Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại sao Trung Quốc đang gây sức ép buộc Ấn Độ tham gia cuộc họp “Một vành đai, một con đường”

Tại sao Trung Quốc đang gây sức ép buộc Ấn Độ tham gia cuộc họp “Một vành đai, một con đường”

BẮC KINH: Trung Quốc đang gây sức ép buộc Ấn Độ tham gia vào một hội nghị quốc tế về Chương trình “Một Vành đai, Một Con đường” (OBOR) hay còn gọi là Chương trình Con đường Tơ Lụa vào tháng 5 tới sau khi nhận thấy rằng, việc giới thiệu Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sẽ không đủ thuyết phục cho ý tưởng OBOR.

03:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Điều này được thể hiện qua những nhận xét của các quan chức và chuyên gia Trung Quốc về sự miễn cưỡng của Ấn Độ khi tham gia vào chương trình OBOR, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và cảng kết nối Trung Quốc với thế giới.

Một chuyên gia Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ có “định kiến” với chương trình OBOR. Chuyên gia Lin Minwang của Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Fudan, Thượng Hải, thậm chí đã chỉ trích Ấn Độ bằng cách trích dẫn một số báo cáo về việc Nga thể hiện sự quan tâm đến nó.

Ông Lin cho rằng: “New Delhi cũng có thể cảm thấy xấu hổ vì Moscow đã có phản ứng tích cực với sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường (OBOR) và sẽ xây dựng một hành lang kinh tế với Trung Quốc và Mông Cổ”, “Từ đầu năm nay, đã có các báo cáo về việc Nga và Iran muốn tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), và điều này sẽ khiến Ấn Độ ở vị trí khó xử hơn”.

Tuy nhiên, Nga vẫn chưa phê chuẩn bất cứ một chương trình cụ thể nào về việc kết nối với OBOR ngoài việc đưa ra một vài tuyên bố về lợi ích của nó.

Trung Quốc cố thuyết phục Chính phủ của các nước châu Á và châu Âu tham gia chương trình và mong muốn lãnh đạo của ít nhất 20 quốc gia sẽ tham gia hội nghị OBOR. Bắc Kinh vô cùng mong muốn Ấn Độ tham gia vì điều đó sẽ làm cho chương trình trở nên hấp dẫn đối với các nước Nam Á khác.

Trung Quốc đang đau đầu vì sự miễn cưỡng của Ấn Độ khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới OBOR tới Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Tuy nhiên, ông Lin cho rằng, các nước này cũng rất quan tâm đến việc tham gia chương trình.

Ông nói: “Trong nhiều dịp khác nhau, Bắc Kinh luôn bày tỏ hy vọng New Delhi sẽ tham gia dự án lớn này và Trung Quốc sẽ cùng nỗ lực phối hợp với Ấn Độ trong việc xây dựng các hành lang kinh tế liên quan đến Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh và Myanmar”.

Trong bài báo đăng trên trang Global Times, ông Lin nói rằng: “Các quốc gia nhỏ khác ở Nam Á đã thể hiện sự quan tâm đối với sáng kiến OBOR. Ấn Độ chắc chắn không muốn thấy mình bị bỏ rơi trước tất cả các dự án hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước Nam Á khác. Liệu Ấn Độ sẽ tiếp tục tẩy chay hay gia nhập OBOR hiện vẫn là một câu hỏi hóc búa đối với New Delhi”.

Về phần mình, Ấn Độ đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đang xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở Kashmir bị Pakistan chiếm đóng, và do đó làm tổn thương đến lợi ích của Ấn Độ với danh nghĩa là Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và OBOR. New Delhi không thể tham gia vào một chương trình gây tổn hại đến quyền lợi lãnh thổ của mình.

Ông Lin nói: “Lý do chính thức tại sao Chính phủ Ấn Độ từ chối đề xuất tham gia sáng kiến này là nó được thiết kế đi qua Kashmir, một khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, nó chỉ là một lý do không có căn cứ khi Bắc Kinh luôn duy trì một lập trường nhất quán không bao giờ thay đổi về vấn đề Kashmir”.

Ông dường như gợi ý rằng, Ấn Độ nên chấp nhận sự đảm bảo bằng miệng của Bắc Kinh khi đối mặt với bằng chứng về việc Trung Quốc tạo cơ sở hạ tầng và hợp pháp hoá yêu sách của Pakistan đối với khu vực Kashmir mà Pakistan chiếm đóng.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Source: http://timesofindia.indiatimes.com/world/china/why-china-is-pressuring-india-to-join-obor-meeting/articleshow/57923925.cms

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục