Tọa đàm trao đổi học thuật giữa Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ với Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ
Tiếp tục triển khai chương trình nghiên cứu thực tế tại Ấn Độ, ngày 10/8/2017, tại New Delhi, Ấn Độ, Đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do PGS, TS Lê Văn Toan, nguyên Giám đốc sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, dẫn đầu đã có buổi tọa đàm khoa học trao đổi học thuật với chủ đề “Kinh nghiệm phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ” với Trung tâm Nghiên cứu Đông Á (CEAS), Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), Ấn Độ.
Tham gia buổi tọa đàm khoa học về phía Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ có PGS, TS Lê Văn Toan, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học và các cán bộ của Trung tâm.
Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ có ông Nguyễn Duy Khánh, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Về phía Trung tâm Nghiên cứu Đông Á (CEAS), Đại học Jawaharlal Nehru, có GS, TS Srikanth Kondapalli, Giám đốc CEAS; ông Raghab P. Dash, Giám đốc Thư viện Hạ viện Ấn Độ; các giảng viên thuộc CEAS, Khoa Quốc tế học và một số học viên cao học của JNU cùng tham gia.
Mở đầu buổi làm việc, GS, TS Srikanth Kondapalli, Giám đốc CEAS đã trình bày tổng quan về sức mạnh mềm của Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ với các nước Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á, những điểm mạnh cũng như hạn chế trong chính sách phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ…
Sau bài trình bày của GS, TS Srikanth Kondapalli, PGS, TS Lê Văn Toan, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, đã cảm ơn các giảng viên, học viên của CEAS đã tổ chức đón tiếp long trọng đoàn nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, và dành nhiều công sức nghiên cứu các chủ đề khoa học mà Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã nêu ra để hai bên cùng phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học này. PGS, TS Lê Văn Toan đã thay mặt đoàn nghiên cứu giới thiệu khái quát về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, và gợi mở những nội dung chính xoay quanh chủ đề nghiên cứu về kinh nghiệm phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ mời các giáo sư, nghiên cứu viên và học viên cao học của CEAS, JNU cùng tham gia trao đổi.
Mở đầu buổi tọa đàm khoa học trao đổi học thuật, ông Raghab P. Dash, Giám đốc Thư viện Hạ viện Ấn Độ, đã trình bày một số vấn đề về sức mạnh mềm của Ấn Độ trên các bình diện như báo chí truyền thông, cộng đồng Ấn kiều ở khu vực Đông Nam Á…
PGS, TS Ritu Agarwal thuộc CEAS đã trình bày sức mạnh mềm của Ấn Độ tại khu vực Trung Á, cộng đồng người Tamil Ấn Độ tại Singapore, ảnh hưởng văn hóa của cộng đồng Ấn kiều ở Mỹ…
Các giảng viên, nghiên cứu viên của CEAS, Khoa Quốc tế học cũng đã trình bày sức mạnh mềm của Ấn Độ trên các chiều cạnh như: kiến trúc, tôn giáo, ngôn ngữ, lợi thế về nhân khẩu học, phim ảnh… Các học giả Ấn Độ đặt ra nhiều câu hỏi với PGS, TS Lê Văn Toan. Tất cả những cầu hỏi của giới học giả Ấn Độ đều được PGS, TS Lê Văn Toan trả lời, luận giải chu đáo. Các đại biểu tham dự tọa đàm đều rất hài lòng.
Sau các ý kiến của các giáo sư, các nhà khoa học, nghiên cứu viên, học viên cao học của CEAS, JNU, PGS, TS Lê Văn Toan, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thay mặt đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cảm ơn những ý kiến trao đổi của các giáo sư, nghiên cứu viên, học viên; đồng thời, nhấn mạnh rằng, khái niệm về sức mạnh mềm doJoseph Samuel Nye đưa ra vào năm 1990, từ đó đến nay, lịch sử nhân loại đã có nhiều biến đổi, loài người đã tiến những bước dài và thiên nhiên môi trường có nhiều biến đổi. Mọi thứ đều biến đổi nên nội hàm sức mạnh mềm cũng được nới rộng, cho nên cần phải có sự thay đổi, cần có cách nhìn mới, tiếp cận mới phù hợp trong việc nghiên cứu đánh giá sức mạnh mềm nói chung, trong đó có sức mạnh mềm của Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay.
PGS, TS Lê Văn Toan cũng đã trao đổi với các giáo sư của CEAS về vấn đề lượng hóa sức mạnh mềm của Ấn Độ, nguy cơ từ sức mạnh của truyền thông xã hội và một số vấn đề khác; đồng thời, PGS, TS Lê Văn Toan cũng đã trả lời thêm một số câu hỏi của các giáo sư, nghiên cứu viên, học viên của CEAS, Khoa Quốc tế học về vấn đề: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, ảnh hưởng của sức mạnh mềm Ấn Độ tại Việt Nam, về sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam…
Kết thúc buổi tọa đàm khoa học, PGS, TS Lê Văn Toan đã cảm ơn các giáo sư, nghiên cứu viên, học viên của CEAS đã giành thời gian cùng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức buổi tọa đàm khoa học trao đổi học thuật; đồng thời, trân trọng mời các giáo sư, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của CEAS và thông qua CEAS gửi lời mời đến các giáo sư của JNU đến Việt Nam tham dự các hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, từ đó tăng cường trao đổi học thuật của các học giả hai nước.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục