Tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam thăm và làm việc tại Học viện
Chiều ngày 13/12/2022, tại Hà Nội, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi tiếp và làm việc với tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya.
Dự buổi tiếp và làm việc có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các cộng sự, nhân viên Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.
Bày tỏ vinh dự được đến thăm và làm việc tại Học viện, tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya cho biết, nhận nhiệm vụ tại Việt Nam từ tháng 10/2022 đến nay, trong các dịp gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ và Việt Nam, ông ấn tượng sâu sắc trước tình cảm, sự hiểu biết, sự tin tưởng chính trị sâu sắc, tầm quan trọng chiến lược và tình đoàn kết mà lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya khẳng định, từ năm 1947 khi Ấn Độ giành được độc lập cho đến nay, Ấn Độ và Việt Nam luôn sát cánh cùng nhau, thể hiện sự thống nhất đồng lòng và đây là một trong những đặc điểm quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai bên. Đại sứ Sandeep Arya nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay khi tình hình quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam càng đặc biệt quan trọng, hai nước cần tiếp tục đoàn kết, hợp tác và học hỏi lẫn nhau, đặc biệt là trong các diễn đàn quốc tế mà hai nước cùng tham gia.
Đánh giá cao vị trí, vai trò của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung và những thành tựu hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nói riêng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya chia sẻ, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972-2022) là dịp vô cùng quan trọng để hai nước hướng về phía trước, định hướng cho các hoạt động hợp tác trong tương lai. Vì vậy, Đại sứ Sandeep Arya mong muốn được làm việc với lãnh đạo Học viện về những kết quả đã đạt được trong hợp tác giữa Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian qua, những trọng tâm hợp tác trong tương lai với các bước tiếp cận mang tính chiến lược để nâng cao nhận thức và các hoạt động nghiên cứu về Ấn Độ, về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.
Chào mừng Đại sứ Sandeep Arya và các cộng sự lần đầu tiên đến thăm và làm việc tại Học viện, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà ngài Đại sứ dành cho Việt Nam và Học viện. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và vun đắp, tạo nền tảng quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Nhờ đó, đã thiết lập được một nền tảng quan hệ có cơ sở hợp tác vững chắc trên mọi lĩnh vực. Song trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp như hiện nay, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn ngài Đại sứ với vai trò của mình sẽ có những đóng góp quan trọng vào các sáng kiến chung thúc đẩy quan hệ hai nước, vì sự phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới.
Giới thiệu khái quát về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Học viện và quan hệ hợp tác quốc tế của Học viện với các đối tác quốc tế nói chung, đối tác Ấn Độ nói riêng, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, các kết quả hợp tác giữa Học viện và Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam đã không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt mà còn giải quyết những vấn đề mang tầm dài hạn, chiến lược, những vấn đề rất cơ bản đặt nền móng thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao như hiện nay: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được thành lập khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đến nay đã triển khai nhiều hoạt động, nội dung nghiên cứu đa dạng và thiết thực. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam qua các nhiệm kỳ, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã xuất bản được nhiều công trình giới thiệu về Ấn Độ, các công trình về hợp tác Việt Nam - Ấn Độ, quảng bá hình ảnh, các giá trị phát triển của Ấn Độ.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc phân tích dự báo bối cảnh quốc tế trước mắt để dự báo những vấn đề lâu dài là rất quan trọng. Từ 50 năm nhìn lại quan hệ hợp tác giữa hai nước, Học viện đề xuất phối hợp với phía Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế lớn để định vị quan hệ hai nước trong thế giới ngày nay, phân tích các xu thế hợp tác, phát triển, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách và chiến lược đang đặt ra từ tình hình quốc tế và khu vực, như vấn đề dịch bệnh toàn cầu, khả năng ứng phó hợp tác quốc tế, trách nhiệm giữa các quốc gia…; mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi chuyên gia, mời các học giả hàng đầu của Ấn Độ đến trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của Ấn Độ trong phát triển, kiểm soát khủng hoảng; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ Đoàn công tác của Học viện do đồng chí Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đi công tác tại Ấn Độ từ ngày 18 – 22/12/2022 đạt được hiệu quả và mục tiêu kế hoạch, chương trình công tác đề ra.
Hoan nghênh các đề xuất hợp tác của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại sứ Sandeep Arya nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nói riêng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung trong nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong đó, việc tổ chức hội thảo quốc tế lớn tại Việt Nam vào năm 2023 là một kế hoạch lớn và nên tập trung vào các vấn đề vĩ mô liên quan đến phát triển kinh tế, đến vấn đề toàn cầu hóa, đến các hiệp định thương mại tự do lớn như CPTPP, các cuộc khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng Nga – Ucraina hiện nay…
Hai bên cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của tình hình phát triển trên thế giới cũng như những phát triển về địa chính trị hiện nay để định vị những vấn đề mà hai nước phải đối diện, và có đối sách; từ đó chia sẻ bài học và giúp nhau chuẩn bị cho những tình huống trong tương lai. Đặc biệt, hai nước cần có những chia sẻ cụ thể về định hướng, kế hoạch phát triển nội tại. Chẳng hạn về phát triển công nghệ, hai bên cần thấy được việc Ấn Độ sử dụng công nghệ thông tin như thế nào và việc Việt Nam áp dụng các công nghệ mới như thế nào, những ảnh hưởng của công nghệ đến quản trị đất nước, phát triển kinh tế và an ninh – quốc phòng, v.v.. từ đó tăng cường hiểu biết và đạt được lợi ích từ những kinh nghiệm mà hai bên cùng chia sẻ.
Mong muốn được tiếp tục giữ mối quan hệ thân thiết với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya tin tưởng hợp tác giữa Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nói riêng sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ và gặt hái được những thành quả hiệu quả, góp phần thiết thực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, Ấn Độ - Việt Nam.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam do tân Đại sứ Sandeep Arya làm trưởng đoàn. Hai bên đã trao đổi kế hoạch công tác trong thời gian tới, bao gồm: công tác tổ chức hội thảo, dự kiến xuất bản sách và dịch sách, công tác chuẩn bị cho đoàn của Học viện đi công tác Ấn Độ.
Nguồn:
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục