Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trạng thái bình thường mới của nền ngoại giao Ấn Độ

Trạng thái bình thường mới của nền ngoại giao Ấn Độ

Trong đại dịch toàn cầu do vi-rút corona chủng mới, Ấn Độ đã đi đầu trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo kỹ thuật số cả trong và ngoài nước. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Ấn Độ đang dẫn đầu và thích ứng với phương thức hội nghị mới, biến nghịch cảnh thành cơ hội để kết nối mọi người.

03:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thế giới xung quanh chúng ta thay đổi nhanh chóng, chính sách ngoại giao ở cấp cao nhất và cách thức tiến hành của nó cũng đang phát triển theo. Các sự kiện đang diễn ra trên khắp thế giới mỗi phút và luồng thông tin trao đổi liên tục, bất kể múi giờ và lệnh phong tỏa do các quốc gia thực thi để chống lại đại dịch COVID-19.

Đảm bảo các kênh liên lạc nhanh chóng, hiệu quả và bền vững càng trở nên quan trọng hơn trong giới ngoại giao toàn cầu, đặc biệt là trong những thời điểm như thế này.

Khi các quốc gia trên thế giới tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc và giãn cách xã hội trở thành chuẩn mực mới, các chuyến thăm ngoại giao cũng phải dừng lại. Nhưng ngoại giao thì không. Dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang biến nghịch cảnh này thành cơ hội, bằng cách tiến hành các hoạt động ngoại giao trực tuyến và liên tục duy trì kết nối với các quốc gia và các nhà lãnh đạo, đặc biệt khi tình hình đòi hỏi sự phối hợp tốt hơn giữa các nhà lãnh đạo thế giới để tìm ra cách thức đối phó hiệu quả trước sự lây lan chưa từng có của đại dịch. Việc tiếp cận ngoại giao tích cực trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vào thời điểm này, các cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đã nổi lên như một kênh giao tiếp mới.

Ngoại giao ảo, kết quả thực

Chính phủ Ấn Độ đã chủ trì hoặc tham gia chủ trì nhiều hội nghị và hội thảo thượng đỉnh trực tuyến trong thời gian khó khăn này. Ấn Độ đã dẫn đầu trong việc kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Á gặp gỡ thông qua hội nghị truyền hình để tìm cách hợp tác chống khủng hoảng do COVID-19 và thúc đẩy các quốc gia thành viên SAARC (Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á) hành động. New Delhi cũng kêu gọi tổ chức cuộc họp truyền hình G20 vào ngày 26/3/2019. Kể từ đó UNSC, EU và NATO đều đã thích nghi và kết nối thông qua hội nghị truyền hình.

Ngày 4/5/2020, Thủ tướng Modi đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Phong trào Không liên kết (NAM), cùng với 30 nguyên thủ quốc gia và chính phủ khác, Chủ tịch Liên hợp quốc và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong bài phát biểu đầu tiên trước nhóm kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Modi đã nhắc lại tầm quan trọng của các cải cách nhằm hướng tới các cam kết toàn cầu và nhu cầu về một mặt trận thống nhất chống lại đại dịch toàn cầu COVID-19.

Vào ngày 4/6/2020, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tổ chức “hội nghị thượng đỉnh trực tuyến” song phương đầu tiên với Thủ tướng Úc Scott Morrison, đây là cuộc gặp thứ tư của hai nguyên thủ trong vòng 18 tháng qua.

Ấn Độ và Úc thông báo rằng, họ sẽ nâng tầm quan hệ ngoại giao hai nước từ cấp Đối tác Chiến lược song phương được ký kết năm 2009 lên cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) và thúc đẩy các cam kết “2 + 2” ở cấp bộ quốc phòng và ngoại giao. Ngoài ra, còn có một loạt các tuyên bố và biên bản ghi nhớ khác đã được thống nhất về cơ sở hạ tầng, quản lý nước, quản lý chuỗi cung ứng, không gian mạng và nông nghiệp. Một quỹ chung mới cũng được thành lập để cho phép các nhà nghiên cứu Ấn Độ và Úc phát triển một loại thuốc kháng vi-rút COVID-19.

