Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham gia Thông tin chuyên đề 5 năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham gia Thông tin chuyên đề 5 năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Ngày 20/4/2021, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và Viện Thông tin khoa học đã tham mưu, tổ chức thành công buổi Thông tin chuyên đề “5 năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ: Kinh nghiệm và Tầm nhìn”. Buổi thông tin đã diễn ra tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với sự chủ trì của PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện và ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam. Đây là một sự kiện mang tới nhiều thông tin liên quan đến tầm nhìn hợp tác, đồng thời đánh dấu một bước chuyển mình tích cực giữa Việt Nam và Ấn Độ.

03:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có truyền thống lâu đời, luôn được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và không ngừng phát triển. Từ hơn một nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã khẳng định tình hữu nghị thủy chung của hai dân tộc. Ngày 7/1/1972, hai nước nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ. Năm 2007, quan hệ “Đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Ấn Độ được thiết lập. Tới tháng 9/2016, quan hệ song phương đã được phát triển lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”, phản ánh được sự bền vững, sâu sắc, tin cậy và hiệu quả của hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.

Trải qua 5 năm kể từ khi thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học, giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Những kết quả này đã góp phần làm bền chặt hơn quan hệ hợp tác và ngoại giao của cả hai quốc gia, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của khu vực và thế giới. Tại Hội thảo, PGS.TS Dương Trung Ý cũng đã thể hiện mong muốn Đại sứ Pranay Verma chia sẻ thông tin về những kết quả trong 5 năm quan hệ đối tác chiến lược và những triển vọng trong tương lai.

Tiếp nối Hội thảo, Đại sứ Pranay Verma đã trình bày những nội dung trọng yếu về Tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và con người để định hướng phát triển cho mối quan hệ hợp tác - ngoại giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong đó nhấn mạnh các nội dung sau:

Về hòa bình: Đối tác quốc phòng là trụ cột chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, yếu tố quan trọng của sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên sẽ thúc đẩy các chương trình trao đổi quân sự, đào tạo và nâng cao năng lực cho ba quân chủng và cảnh sát biển; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sử dụng các gói tín dụng quốc phòng của Ấn Độ dành cho Việt Nam. Tăng cường thể chế hóa giao lưu quốc phòng thông qua các hoạt động tương hỗ hậu cần, các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân, diễn tập chung, trao đổi về khoa học và công nghệ quân sự, chia sẻ thông tin và hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh thông qua các cơ chế đối thoại sẵn có nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống về hàng hải và trong không gian mạng, khủng bố, thiên tai, an ninh y tế, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia..., gồm cả thông qua tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp khi cần thiết. Đồng thời, trong chiến lược hợp tác khu vực và đa phương, Việt Nam luôn là trụ cột chính trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ và là đối tác quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Hai bên sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới và thực chất nhằm tăng cường năng lực về kinh tế biển, an ninh và an toàn hàng hải, môi trường biển và sử dụng bền vững tài nguyên biển, kết nối hàng hải, nhằm bảo đảm an ninh và tăng trưởng cho cả khu vực. 

Về thịnh vượng: Nhận thức được những thách thức cũng như cơ hội mới do đại dịch Covid-19 đem lại, hai nước sẽ hợp tác xây dựng các chuỗi cung ứng tin cậy, bền vững và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm. Phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất và sẽ đề ra những mục tiêu tham vọng hơn cho thương mại song phương dựa trên một kế hoạch hành động cụ thể và các chuỗi cung ứng mới có khả năng phục hồi dựa trên niềm tin. Thúc đẩy liên doanh, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mới, tăng cường kết nối cứng và kết nối số, khuyến khích thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho việc đi lại của doanh nghiệp, nâng cấp cấu trúc thương mại khu vực và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ đối tác giữa hai nước, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và cộng đồng nông dân của hai nước khai thác tối đa. 

 

Về con người: nhấn mạnh sự gắn kết lâu đời về văn hóa, lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam, Đại sứ Pranay Verma cho biết, hai bên sẽ kế thừa và tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa, văn minh chung của hai nước, bao gồm Phật giáo, văn hóa Chăm, các phong tục truyền thống và kinh cổ. Hợp tác bảo tồn di sản văn hóa chung sẽ được coi như một trụ cột chính trong quan hệ đối tác phát triển của hai nước. Hai nước cam kết hợp tác để tăng cường hệ thống y học cổ truyền và y học chứng cứ vì sức khoẻ của người dân. Hai bên sẽ tích cực hợp tác để xuất bản Bách khoa toàn thư về Quan hệ Văn hóa và Văn minh Ấn Độ - Việt Nam để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam vào năm 2022.

Nhấn mạnh mục tiêu chung về tiến bộ và thịnh vượng trong hợp tác ngoại giao và phát triển kinh tế của hai nước, Đại sứ Pranay Verma tin tưởng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đồng thời, Ngài Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những hoạt động kết nối, thúc đẩy hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, đồng thời khẳng định Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để triển khai những kế hoạch nhằm tăng cường hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhấn vào đây để xem ảnh của sự kiện

Nguồn:

Cùng chuyên mục