Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ thời điểm này tốt đẹp hơn bao giờ hết
Hướng tới kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 70 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam, cùng 68 năm độc lập của Ấn Độ (15/8/1947-15/8/2015), phóng viên thường trú TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn chung Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran về sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Ấn Độ và tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ Tôn Sinh Thành đánh giá quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ tại thời điểm hiện nay là tốt đẹp hơn bao giờ hết. Mối quan hệ đó được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, giờ đây càng trở nên gắn bó bởi sự song trùng về lợi ích chiến lược, vì an ninh, thịnh vượng của mỗi nước, cũng như vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ nhấn mạnh rằng, sự song trùng lợi ích chiến lược chính là cơ sở rất vững chắc cho hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực kể từ đó đến nay.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, các chuyến thăm liên tiếp của lãnh đạo cấp cao trong những năm qua đã tăng cường độ tin cậy về chính trị giữa hai nước. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ tăng nhanh chóng, đạt gần 9 tỷ USD trong năm 2014, gấp mười lần năm 2007.
Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện nay đã đạt gần 400 triệu USD và có triển vọng tăng lên 2,5 tỷ USD, thậm chí 4-5 tỷ USD trong một thời gian không xa, với việc triển khai các dự án lớn của tập đoàn Tata và các dự án khác của Ấn Độ tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ giữa hai nước cũng đang phát triển mạnh.
Về sự đóng góp của ngành ngoại giao trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ra đời năm 1972, với tiền thân là Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ thành lập từ năm 1956, mà Tổng Lãnh sự đầu tiên chính là cố Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Kể từ khi có sự hiện diện ngoại giao chính thức tại Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam đã góp phần to lớn thúc đẩy quan hệ Việt-Ấn.
Đại sứ quán đã đón hàng chục đoàn lãnh đạo cấp cao sang thăm Ấn Độ, trong đó phải kể đến các chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978, các chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh trong những năm 80, các chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Trần Đức Lương những năm 90.
Đặc biệt, chỉ 3 năm gần đây, Đại sứ quán đã đón cả ba nhà lãnh đạo cao nhất sang thăm Ấn Độ là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014.
Đại sứ quán đã đóng góp tích cực vào việc nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm Đối tác Chiến lược năm 2007; triển khai toàn diện các mặt công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, bà Preeti Saran hoàn toàn tán thành đánh giá của Đại sứ Tôn Sinh Thành, song cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa khai thác giữa hai nước.
Tuy nhiên, Đại sứ Saran tin rằng, với mối quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ quốc phòng-an ninh, chính trị, quan hệ kinh tế-thương mại sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong những năm tới.
Theo bà Đại sứ, để khai thác đầy đủ tiềm năng hợp tác giữa hai nước, trước hết cần tăng cường mở các chuyến bay trực tiếp. Kết nối đường không sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ Saran cũng cho biết, Việt Nam là nhân tố mạnh nhất trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Điều đó đã thể hiện qua thực tế rằng chỉ trong ba tháng đầu kể từ khi Chính phủ mới lên cầm quyền (26/5/2014), Ngoại trưởng và Tổng thống Ấn Độ đã tới thăm Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9. Ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng và Tổng thống Ấn Độ, tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ.
Trong chính sách “Hành động phía Đông,” Ấn Độ tập trung thúc đẩy nhiều hoạt động. Đối với Việt Nam, Ấn Độ sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trong ngành dược phẩm, dệt may, nông nghiệp, chế biến nông sản, chế tạo hàng hóa… những lĩnh vực vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác.
Cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc hết sức chặt chẽ với cả Chính phủ Việt Nam và Chính quyền các tỉnh thành nhằm bảo đảm thực hiện các chương trình mà lãnh đạo hai nước đề ra để nâng quan hệ đối tác chiến lược song phương lên mức cao hơn.
Với quan điểm này, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ đang tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, kinh tế-thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhằm thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa./.
(Theo TTXVN)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024