Một khía cạnh quan trọng khác của cuộc họp là việc sắp xếp tăng cường phối hợp an ninh hàng hải giữa hai nước. Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mối quan tâm trên toàn thế giới và Thủ tướng Úc Morrison ghi nhận vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc đảm bảo sự hòa hợp và thịnh vượng trong khu vực.

Không chỉ là Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ, Tiến sĩ S Jaishankar cũng tham gia cuộc họp trực tuyến dành cho các ngoại trưởng khối BRICS và cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) thông qua hội nghị truyền hình.

Ngoài các cam kết ngoại giao cấp cao, liên lạc với các cơ quan đại diện của Ấn Độ trên khắp thế giới cũng đang được thực hiện thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thường xuyên hợp tác với các đại sứ Ấn Độ ở các khu vực và tiểu vùng. Vào ngày 23/4/2020, Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ, Tiến sĩ S Jaishankar đã đăng lên mạng xã hội Twitter “Thế giới đang thay đổi dẫn đến thay đổi trong ngành ngoại giao thời kỳ corona. Tình hữu nghị bền chặt thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn trước”, đề cập đến các cuộc trò chuyện trực tuyến thường xuyên của ông với các đại sứ Ấn Độ ở nước ngoài cũng như với các ngoại trưởng khác trên toàn cầu. Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ đã tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến, để thảo luận chi tiết với các đối tác từ một số quốc gia.

Kỷ nguyên kỹ thuật số

Tất nhiên với các hội nghị trực tuyến, một loạt thách thức mới sẽ đặt ra cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Ví dụ, các cuộc gặp trực tiếp, sự tin tưởng lẫn nhau khi giao tiếp, hiểu những tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ là một số đặc trưng quan trọng của hoạt động ngoại giao khó có thể thay thế bằng hội nghị truyền hình.

Nhưng bất chấp điều này, lợi ích của ngoại giao trực tuyến vượt xa chi phí của nó. Khi các nền kinh tế thu hẹp và thế giới chiến đấu với suy thoái và thắt lưng buộc bụng, các hội thảo và hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn là một cách ngoại giao hiệu quả về chi phí.

Để phát triển giải pháp hội nghị truyền hình toàn diện cho Ấn Độ và thúc đẩy cải cách Ấn Độ Kỹ thuật số, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra thách thức đổi mới. Theo Chính sách Quốc gia về Sản phẩm Phần mềm, sự đổi mới này nhằm phát triển một nền tảng hội nghị truyền hình của Ấn Độ nhằm nâng cao khả năng tự chủ của Ấn Độ.

Do Ấn Độ sử dụng không gian mạng để tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh, Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện các biện pháp an ninh mạng mạnh mẽ không chỉ đối với các giao dịch chính thức của chính phủ và khu vực công mà còn bảo vệ các giao dịch của công dân trong khối tư nhân.

Bộ Nội vụ Ấn Độ đã đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các công dân sử dụng các ứng dụng hội nghị khác nhau và về những thách thức về bảo mật dữ liệu cũng như các phương thức vận hành tiêu chuẩn.

Trong tình hình đầy biến động hiện nay, các hội nghị thượng đỉnh và hội thảo trực tuyến quốc tế đã thành công khi thu hẹp khoảng cách truyền thông giữa các quốc gia.

Trong tương lai gần, khi các quốc gia trên toàn cầu phải vật lộn với thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19 và các hạn chế đi lại trên toàn thế giới tiếp tục được áp dụng, thì có thể cần phải tiến hành chuyển phần lớn hoạt động ngoại giao sang các phương tiện trực tuyến, và điều này có thể trở thành phương thức ngoại giao mới.

Chú thích ảnh: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lãnh đạo Ấn Độ-Úc, tại New Delhi vào ngày 4/6/2020.

Tác giả: Akshat Jain, một nhà văn, nhà bình luận, tiểu thuyết gia, blogger và một học giả nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) tại Delhi. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo và sách trắng về nhiều chủ đề và thể loại. Cuốn sách gần đây nhất của ông - Ảo tưởng của tôi, Sai lầm của tôi (My Illusion My Mistakes) được viết dành riêng cho bốn mươi gia đình của những cảnh sát là nạn nhân trong cuộc tấn công Pulwama ngày 14/2/2019.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục