Thủ tướng Nhật Bản thăm Ấn Độ: Bắt tay thúc đẩy hợp tác toàn cầu và song phương, có gì trong kế hoạch mới được tung ra?
Ngày 20/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đến thủ đô New Delhi (Ấn Độ) và hội đàm cùng người đồng cấp nước chủ nhà Narendra Modi.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida đã mời Thủ tướng Modi dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), dự kiến được tổ chức tại Hiroshima vào tháng 5 tới. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã nhận lời mời.
Về phần mình, Thủ tướng Modi cũng mời người đồng cấp Kishida tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến được tổ chức tại thủ đô New Delhi vào tháng 9 tới.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác hướng tới việc tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh trên, khi Ấn Độ đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của G20 và Nhật Bản làm Chủ tịch năm 2023 của G7.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, hai nhà lãnh đạo khẳng định, G20 và G7 sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết một loạt thách thức toàn cầu, trong đó có nguồn cung năng lượng và thực phẩm. Hai bên cũng nhất trí duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ngoài ra, tại cuộc gặp, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Kisdhia đã chứng kiến các lễ ký kết hiệp định gia hạn biên bản ghi nhớ hợp tác liên quan ngôn ngữ Nhật và hiệp định về trao đổi các công hàm liên quan khoản vay 300 tỷ USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho dự án tàu cao tốc Mumbai-Ahmedabad.
Thủ tướng Modi bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy dự án đường sắt cao tốc nối thành phố duyên hải miền Tây Mumbai và Ahmedabad ở bang Gujarat của Ấn Độ mà Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính và công nghệ.
Tại cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước cùng xem xét những tiến bộ trong hợp tác quốc phòng, công nghệ kỹ thuật số, thương mại - đầu tư, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Ông Modi cho biết, hai bên cũng thảo luận tầm quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các công nghệ quan trọng khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo đặc biệt, Bí thư đối ngoại Ấn Độ Vinay Kwatra đánh giá: "Quan hệ đối tác Ấn Độ-Nhật Bản, được dẫn dắt bởi ý chí chính trị mạnh mẽ của cả hai bên, đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vài năm qua".
Theo ông, trên thực tế, Thủ tướng Modi đã gọi mối quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ đối tác tự nhiên nhất trong khu vực”.
Chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Thủ tướng Kishida tới quốc gia Nam Á diễn ra vào thời điểm hai nước đang có quan hệ hữu hảo với nhau và đang tham gia một số cuộc tập trận song phương và khu vực.
Cũng trong ngày 20/3, tại New Delhi, Thủ tướng Nhật Bản đã công bố một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
Theo ông Kishida, kế hoạch này dựa trên "4 trụ cột" bao gồm: Gìn giữ hòa bình; giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua hợp tác giữa các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; đạt kết nối toàn cầu thông qua nhiều nền tảng khác nhau; và bảo đảm an toàn cho vùng biển và bầu trời rộng mở.
Thủ tướng Kishida cam kết chi 75 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tới năm 2030, thông qua đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng đồng Yen, cũng như các khoản viện trợ thông qua hỗ trợ và trợ cấp chính phủ.
Kế hoạch này được xem là một phần nỗ lực của Tokyo nhằm thắt chặt quan hệ đối tác với các nước ở Nam Á và Đông Nam Á. Theo Thủ tướng Nhật Bản, Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với New Delhi trong việc đóng góp vào sự ổn định ở khu vực Nam Á.
Thủ tướng Kishida cho rằng, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) là một tầm nhìn dài hạn, với mục tiêu bảo vệ pháp quyền và tự do. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ khi góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024