Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, Narendra Modi, đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2 - 3/9/2016.

03:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TUYÊN BỐ CHUNG

GIỮA

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA ẤN ĐỘ

Về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi

(Hà Nội, ngày 02-03 tháng 9 năm 2016)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 9 năm 2016.

Ngày 3 tháng 9, Thủ tướng Narendra Modi đã dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch. Sau lễ đón, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết văn kiện giữa hai nước. Thủ tướng Narendra Modi đã chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu tưởng niệm Nhà sàn Bác Hồ và đến thăm chùa Quán Sứ tại Hà Nội.

Lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong thời gian qua. Hai bên hoan nghênh việc hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/1/1972 – 07/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (06/7/2007 – 06/7/2017) trong năm 2017; khẳng định đây là mốc quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.

Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng vững chắc, dựa trên các mối liên kết chặt chẽ về văn hóa, lịch sử, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Phía Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ nhất quán đối với Ấn Độ trong việc triển khai chính sách Hành động Hướng Đông và đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Modi khẳng định, Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ.

Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp hiện nay, đáp ứng nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, cũng như mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược hiện nay lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai thủ tướng nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành của hai bên xây dựng kế hoạch hành động nhằm triển khai Đối tác Chiến lược Toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

1. Quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh:

Hai bên đã chia sẻ quan điểm chung về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình an ninh khu vực châu Á. Hai bên bày tỏ vui mừng về thành công của các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pờ-ra-náp Mu-khơ-gi và Bộ trưởng Ngoại giao Sút-ma Soa-rai trong năm 2014, Chủ tịch Quốc hội, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ trong năm 2015; các chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2013; Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng tháng 10/2014 và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân tháng 3/2015. Thủ tướng Narendra Modi chúc mừng lãnh đạo và nhân dân Việt Nam về thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 và một lần nữa chúc mừng các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy quan hệ kênh Đảng, Quốc hội hai nước, thiết lập quan hệ giữa các địa phương của hai bên, phát huy hiệu quả của các cơ chế đối thoại đã được thiết lập và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên.

Hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về những kết quả tích cực đạt được trong hợp tác quốc phòng, bao gồm: trao đổi các đoàn cấp cao, đối thoại cấp cao thường niên, hợp tác giữa các quân, binh chủng, các chuyến thăm của tàu Hải quân/Cảnh sát biển, đào tạo nâng cao năng lực, mua sắm thiết bị, chuyển giao công nghệ, và hợp tác tại các diễn đàn khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng (ký tháng 5/2015). Thủ tướng Ấn Độ tái khẳng định quan tâm của Ấn Độ trong việc đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng với Việt Nam và sẽ hỗ trợ về tín dụng để triển khai thực hiện các dự án hợp tác trong lĩnh vực này. Hai bên bày tỏ hài lòng về việc ký kết Hợp đồng Cung cấp tàu tuần tra cao tốc giữa Công ty Larsen&Toubro và Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu đô-la Mỹ của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam. Thủ tướng Narendra Modi công bố trao gói hỗ trợ 5 triệu đô-la Mỹ để xây dựng Công viên Phần mềm Quân đội tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang.

Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực An ninh mạng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ và việc chuyển giao thiết bị để lắp đặt và vận hành Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử chống tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi do Chính phủ Ấn Độ tài trợ. Hai bên nhất trí sớm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ và Bộ Công an Việt Nam; nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập cơ chế Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng và tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia quản lý và ứng phó thiên tai cũng như hợp tác đào tạo và nâng cao năng lực.

2. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư:

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược. Trên tinh thần đó, hai thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020, bao gồm các biện pháp: phát huy hiệu quả các cơ chế đã được thiết lập như Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại, tăng cường hợp tác giữa các bang của Ấn Độ và các địa phương của Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn và hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, định kỳ tổ chức các hội chợ thương mại, các diễn đàn, sự kiện như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - CLMV.

Hai bên hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITGA) và việc phê chuẩn các Hiệp định ASEAN - Ấn Độ về Dịch vụ và Đầu tư. Hai bên kêu gọi hợp tác chặt chẽ nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai Thủ tướng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp của hai bên khai thác cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như: điện, khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, dệt may, giầy, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Hai bên khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia vào sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" để hưởng các ưu đãi từ sáng kiến ​này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các công ty Ấn Độ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên và khẳng định tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư Ấn Độ trên cơ sở pháp luật hiện hành của Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II có công suất 1320MW tại Sóc Trăng của tập đoàn TATA sớm đạt được thỏa thuận về hợp đồng.

 

3. Năng lượng:

Việt Nam hoan nghênh Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (OVL) đầu tư lâu dài và hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam. Hai thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và đề nghị hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký năm 2014 giữa PVN và OVL về hợp tác tại các lô dầu khí mới tại Việt Nam. Việt Nam đồng thời hoan nghênh các công ty dầu khí Ấn Độ khai thác cơ hội tham gia vào hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn tại Việt Nam.

Hai thủ tướng đánh giá cao tầm quan trọng của năng lượng tái tạo và bày tỏ tin tưởng cả Việt Nam và Ấn Độ đều được hưởng lợi trong việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện năng. Phía Việt Nam hoan nghênh Thủ tướng Narendra Modi đề ra kế hoạch sản xuất 175GW điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2022, trong đó có 100GW điện mặt trời và 60GW điện gió. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

4. Kết nối:

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa Việt Nam và Ấn Độ và đề nghị các hãng hàng không của hai bên sớm mở đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước; thúc đẩy thiết lập tuyến vận tải chuyên tuyến giữa các cảng biển của Việt Nam và Ấn Độ. Hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc tăng cường kết nối hạ tầng cứng giữa Ấn Độ và ASEAN. Phía Ấn Độ đề nghị Việt Nam khai thác các sáng kiến của Ấn Độ dành cho các nước CLMV và các gói tín dụng ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực kết nối số và kết nối hạ tầng cứng.

Hai bên nhất trí tăng cường kết nối trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Phía Việt Nam hoan nghênh Ngân hàng Ấn Độ (BOI) khai trương chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh tháng 7/2016 và ghi nhận đề nghị của Ấn Độ về việc sớm cho phép Ngân hàng Ấn Độ được thực hiện hoạt động thanh toán ngoại hối quốc tế nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam.

5. Khoa học - kỹ thuật:

Hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trên cơ sở Hiệp định ký năm 1986; hoan nghênh hai bên thúc đẩy đàm phán, sớm tiến tới ký kết Hiệp định khung Liên Chính phủ về Hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Trung tâm Toàn cầu về Đối tác Năng lượng hạt nhân Ấn Độ. Các thỏa thuận này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự.

Hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về việc ký kết Thỏa thuận khung Liên Chính phủ về Khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình và đề nghị hai bên thúc đẩy đàm phán, tiến tới ký kết thỏa thuận triển khai giữa Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam về việc thiết lập trạm dò tìm và tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu trong khuôn khổ hợp tác không gian ASEAN - Ấn Độ. Phía Việt Nam hoan nghênh và cho rằng việc này sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực của Việt Nam và các nước ASEAN trong lĩnh vực viễn thám để ứng dụng cho các lĩnh vực thương mại và nghiên cứu khoa học. (Xem tiếp Phần 2)

Nguồn:

Cùng chuyên mục