Tướng Ấn Độ đánh giá cao nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 30/8/2015, tại khu vực phao số 0, cách bờ biển thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 10 hải lý, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển 3 (Cảnh sát biển Việt Nam) phối hợp với lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ tiến hành huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tham gia huấn luyện, phía Bộ tư lệnh Cảnh sát biển 3 có các tàu CSB 8001, CSB 4043, phía Ấn Độ có tàu SaRang 44. Đại tá Vũ Ngọc Lân, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển 3 chỉ huy buổi huấn luyện.
Tình huống huấn luyện được giả định như sau: Vào lúc 15 giờ ngày 30/8, tại khu vực phao số 0 cách bờ biển thành phố Vũng Tàu khoảng 10 hải lý, có tọa độ 10 độ 15 phút 00 giây Bắc, 107 độ 12 phút 00 giây Đông, tàu vận tải M1 thuộc Công ty vận tải Z, quốc tịch Việt Nam có trọng tải 450 tấn, trên tàu có 17 thuyền viên, tàu đang bốc cháy dữ dội và có người rơi xuống biển, nguy cơ dẫn đến cháy nổ và thiệt hại về người rất cao. Nhận được thông tin, tàu CSB 8001 đã cơ động ra hiện trường tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cứu nạn.
Tại hiện trường, tàu chỉ huy CSB 8001 đã triển khai các biện pháp để tiếp cận và tiến hành dập tắc ngọn lửa, đồng thời đề ra phương án cứu người rơi xuống biển. Cùng thời điểm trên, tại khu vực xảy ra tai nạn tàu SaRang 44 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đang hành trình ngang qua khu vực tàu bị nạn. Nhận được thông tin báo tàu gặp nạn, tàu RaRang 44 đã phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Tàu SaRang 44 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã triển khai phương án tiếp cận và thu thập thông tin, tìm kiếm cứu nạn và cùng với tàu CSB 8001 thực hiện chữa cháy, thả ca nô tìm kiếm thuyền viên tàu M1 rơi xuống biển.
Với sự phối kết hợp bài bản, nhịp nhàng, sau hơn 30 phút triển khai cứu nạn, cứu hộ, ngọn lửa trên tàu M1 đã được khống chế, người rơi xuống biển đã được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ cứu sống và đưa lên tàu an toàn. Sau khi hoàn thành công tác phối kết hợp cứu nạn, tàu SaRang 44 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã tiếp tục cuộc hành trình của mình và tàu M1 được tàu CSB 8001 lai dắt về cảng Vũng Tàu ngay sau đó.
Kết thúc buổi huấn luyện, Chuẩn tướng Naresh Kumar Kaul chia sẻ: "Khi chứng kiến bài phối hợp huấn luyện về cứu nạn, cứu hỏa của Cảnh sát biển Việt Nam chúng tôi thấy rằng, Cảnh sát biển Việt Nam là một lực lượng tinh nhuệ và hoàn toàn đủ khả năng, đủ trách nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đều có những vấn đề chung mà hai bên cần xử lý trên biển như cướp biển, cứu nạn trên biển hay bảo vệ môi trường."
Chuẩn tướng Naresh Kumar Kaul đề nghị, trong thời gian tới Cảnh sát biển Việt Nam sẽ gửi tàu đến thăm và làm việc tại Ấn Độ.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Lân cho biết, đây là lần đầu tiên lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ phối hợp huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên biển. Qua buổi huấn luyện, trình độ chỉ huy cũng như học tập kinh nghiệm trong cứu người trên biển và các nhiệm vụ khác đối với lực lượng của cả hai phía đã được nâng lên rõ rệt. Trong thời gian tới cả hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để đào tạo cán bộ, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên các lĩnh vực chuyên ngành về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng như tham gia các nhiệm vụ thực thi pháp luật khác trên biển Việt Nam và vùng biển Ấn Độ.
Buổi phối hợp huấn luyện cứu hộ, cứu nạn trên biển giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã giúp tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời của hai nước. Đây cũng là cơ hội để lực lượng hai bên trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ sử dụng trang thiết bị, trình độ tuần tra kiểm soát, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trên biển và xử lý các tình huống vi phạm pháp luật trên biển./.
(Theo TTXVN)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024