Tại sao Ấn Độ và Trung Quốc có những tham vọng khác nhau cho chương trình không gian của mỗi nước?
Việc phóng thành công vệ tinh Nam Á từ bãi phóng Sriharikota trên tên lửa đẩy Geosynchronous Satellite Launch Vehicle (GSLV) hôm thứ Sáu (5/5/2017) đã không chỉ khẳng định năng lực công nghệ của Cơ quan Không gian Ấn Độ mà còn là một điểm nhấn trong ngoại giao khoa học khu vực.
Đây là lần đầu tiên một vệ tinh truyền thông được chế tạo và phóng đi bởi Ấn Độ sẽ được sử dụng chung cho các nước Nam Á. Chương trình không gian của Ấn Độ bắt nguồn từ việc sử dụng công nghệ không gian vì mục đích hòa bình, và vệ tinh truyền thông Nam Á là biểu trưng cho triết lý này.
Trên thực tế, hợp tác quốc tế và sử dụng hòa bình công nghệ vũ trụ (giới định ngoại giao không gian) được ươm mầm bởi Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO). Uỷ ban Quốc gia Ấn Độ về Nghiên cứu vũ trụ do Vikram Sarabhai thành lập vào năm 1962 đã tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế ngay cả trước khi ISRO ra đời. Từ năm 1962 đến năm 1969, khi ISRO được thành lập, Sarabhai đã xác định căn cứ phóng tên lửa Thumba Equatorial (TERLS) là căn cứ quốc tế cho việc phóng tên lửa.
Các nhà khoa học đến từ Mỹ, Liên Xô, Pháp, Anh và Tây Đức đã sử dụng thiết bị ở Kerala để phóng tên lửa thử nghiệm. Vào tháng 2 năm 1968, Thủ tướng Indira Gandhi đã chính thức tuyên dương TERLS với Liên hợp quốc là một cơ sở khoa học quốc tế mở cho tất cả các thành viên của Liên hợp quốc. Một nhóm tư vấn quốc tế của các nhà khoa học nổi tiếng đã hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu tại TERLS.
Sự kết hợp giữa kiến thức và chuyên môn từ các nhà khoa học của các cơ quan hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới đã giúp cho các nhà khoa học vũ trụ Ấn Độ tiếp nhận được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Sự tương tác này cũng dẫn đến một số chương trình song phương trong tương lai, bao gồm Thử nghiệm về dạy học trên truyền hình thông qua vệ tinh (SITE), đây là công ty đi tiên phong trong công nghệ truyền hình vệ tinh trên toàn cầu.
Một điểm mốc khác trong ngoại giao khoa học là vào năm 1984 khi Rakesh Sharma trở thành phi hành gia Ấn Độ đầu tiên đi vào không gian trên một mô-đun không gian của Liên Xô. Vào năm 1980, Liên Xô lần đầu tiên đề xuất với Ấn Độ rằng, họ có thể đưa một phi hành gia người Ấn Độ tới trạm không gian Salyut-7 như là một phần trong nỗ lực ngoại giao không gian với các nước bằng hữu.
Với ý tưởng mở rộng phạm vi ảnh hưởng bằng cách sử dụng sức mạnh không gian, Ấn Độ đã chấp nhận đề nghị này vào tháng 8 năm 1981 và các kế hoạch chung đã được đưa ra. Rakesh Sharma đã tham gia cùng hai phi hành gia Liên Xô khác trong chuyến bay vào không gian ngày 3/4/1984. Tuy nhiên, ngoại giao không gian của Liên Xô đã tan biến sau khi Liên Xô sụp đổ, điều này dẫn đến việc người Nga không giữ lời hứa của họ về động cơ lạnh (cryogenic).
Khoa học và ngoại giao không gian đã mang một màu sắc mới trong thế kỷ XXI. Giống như Liên Xô trong những năm 1980, Trung Quốc đang cung cấp cho các quốc gia thân thiện một chỗ trống trong các sứ mệnh không gian có người lái. 10 năm sau lần đầu tiên tiến vào không gian vào năm 2003, Trung Quốc đã mở cửa cho các phi hành gia nước ngoài. Mặt khác, Ấn Độ đã cung cấp các hệ thống tiếp sóng truyền thông cho láng giềng hữu nghị.
Sự tương phản trong ngoại giao khoa học của hai đối thủ châu Á là điều rõ ràng. Mục tiêu của chương trình không gian Trung Quốc là xây dựng Trung Quốc như là một sức mạnh không gian toàn cầu, phản ánh trong nỗ lực của họ trong các sứ mệnh du hành có người lái, trong khi chương trình không gian của Ấn Độ vẫn tập trung vào việc sử dụng công nghệ vũ trụ để phát triển. Những mục tiêu này của Trung Quốc và Ấn Độ được phản ánh trong các sáng kiến ngoại giao khoa học của mỗi nước.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
Nguồn: http://www.dailyo.in/technology/isro-space-program-china-terls-science-diplomacy/story/1/17092.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024