Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thống Ram Nath Kovind đến thăm Việt Nam

Tổng thống Ram Nath Kovind đến thăm Việt Nam

Chào mừng Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind đến thăm Việt Nam.

04:58 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TS Pankaj Jha*

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 11/2018. Chuyến thăm cho thấy vị trí nổi bật của Việt Nam trong các ưu tiên chính trị và đối ngoại của Ấn Độ. Một thực tế cần được nhấn mạnh là, hai Tổng thống gần đây nhất của Ấn Độ - Bà Pratibha Patil và Ngài Shri Pranab Mukherjee - đều đã đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình (2008 và 2014) và đã củng cố mối quan hệ song phương thông qua cách tiếp cận tập trung phát triển quan hệ giữa hai nước. Về phía Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 3 năm 2018, và của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 1 năm 2018 vừa qua đã nhấn mạnh rằng, Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, góp phần vào phát triển hợp tác chính trị và kinh tế chặt chẽ trong khu vực Nam Á. Hai nước đã duy trì mối quan hệ song phương theo nhiều kênh bao gồm các chuyến thăm chính trị, trao đổi học thuật và hoạt động ngoại giao trong suốt 50 năm qua.

Tổng thống Kovind là một luật gia và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đã chỉ ra yếu tố xã hội và cấu trúc quan trọng trong mối quan hệ song phương này. Là chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang Ấn Độ cũng như người bảo vệ hiến pháp của nền dân chủ Ấn Độ, ông cũng cho thấy cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam và Ấn Độ tại quốc hội và các cơ quan lập pháp. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Ấn Độ và cũng cho rằng cần phải tăng cường quá trình tương tác ở cấp độ đặc biệt này. Tổng thống Ấn Độ sẽ tiến hành thúc đẩy quá trình tương tác mà Chủ tịch nước Việt Nam đã đưa ra trong chuyến thăm Ấn Độ đầu năm 2018.

Nhìn vào quan hệ trao đổi tiếp xúc trên lĩnh vực quốc phòng, kinh tế chính trị cho thấy, sự nhấn mạnh tăng cường trong các lĩnh vực xây dựng năng lực, hợp tác quốc phòng, khai thác dầu, thị trường, xúc tiến đầu tư, kinh doanh, hội chợ thương mại, năng lượng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính tại thị trường của nhau. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các thỏa thuận liên quan đến nông nghiệp, năng lượng hạt nhân, thương mại và đầu tư, ngư nghiệp đã được ký kết. Trong suốt chuyến thăm, hai bên bàn bạc thảo luận về khía cạnh khác nhau liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội, hợp tác về khoa học và công nghệ cũng như an ninh khu vực. Hai nước đã kỷ niệm 45 năm tình hữu nghị trong năm 2017, và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược (2007) thành đối tác chiến lược toàn diện (2016) là những thành tựu chính trong thời gian qua. Hơn nữa, Kế hoạch hành động của Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (2017-2020) đã nhấn mạnh cần phải tập trung hơn nữa, hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố, rửa tiền, chống tệ nạn buôn bán người và ma túy, an ninh lương thực, chống tội phạm xuyên quốc gia và biến đổi khí hậu. Các trao đổi tiếp xúc ở mức độ an ninh đặc biệt tại các cấp Phó Bộ trưởng cần phải giải quyết những lo ngại liên quan đến vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Tháng trước, cuộc tập trận chung giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước đã tạo ra lực kéo cần thiết và sự hiểu biết lẫn nhau về khả năng tương tác và phối hợp.

Đối thoại chiến lược ASEAN - Ấn Độ liên quan đến các vấn đề hàng hải đã được tăng cường vào tháng 1 năm 2018 và chuyến thăm này sẽ thực hiện các cuộc tham vấn song phương nhằm hợp lý hóa các khu vực liên quan. Một trong những yếu tố chính của hợp tác song phương là hợp tác kinh tế đặc biệt liên quan đến thương mại và đầu tư. Mục tiêu thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 có thể đạt được, với thực tế là thương mại dự kiến sẽ vượt 11 tỷ USD trong năm nay.

Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Ấn Độ sẽ làm nổi bật năm vấn đề lớn trong đó bao gồm: Thứ nhất, các dự án về kết nối nông thôn, đường truyền kỹ thuật số cũng như hợp tác giáo dục giữa các đơn vị của hai nước. Thứ hai, Việt Nam ngày càng được xem như một tiền đồn văn hóa có liên quan đến lịch sử và nền văn minh Ấn Độ. Việc tổ chức những ngày kỷ niệm Gandhi Jayanti, ngày Quốc tế Vivekananda và kỷ niệm ngày sinh của Rabindranath Tagore tại Hà Nội cho thấy các ưu tiên được dành cho Hà Nội. Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội là một trong những yếu tố quan trọng của phương pháp này. Trên thực tế, sự kiện đối thoại Ấn Độ Dương hàng năm được tổ chức tại Hà Nội trong năm nay đã nhấn mạnh thực tế là ưu tiên chiến lược của Ấn Độ hiện đã mở rộng đến bờ biển Việt Nam. Thứ ba, Tổng thống Kovind thường xuyên nhấn mạnh sự trao đổi tiếp xúc giữa con người với con người. Về vấn đề này có thể sẽ có các dự án mới được công bố bao gồm các hội thảo tập huấn yoga, hội thảo ngôn ngữ tiếng Hindi, chương trình phổ biến các điệu múa Ấn Độ với sự hướng dẫn chuyên môn và truyền đạt của các vũ công,… Trong Kế hoạch hành động Ấn Độ - ASEAN hành động (2016-2020), vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh là việc phát triển đường cao tốc và mạng lưới đường hàng không cũng như quảng bá du lịch biển giữa Ấn Độ và lục địa Đông Nam Á. Tổng thống Kovind cũng sẽ nhấn mạnh về việc tăng cường thương mại và đầu tư thông qua hành lang kinh tế Mekong - Ganga. Hành lang này sẽ phát triển sức mạnh tổng hợp giữa hai khu vực. Với thực tế là, chi phí lao động tương đối cao, đất đai và cơ sở hạ tầng quan trọng tương đối ít hơn so với các khu vực đang phát triển, việc bổ trợ kinh tế sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế và thịnh vượng. Thứ tư, Tổng thống Kovind sẽ nhấn mạnh hai bên sẽ cùng làm việc vì mục tiêu phát triển bền vững và tổng hợp các nguồn lực để đáp ứng mục tiêu của Liên hợp quốc. Cuối cùng, Tổng thống Kovind vốn là một người ham đọc và có kiến ​​thức rộng về lịch sử sẽ đánh giá các khả năng hiện có giữa hai nước cùng hướng tới sự hiệp lực văn minh giữa hai quốc gia.

Tổng thống Kovind bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, và nhắc đến vai trò của cựu Chủ tịch trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trong suốt chuyến đi của ông đến Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như một khu vực hợp tác và đoàn kết, và cùng với thể hiện lập trường tương tự, Tổng thống Kovind nhấn mạnh vào quan hệ hợp tác, sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước vì hòa bình khu vực ở Đông Nam Á.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

*Pankaj Jha là giảng viên cao cấp của Trường Quốc tế Jindal, Đại học toàn cầu O P Jindal, Sonepat. Có thể liên lạc với ông theo địa chỉ email: pankajicwa@gmail.com

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục