Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

5 nhãn hiệu thời trang quốc tế có nguồn gốc Ấn Độ

5 nhãn hiệu thời trang quốc tế có nguồn gốc Ấn Độ

Biên giới của thời trang đang mờ đi và một thế hệ nhà thiết kế Ấn Độ mới đang ghi dấu ấn của Ấn Độ trên bản đồ thời trang quốc tế.

06:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thời trang như chúng ta biết, đang thay đổi. Lần gần nhất bạn tìm hiểu thương hiệu trên Instagram là khi nào? Với sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội và các nhà bán lẻ kỹ thuật số đang phát triển, các nhà thiết kế và thương hiệu đã tăng phạm vi tiếp cận của họ lên gấp nhiều lần. Ngày nay, các nhãn hiệu thời trang từ những nơi xa xôi đang được nhìn thấy, nghe thấy và tìm thấy từ các phương tiện truyền thông xã hội. mThế hệ nhà thiết kế mới đang kết nối các nền văn hóa và xóa mờ biên giới. Lấy nguồn cảm hứng vĩnh cửu từ nguồn gốc Ấn Độ, những nhà thiết kế mới nổi trên khắp thế giới đang tạo ra một cuộc đối thoại văn hóa thời trang giữa Ấn Độ và thế giới. Cốt lõi của họ là câu chuyện về tính bền vững, hòa nhập giới, tính đại diện và đề cao. Đây là một sự va chạm văn hóa mà chúng ta có thể sẽ sớm trải nghiệm. Hãy xem các nhãn hiệu thời trang này đang đưa ra tiếng nói như thế nào đối với các chủ đề như linh hoạt giới, tính bền vững và tính hòa nhập và đưa di sản Ấn Độ vào thời trang.

1. Maschiaccio 

Maschiaccio, có nghĩa là tomboy, nam tính trong tiếng Ý. Nhà thiết kế Sana Bhatia nói mục đích của thương hiệu này là “thừa nhận và tôn vinh những người đồng tính trong cộng đồng và gợi lại lịch sử mặc quần áo trái với giới tính thật đã bị mai một”, lấy cảm hứng từ những câu chuyện được truyền lại từ thế hệ những người đứng lên đấu tranh giành tự do. Bhatia coi thời trang là nghệ thuật, và luôn giữ cho các thiết kế của mình phi giới tính, “sử dụng phép tối giản, thời trang thể hiện nữ quyền với những họa tiết gợi cảm, mang lại cảm giác cân bằng tối đa cho mỗi bộ trang phục”. Mỗi bộ sưu tập được thực hiện với sự cộng tác của nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội và nhà sáng tạo, và họ luôn chia sẻ các câu chuyện thời trang trên blog của thương hiệu, blog Masch World.

2. Szabo Sihag

Được nhiều nhạc sĩ yêu thích, Szabo Sihag là nhãn hiệu thời trang có trụ sở chính tại London của các nhà thiết kế Krisztain Szobo và Meghna Sihag. Được thành lập ngay trước khi đại dịch tấn công, nhãn hiệu này đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các cửa hàng trực tuyến để tiếp cận thị trường trên toàn thế giới. Nhà thiết kế Meghna Sihag, lớn lên ở Haryana, lưu ý rằng “cách tôi phát triển hình khối và phương pháp dệt chịu ảnh hưởng bởi trang phục truyền thống của Haryana và Rajasthan; độ dày của ghaghra, vải pallu, và hàng dệt may Ấn Độ”. Các thiết kế là sự kết hợp giữa hình khối đương đại với các họa tiết siêu thực và nghệ thuật thêu thủ công của Ấn Độ. Sihag nói rằng, cô thích “làm mờ ranh giới giữa hai nền văn hóa thông qua việc cắt may có cấu trúc, màu sắc tương phản, pha trộn các loại vải khác nhau và nhiều nhóm bản mẫu”. Bộ sưu tập mới nhất của hãng có tên gọi Vượt biên giới (Beyond Borders), lấy cảm hứng từ những người phụ nữ nắm quyền của bộ tộc Rabari của vùng Kutch, và là cuộc chơi của độ dày của vải, các loại vải xô và kỹ thuật thêu.

