triển ở Anh với sự hợp tác của Viện Huyết thanh của Ấn Độ). Ấn Độ đang trở thành một cường quốc vắc-xin khi có tới 60% sản lượng vắc-xin trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ. Covaxin là ví dụ điển hình cho tinh thần Atmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự cường) vì nó đã được phát triển tại chính Ấn Độ bởi Bharat Biotech, công ty xuất khẩu vắc-xin sang 123 quốc gia. Những loại vắc-xin này nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Sản xuất tại Ấn Độ và khẳng định danh tiếng ngày càng tăng của Ấn Độ trong vai trò là nhà sản xuất dược phẩm lớn thế giới. Những loại vắc-xin này cũng đánh dấu việc Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ độc quyền V5, gồm năm cường quốc sản xuất vắc-xin chống vi-rút corona, bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tốc độ, quy mô và kỹ năng

Đợt tiêm chủng đã được lên kế hoạch theo từng giai đoạn, xác định nhóm ưu tiên và thông báo cho người được tiêm qua điện thoại. Nhân viên y tế, cả trong khu vực chính phủ và tư nhân, đã được xác định là những người đầu tiên nhận vắc-xin trong giai đoạn 1, bắt đầu vào ngày 16/1/2021. Hàng nghìn nhân viên tuyến đầu và nhân viên y tế đã nhận được vắc-xin, báo hiệu niềm tin vào sản phẩm do Ấn Độ sản xuất. Trong giai đoạn hai, 300 triệu người sẽ được tiêm chủng, ưu tiên những người trên 50 tuổi và những người mắc bệnh nền.

Đợt tiêm chủng này được thực hiện theo cách tiếp cận 3S của chính phủ Ấn Độ: Tốc độ (speed), Quy mô (scale) và Kỹ năng (skill). Cách tiếp cận 3S này đã được thể hiện rõ ràng từ những ngày đầu của đại dịch khi Ấn Độ trở thành quốc gia lớn đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc để kiềm chế đại dịch vào tháng 3/2020. Trong những tháng tiếp theo, Ấn Độ đã tăng cường thử nghiệm và thực hiện các bước có tính quyết định khác như tăng cường sản xuất khẩu trang và chất khử trùng để kiềm chế đại dịch.

Ngoại giao vì sự sống

Ấn Độ không chỉ tìm cách loại bỏ corona vi-rút ở Ấn Độ mà còn hỗ trợ các nước láng giềng, đối tác và bạn bè của Ấn Độ vượt qua đại dịch. Theo chương trình mới “Vắc-xin Maitri”, Ấn Độ đã cung cấp đợt vắc-xin đầu tiên cho các nước láng giềng, bao gồm Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và Myanmar. Tiếp theo là việc gửi vắc-xin đến Mauritius và Seychelles, những quốc gia có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, mà Ấn Độ coi là một phần của khu vực láng giềng mở rộng.

Vào ngày 20/1/2021, 150.000 liều vắc-xin đã được cung cấp cho Bhutan và 100.000 liều cho Maldives dưới dạng viện trợ không hoàn lại, tiếp theo là cung cấp 1 triệu liều cho Nepal và 2 triệu liều cho Bangladesh. Vào ngày 23/1/2021, các lô hàng 1,5 triệu liều cho Myanmar, 100.000 liều đến Mauritius và 50.000 liều đến Seychelles đã được gửi đi.

Tinh thần “vasudhaiva kutumbakam” (thế giới là một gia đình) đã ăn sâu vào văn hóa Ấn Độ. Ấn Độ đang cung cấp thuốc cho các nước dưới dạng quà tặng, viện trợ, cũng như trên cơ sở trao đổi thương mại. Về số lượng và chủng loại vắc-xin, Ấn Độ sẽ cung cấp ra nước ngoài theo phương thức Từ chính phủ tới chính phủ (G-to-G), Từ chính phủ đến doanh nghiệp (G-to-B) và Từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B-to-B) tùy thuộc vào quyết định ở các quốc gia liên quan.

Quyết định gửi vắc-xin đầu tiên đến các nước láng giềng đã được chính phủ Ấn Độ thực hiện một cách có chủ động nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ với chính sách Láng giềng trên hết do Thủ tướng Ấn Độ Modi khởi xướng. Các nguồn cung cấp theo hợp đồng cũng đang được thực hiện cho Ả Rập Saudi, Nam Phi, Brazil, Maroc, Bangladesh và Myanmar.

Theo dõi các yêu cầu trong nước của việc triển khai theo từng giai đoạn, Ấn Độ sẽ tiếp tục cung cấp vắc-xin COVID-19 cho các nước đối tác trong những tuần và tháng tới theo cách thức từng bước. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết sẽ đảm bảo rằng, các nhà sản xuất trong nước sẽ có đủ lượng hàng dự trữ để đáp ứng các yêu cầu trong nước trong khi cung cấp ra nước ngoài.

Trước đợt tiêm chủng, Ấn Độ đã cung cấp thuốc HCQ cho hơn 150 quốc gia trên thế giới vào thời điểm cao điểm của đại dịch vào năm 2020. Những động thái này đã đưa Ấn Độ trở thành nhà cung cấp an ninh y tế công cộng hàng đầu thế giới và là nước đảm bảo an ninh chung trong khu vực. Sự hỗ trợ tích cực của Ấn Độ trong đại dịch và sự nổi lên của Ấn Độ với tư cách là quốc gia tiên phong ứng phó với cuộc khủng hoảng đã giành được nhiều lời khen ngợi từ thế giới. Gọi Ấn Độ là “người bạn thực sự” trong khai thác lĩnh vực dược phẩm để giúp đỡ cộng đồng toàn cầu, Mỹ đã ca ngợi New Delhi vì đã tặng vắc-xin COVID-19 cho một số quốc gia. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Ấn Độ là một người bạn thực sự khi sử dụng dược phẩm của mình để giúp đỡ cộng đồng toàn cầu”. Động lực cung cấp vắc-xin được thiết lập để tăng cường mối quan hệ của Ấn Độ với các nước ở Nam Á, những quốc gia đã đặt niềm tin vào vắc-xin do Ấn Độ sản xuất.

Lãnh đạo các nước láng giềng cũng bày tỏ lời cảm ơn về cử chỉ thân thiện của New Delhi. Thủ tướng Nepal KP Oli đã viết lên mạng xã hội Twitter: “Tôi cảm ơn Thủ tướng Shri @NarendraModiji cũng như Chính phủ và người dân Ấn Độ đã tài trợ hào phóng một triệu liều vắc-xin Covid cho Nepal vào thời điểm quan trọng này khi Ấn Độ đang triển khai tiêm chủng cho người dân của mình”.

Chương trình Ngoại giao vắc-xin được tổ chức tại thời điểm Ấn Độ đang là thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này càng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn cầu của Ấn Độ trong việc đối phó không chỉ với đại dịch mà còn một loạt các thách thức mà thế giới sẽ phải đối mặt từ năm 2021.

Tác giả: Manish Chand, Giám đốc điều hành kiêm Tổng biên tập India Writes Network, www.indiawrites.org, và India and the World, một tạp chí tiên phong tập trung vào các vấn đề toàn cầu.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội

Nguồn:

Cùng chuyên mục