Tại sao Việt Nam quan trọng với Ấn Độ?
Sonu Trivedi*
Trong năm thứ 46 của quan hệ ngoại giao hai nước, Ấn Độ và Việt Nam đã chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao và trao đổi các đoàn đại biểu. Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ, Shri Ram NathKovind từ 18-21/11/2018 là chuyến thăm thứ 3 tiếp theo chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang vào tháng 3 năm 2018 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó tháng 1 năm 2018. Các chuyến trao đổi đoàn đại biểu cấp Bộ và trao đổi quân đoàn quốc phòng giữa hai nước cũng đã diễn ra trong năm nay. Chúng ta đều hy vọng rằng, chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Shri Ram NathKovind sẽ tiếp tục củng cố niềm tin chính trị hiện có và quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh mạnh mẽ giữa hai nước.
Một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng như lĩnh vực an ninh phi truyền thống bao gồm công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, năng lượng mặt trời, y học cổ truyền, đổi mới nông nghiệp, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam cùng với Ấn Độ có thể đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng năng lực và phát triển tinh thần kinh doanh theo các sáng kiến hợp tác phát triển đang được thực hiện và tạo dấu ấn của nó.
Theo dự kiến, Tổng thống Ấn Độ sẽ tham quan di tích cổ của nền văn minh Chăm ở Mỹ Sơn, là minh chứng thời gian cho sự kế thừa văn minh của chúng ta. Phong cách kiến trúc của di tích Mỹ Sơn ngày nay được UNESCO công nhận là di sản thế giới, và các di tích khảo cổ nằm rải rác ở vùng ven biển Việt Nam từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đều cho thấy sự kế thừa lịch sử này.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một đối tác quan trọng trong các dự thảo chính sách đối ngoại của Ấn Độ - một đối tác trong tiểu vùng, khu vực, và khu vực đa phương, là một thành viên không thể tách rời của ASEAN và đóng một vai trò quan trọng trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Ấn Độ là một trong ba quốc gia mà Việt Nam chia sẻ quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện", cùng với Trung Quốc và Nga. Nâng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thành "Đối tác chiến lược toàn diện" là một dấu hiệu rõ ràng về thiện chí, niềm tin và tầm quan trọng. Đây cũng là một sự thừa nhận về các mối quan hệ quốc phòng và an ninh mạnh mẽ hiện có và mong muốn chung của hai nước chúng ta để góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Vượt ra ngoài hệ tư tưởng, hai nước chúng ta đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ của mình trong bối cảnh thay đổi địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Từ quan hệ Đối tác chiến lược trong năm 2007 tới quan hệ Đối tác toàn diện trong năm 2016, hai nước đã xây dựng được mối liên kết phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác song phương sâu sắc hơn. Những điều này đã được dự tính trong một mối quan hệ hợp tác đa lĩnh vực và đa ngành với một loạt các vấn đề bao gồm quan hệ chính trị, quốc phòng và an ninh; ngoại thương và thương mại; hợp tác năng lượng; khoa học và công nghệ; xây dựng năng lực; kết nối; sức khỏe, giáo dục, văn hóa, du lịch và trao đổi con người; và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng.
Vị trí địa lý của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương đã tạo cho nó tầm quan trọng địa - chính trị đối với những quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản và cả các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ và chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh thay đổi kết cấu chính trị thế giới từ xuyên Đại Tây Dương cho đến châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã nổi lên như một ứng viên quan trọng định hình chính trị “Trò chơi lớn” (The Great Game) trong khu vực.
Do Việt Nam phải đối mặt với áp lực gia tăng từ Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán tại vùng tranh chấp trên Biển Đông, cho nên Việt Nam đang tìm kiếm nhiều đối tác ở khu vực châu Á và bên ngoài. Việt Nam đã vươn tới Hoa Kỳ và đẩy mạnh hợp tác an ninh với Nhật Bản, Úc cùng với Ấn Độ và một số nước láng giềng Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Việt Nam cần có nhiều đối tác trong và ngoài khu vực châu Á, Ấn Độ chính là một quan tâm chiến lược rất đặc biệt của Việt Nam. Trong những năm qua, New Delhi đã từng bước mở rộng hợp tác quốc phòng và hải quân với Việt Nam và hỗ trợ trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quân sự. Người ta tin rằng, sự tham gia ngày càng tăng của Việt Nam với Ấn Độ cũng sẽ dẫn đến một “cân bằng quyền lực” ổn định hơn và là một “đầu mối cung cấp an ninh” (net security provider) trong khu vực. Trước sự gia tăng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã hoan nghênh và gia tăng hợp tác với Ấn Độ. Mối quan hệ chiến lược toàn diện cấp cao giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng không kém phần quan trọng vì nó chia sẻ những lo lắng và đối trọng lại với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo các chuyên gia an ninh, kể từ khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường ảnh hưởng của mình, việc hợp tác và trao đổi quốc phòng và hàng hải với các nước như Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản khiến Việt Nam duy trì được vị thế của mình.
Sức mạnh tổng hợp bên trong giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa hai nước lại gần nhau, cùng nhau xây dựng nên quan hệ hợp tác và tin cậy lẫn nhau trong những năm qua. Việt Nam trong vai trò là một “cường quốc tầm trung” (Middle Power) mới nổi và Ấn Độ trong vai trò là một “nhà cung cấp an ninh” (Net Security Provider) trong khu vực đã gặp nhau và đã trở thành “một đối tác lý tưởng” trên tất cả các diễn đàn tiểu vùng, khu vực và đa phương. Do những liên kết văn hóa - tôn giáo, trên cơ sở sự liên kết chặt chẽ giữa hai nước trong lịch sử và ảnh hưởng của triết học Phật giáo cho tới cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thời kỳ thực dân cai trị và nước ngoài can thiệp trong Chiến tranh Thế giới thứ II và sau đó, cả hai quốc gia đã phát triển các quan hệ thân thiết và chia sẻ vận mệnh trên cơ sở cùng chung quan điểm về thế giới. Trong bối cảnh mô hình địa chiến lược và các lực lượng tạo nên động lực bên trong của Việt Nam, định hướng chính sách đối ngoại thông qua “các cường quốc” trong khu vực và quan hệ hợp tác với Ấn Độ là một lĩnh vực quan trọng cần được quan tâm.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
*SonuTrivedi là thành viên của Bảo tàng và Thư viện Tưởng niệm Nehru và Giáo sư dự khuyết tại Đại học Delhi. Twitter: @trivedi_sonu
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Singapore tăng cường quan hệ đối tác
Tin tức 10:00 06-09-2024
Những gợi mở sau chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Ấn Độ Modi
Tin tức 03:00 24-08-2024
Quan hệ đối tác Ấn Độ-Châu Phi
Tin tức 03:00 22-08-2024