3. Ookioh

Nhà thiết kế Vivek Aggarwal đã cho ra mắt nhãn hiệu đồ bơi Ookioh vào năm 2018 với ba yếu tố quan trọng là tính tiện dụng, khả năng chi trả và tính bền vững. Nhãn hiệu non trẻ này đã có lượng người hâm mộ lớn theo dõi các cô gái thời trang như Hailey Bieber và Bella Hadid và các biểu tượng toàn cầu như Naomi Osaka và Gabrielle Union. Aggarwal, sinh ra và lớn lên ở Rourkela, Odisha, đã tìm thấy nguồn cảm hứng từ các thương hiệu như Esprit và United Colors of Benetton, những nhãn hiệu đã có mặt tại Ấn Độ từ những năm 90. Aggarwal hy vọng sẽ “mang lại niềm vui cho sự bền vững” và “tạo ra hàng hóa bền vững, thú vị và giá cả phải chăng để có được phạm vi tiếp cận rộng hơn và do đó tăng tiêu thụ vật liệu tái tạo và tái chế”. Tất cả vải được sử dụng đều có nguồn gốc từ một nhà máy của Ý và được làm từ 100% nguyên liệu tái sinh.

4. LOTA Ấn Độ

LOTA là một xưởng dệt độc lập, thu gom phế liệu vải từ các nhà sản xuất ở Ấn Độ để mang lại cho chúng cuộc sống thứ hai thông qua các kỹ thuật như chắp nối, chần bông và dệt kim. Các nhà thiết kế Shradha Kochhar và Adhiraj Singh nói rằng, nguồn cảm hứng của họ bắt nguồn từ “phong cách đường phố xung quanh chúng ta ở Ấn Độ, một phong cách đại diện cho chủ nghĩa thể hiện tối đa, hàng dệt truyền thống, sự mới lạ, họa tiết in và hoa văn.” LOTA là một “nỗ lực giành quyền tự quyết và xác định lại phong cách đường phố có ý nghĩa như thế nào đối với chúng tôi với tư cách là một cộng đồng Nam Á. Một phong cách thời trang bao hàm màu sắc, sự hỗn loạn và cá tính”. Bộ sưu tập mới nhất của họ được làm từ quần áo cũ vụn được kéo thành sợi và sau đó đan thủ công trên khung dệt phẳng ở Ấn Độ, các nhà thiết kế tự hào về chiến lược sản xuất vải 100% không có chất thải.

5. Gundi Studios

Với sứ mệnh “trao quyền cho phụ nữ đam mê thời trang, nghệ thuật và chuỗi cung ứng của chúng tôi”, nhà thiết kế kiêm giám đốc sáng tạo Natasha Sumant đến từ Brooklyn New York của thương hiệu Gundi Studios đã lập ra ý tưởng sản xuất các sản phẩm thời trang dạo phố thủ công ở Ấn Độ. Với công việc chính trong lĩnh vực truyền thông sáng tạo, Sumant đã thiết kế để “tôn vinh và nâng cao vị thế của những người phụ nữ Nam Á dám nói dám làm”. Cùng với nỗ lực thiết kế, Sumant cũng sử dụng nền tảng sáng tạo để hợp tác với những phụ nữ truyền cảm hứng để tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật. Lớn lên ở Ấn Độ, cô nhận thấy nghệ thuật đại diện cho phụ nữ như thế nào và văn hóa còn thiếu sự tôn vinh những phụ nữ bất chấp các chuẩn mực của xã hội gia trưởng. Lấy điều này làm nguồn cảm hứng sáng tạo, Sumant đặt tên thương hiệu là Gundi, một từ có nghĩa là nữ gangster.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.vogue.in/fashion/content/5-labels-with-indian-roots-creating-international-buzz

Nguồn:

Cùng chuyên mục