Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ: Chúng tôi không trung lập, chúng tôi về phía hòa bình

Thủ tướng Ấn Độ: Chúng tôi không trung lập, chúng tôi về phía hòa bình

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói về quan hệ Ấn - Mỹ, Ấn - Nga, vấn đề cải tổ Liên Hiệp Quốc… trước thềm chuyến công du Mỹ.

10:00 21-06-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ không trung lập, Ấn Độ đứng về phía hòa bình

Trong bài phỏng vấn được báo Wall Street Journal đăng ngày 20-6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định quan điểm của New Delhi về chiến sự tại Ukraine: "Tôi nghĩ mọi người trên thế giới đều biết và hiểu quan điểm của Ấn Độ. Thế giới có thể tin tưởng hoàn toàn rằng ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hòa bình".

"Một số người nghĩ chúng tôi trung lập, nhưng chúng tôi không trung lập. Chúng tôi đứng về phía hòa bình. Tất cả quốc gia nên tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của nhau. Các tranh chấp cần được giải quyết qua ngoại giao và đối thoại, chứ không phải bằng chiến tranh", ông Modi nhấn mạnh.

Khi được hỏi về những bình luận chỉ trích "sự thiếu cương quyết" của New Delhi với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, thủ tướng Ấn Độ khẳng định: "Tôi không nghĩ tư tưởng này phổ biến ở Mỹ".

Quan hệ Ấn - Mỹ đang sâu sắc hơn bao giờ hết

Trước thềm chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông trong 9 năm tại vị, ông Modi khẳng định mối quan hệ giữa New Delhi và Washington đang mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Ấn Độ khẳng định "đang có sự tin tưởng chưa từng thấy" giữa các lãnh đạo hai nước.

Trong đó, quan hệ hợp tác quốc phòng được ông Modi nhấn mạnh đóng vai trò "trụ cột quan trọng". 

Ấn Độ dự kiến sẽ ký kết nhiều thương vụ quan trọng, có giá trị lên đến hàng tỉ USD khi ông Modi đến thăm Washington từ ngày 21-6.

Hai trong số đó là thỏa thuận sản xuất động cơ cho các dòng máy bay chiến đấu phản lực hạng nhẹ tại Ấn Độ và thỏa thuận mua máy bay không người lái (drone) tầm cao dòng Predator. 

Số drone này sẽ được dùng trong các nhiệm vụ trinh sát trên Ấn Độ Dương và khu vực dãy núi Himalaya đang tranh chấp với Trung Quốc.

Bên cạnh quốc phòng, thương mại, công nghệ và năng lượng cũng là những lĩnh vực được ưu tiên. Dự kiến ông Modi sẽ gặp lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ, trong đó có giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla Elon Musk.

Báo Wall Street Journal nhận định chuyến thăm này của ông Modi đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai nước, với quốc phòng và công nghệ cao là tâm điểm.

Thế giới nên tự hỏi có muốn Ấn Độ ở Hội đồng Bảo an không

Cũng trong buổi phỏng vấn, thủ tướng Ấn Độ kêu gọi cải tổ các tổ chức toàn cầu như Liên Hiệp Quốc theo hướng thích nghi với "trật tự thế giới ngày càng đa cực". Ông Modi khẳng định Liên Hiệp Quốc cần làm tốt hơn trong việc đại diện các nước nghèo.

Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại nguyện vọng trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Ấn Độ.

"Thế giới nên tự hỏi có muốn Ấn Độ ở Hội đồng Bảo an hay không", ông Modi khẳng định.

Thủ tướng Ấn Độ nói thêm: "Hãy nhìn vào tình hình thành viên của các cơ quan quan trọng. Nó có thật sự đại diện cho tiếng nói của các giá trị dân chủ không? Châu Phi có tiếng nói chưa? Ấn Độ có dân số rất đông, lại đang là điểm sáng trong kinh tế toàn cầu, vậy Ấn Độ có đang ở đó?".

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục