Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tiến bộ của Ấn Độ trong Chỉ số Logistics của Ngân hàng Thế giới

Tiến bộ của Ấn Độ trong Chỉ số Logistics của Ngân hàng Thế giới

Chỉ số Hiệu suất Logistics (LPI) năm 2023 của Ngân hàng Thế giới đã cải thiện thứ hạng của Ấn Độ thêm 6 bậc để đứng ở vị trí thứ 38 trên tổng số 139 quốc gia.

10:54 27-04-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chỉ số của Ngân hàng Thế giới dựa trên một cuộc khảo sát để đo lường khả năng vận chuyển hàng hóa qua biên giới của các quốc gia bằng tốc độ và độ tin cậy. Đối với cuộc khảo sát, Ngân hàng Thế giới đã xem xét hoạt động logistics thương mại dựa trên mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, thương mại xuyên biên giới và thương mại nội địa của các quốc gia này. Các chỉ số mấu chốt của cuộc khảo sát là điểm đánh giá dành cho vận chuyển, kho bãi, môi giới, chuyển phát nhanh, vận hành bến bãi và quản lý thông tin dữ liệu liên quan. Nhìn chung, LPI đã được xác định dựa trên việc xem xét hiệu suất của các quốc gia trong việc dễ dàng thiết lập các kết nối chuỗi cung ứng đáng tin cậy thông qua các yếu tố cấu thành như chất lượng dịch vụ logistics, cơ sở hạ tầng liên quan đến giao thông và thương mại, hải quan và kiểm soát biên giới.

Ấn Độ đạt điểm LPI tổng thể là 3,4 trên thang điểm 5 cho các hoạt động về cơ sở hạ tầng hải quan, vận chuyển quốc tế, năng lực và chất lượng hậu cần, tính kịp thời cũng như theo dõi vận đơn. Theo báo cáo, đầu tư của Chính phủ Ấn Độ vào cơ sở hạ tầng thương mại cứng và mềm nhằm kết nối các cửa ngõ cảng ở cả hai bờ biển với các cực kinh tế ở vùng nội địa là chìa khóa giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của nước này vào năm 2023. Báo cáo cũng chỉ ra rằng công nghệ, cùng với quan hệ đối tác công tư, là yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ trong việc thiết lập một nền tảng hiển thị chuỗi cung ứng. Việc Công ty dịch vụ dữ liệu logistic tung ra các thẻ nhận dạng tần số vô tuyến cho các công-te-nơ và cung cấp cho người nhận hàng khả năng theo dõi từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng của họ trên bờ biển phía đông Ấn Độ vào năm 2015 và mở rộng ra toàn Ấn Độ vào năm 2020, đã giúp giảm đáng kể thời gian lưu hàng hóa/công-ten-nơ. Với chức năng theo dõi hàng hóa này, thời gian lưu trú tại cảng phía đông Visakhapatnam đã giảm từ 32,4 ngày năm 2015 xuống còn 5,3 ngày vào năm 2019. Hiện tại, thời gian lưu trú của Ấn Độ chỉ còn khoảng 2,6 ngày. Thời gian lưu trú là khoảng thời gian mà một công-te-nơ hoặc hàng hóa lưu lại tại cảng hoặc bến trước khi được chất lên tàu hoặc sau khi được dỡ khỏi tàu.

Chỉ số Hiệu suất Logistics của Ngân hàng Thế giới giúp các nước đang phát triển xác định những lĩnh vực có thể cải thiện để tăng khả năng cạnh tranh. Theo LPI 2023, quá trình số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép các quốc gia rút ngắn thời gian trễ cảng tới 70% so với ở các nước phát triển. Hơn nữa, nhu cầu về logistics xanh đang tăng lên, với 75% đơn vị giao hàng đang tìm kiếm các lựa chọn thân thiện với môi trường khi xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao.

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục