Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ âm thầm biên chế 'con mắt trên biển'

Ấn Độ âm thầm biên chế 'con mắt trên biển'

Ấn Độ đã gia nhập số ít các nước trên thế giới sở hữu năng lực theo dõi các vụ phóng tên lửa tầm xa sau khi bí mật biên chế tàu theo dõi tên lửa đạn đạo.

04:54 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tờ Economic Times mới đây loan tin hải quân Ấn Độ đã bí mật biên chế tàu do thám tiên tiến mang tên INS Dhruv (VC-11184) vào tháng 10/2020. Mặc dù Ấn Độ không công khai về dự án này nhưng những thông tin tổng quát về con tàu đã được giới theo dõi quân sự và truyền thông loan tải trong vài năm gần đây.

Theo Forbes, INS Dhruv bắt đầu được chế tạo từ tháng 6-/.2014 tại một ụ khô được che kín ở xưởng đóng tàu quốc doanh Hindustan Shipyards Limited, tại thành phố miền đông Visakhapatnam. Con tàu dài 175 m, lượng choán nước 15.000 tấn với thủy thủ đoàn 300 người. Quá trình thử nghiệm hoàn tất trong năm 2019 và kinh phí cho dự án này được ước tính 15 tỉ rupee (khoảng 200 triệu USD).

Tàu Dhruv được trang bị một radar băng tần X lớn hình cầu để xác định các mục tiêu ở một khu vực cụ thể và một radar băng tần S có tầm hoạt động xa hơn, dùng để quét qua các khu vực rộng lớn. Cả hai radar này đều là radar quét mảng pha điện tử chủ động (ASEA), loại radar tiên tiến với độ phân giải cao, có khả năng chống gây nhiễu và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.

Theo Forbes, con tàu được trang bị thêm 3 máy phát điện phụ ngoài 2 động cơ diesel, nhằm cung cấp điện năng cho các radar nói trên. Bên cạnh đó, tàu Dhruv còn có hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc cùng các ăng ten giúp phát hiện tín hiệu điện từ phát ra từ các tàu hoặc máy bay. Ngoài ra, tàu còn có các cảm biến âm, một bãi đáp trực thăng và nhà chứa trực thăng.

Con mắt trên biển

Tàu INS Dhruv được cho là sẽ đóng vai trò theo dõi hoạt động của tàu thuyền và máy bay tại vùng biển quanh Ấn Độ, hỗ trợ việc chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công của hải quân. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của tàu được cho sẽ là thu thập dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Ấn Độ cũng như vụ phóng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và Pakistan.

Hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Ấn Độ hiện dựa vào các cảm biến từ vệ tinh để phát hiện vụ phóng tên lửa và radar theo dõi tầm xa trên bộ Swordfish để truyền dữ liệu theo dõi tên lửa cho việc đánh chặn.

Về lý thuyết, tàu Dhruv sẽ bổ sung cho hai hệ thống kia, mở rộng tầm theo dõi và tăng cường thêm thông tin về mục tiêu để giúp phóng tên lửa đánh chặn chính xác hơn.

Lá chắn tên lửa này của Ấn Độ hiện nay chỉ bảo vệ cho một vài thành phố lớn nhưng vẫn là năng lực mà chỉ một vài nước trên thế giới sở hữu. Theo DefPost, chỉ có 4 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp sở hữu tàu tương tự tàu INS Dhruv. 

Điểm yếu của tàu INS Dhruv là việc các cảm biến mạnh mẽ của tàu có thể khiến nó dễ bị phát hiện và tấn công vì trên tàu cũng không có vũ khí phòng vệ. Nếu được triển khai, tàu INS Dhruv sẽ cần được tàu chiến khác hộ tống.

Ngoài ra, tàu này không thể hoạt động liên tục trên biển, có thể làm gián đoạn các hoạt động. Ấn Độ được cho là đang đóng một tàu do thám tương tự tại xưởng đóng tàu tại thành phố Cochin nhưng có kích thước nhỏ hơn, chuyên dùng để theo dõi tên lửa hành trình.

Nguồn: https://thanhnien.vn/the-gioi/an-do-am-tham-bien-che-con-mat-tren-bien-1357709.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục