Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham vọng trở thành “nhà thuốc thế giới” của Ấn Độ

Tham vọng trở thành “nhà thuốc thế giới” của Ấn Độ

Nhận định về sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm thế giới, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho biết Ấn Độ đang vươn lên trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới.

02:00 28-02-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngành dược phẩm của Ấn Độ ước tính thu về 50 tỷ USD doanh thu hiện nay và dự kiến 120 tỷ đô la vào năm 2030. Từng được coi là “nhà máy dược phẩm của thế giới thứ ba”, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để chiếm vị trí đầu bảng trong hoạt động sản xuất loại hàng hóa quan trọng này.

Kể từ những năm 1970, có 20% tổng lượng thuốc generic (thuốc gốc) trên toàn cầu được sản xuất tại Ấn Độ. Chỉ tính riêng ở Mỹ, khoảng 40% thuốc generic được người Mỹ tiêu thụ đều gắn nhãn "Made in India". Bằng việc xuất khẩu thuốc kháng virus trong đại dịch COVID-19, Ấn Độ đã chứng minh rằng họ xứng đáng với danh hiệu “nhà thuốc của thế giới”. Nước này cũng không hề che giấu tham vọng muốn "nuốt" cả thị trường châu Phi.

* Thực tế "phũ phàng"

Tình trạng thiếu thuốc hiện nay ở Pháp đang làm nổi lên một thực tế "phũ phàng". Thị trường Pháp đang phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc và Ấn Độ. Những nước này hiện đang sản xuất 60-80% thành phần hoạt tính - chất tạo ra hiệu quả điều trị của thuốc - cho các phương pháp điều trị cứu người như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và vaccine.

Điều này khiến châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ấn Độ và hệ quả của sự phụ thuộc này là phải trả giá đắt trong trường hợp thiếu hụt toàn cầu.

Trước đó, vào những năm 1980, 60% hoạt chất có nguồn gốc từ châu Âu. Nhưng các hãng dược phẩm lớn đã chuyển nhà máy đến những nơi có nguyên liệu thô và nhân công rẻ hơn, hoặc nhà sản xuất áp dụng chính sách giá thấp nhất để thu hút đầu tư.

Trong cuộc chơi này, Trung Quốc và Ấn Độ là những kẻ bất khả chiến bại, nhờ mức lương thấp và các tiêu chuẩn vệ sinh và môi trường ít khắt khe hơn. Thậm chí giờ đây Ấn Độ đã thắng thế. Ngay cả Trung Quốc cũng ký hợp đồng thầu phụ với nước láng giềng này.

Có thể nói Ấn Độ đã thắng về mọi mặt. Từ một đất nước chỉ sản xuất nguyên liệu thô trước kia, nhờ việc đón nhận các nhà máy dược phẩm nước ngoài mà nước này đã dần nắm được các bí quyết công nghệ và phát triển theo thời gian.

Từ lâu, Ấn Độ đã xác định sản xuất dược phẩm là một ngành chiến lược. Đây cũng là một trong những ngành công nghiệp sinh lợi nhiều nhất của nước này. Chính phủ Ấn Độ rất ý thức được giá trị của "con gà đẻ trứng vàng" này nên đã hỗ trợ không ngừng bằng việc khuyến khích sản xuất, cho phép 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài, hỗ trợ tài chính và nới lỏng quy định. Việc đặt cược của họ đã được đền đáp.

* Ưu thế chiến lược

Dược phẩm hiện là một phần trong chiến lược chinh phục thế giới của Ấn Độ. Không hài lòng với việc bị áp đặt ở cấp độ toàn cầu, nước này đang điều chỉnh nguồn cung cho phù hợp với nhu cầu quốc tế và sử dụng ngoại giao dược phẩm như một phương tiện để trở thành đối tác thiết yếu của các nước.

Trên thực tế, trong trường hợp gián đoạn trao đổi thương mại hoặc căng thẳng địa chính trị, các hãng dược sẽ chẳng thể làm gì nếu không có các hoạt chất. Hơn nữa, một khi phong trào di dời việc sản xuất thuốc generic giá rẻ bắt đầu, rất khó để đảo ngược tình thế. Sanofi đã vô cùng hối hận và đang cố gắng chuyển một phần hoạt động sản xuất của mình về lại Pháp. Nhưng dẫu có làm vậy thì chủ quyền của tập đoàn này cũng sẽ chỉ có thể khôi phục được ở cấp độ châu Âu mà thôi.

Ưu thế về dược phẩm là lợi thế đối với Ấn Độ, nhưng lại là mối đe dọa đối với phần còn lại của thế giới. Bất kỳ chuỗi sản xuất hàng loạt nào cũng có điểm yếu và điểm yếu của thuốc của Ấn Độ là chất lượng.

Với chỉ 300 thanh tra cho 10.000 phòng thí nghiệm, cuộc chiến chống hàng giả là vô ích. Chỉ có thắt chặt các yêu cầu về sức khỏe mới có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm. Một vài năm trước, các cuộc kiểm tra diễn ra ồ ạt tại các nhà máy Trung Quốc đã gây ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa nhà máy.

Tuy nhiên, với một lĩnh vực quan trọng như dược phẩm thì dù tình hình nguồn cung căng thẳng như hiện nay, việc đảm bảo chất lượng thuốc vẫn phải đặt lên hàng đầu./.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục