Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ có chính sách như thế nào trước sự bùng nổ thương mại điện tử của Trung Quốc?

Ấn Độ có chính sách như thế nào trước sự bùng nổ thương mại điện tử của Trung Quốc?

Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử kể từ năm 2013, khi nước này vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Kể từ đó, tăng trưởng trong lĩnh vực này ở Trung Quốc luôn ở mức hai con số.

06:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo eMarketer, doanh thu mà các công ty Trung Quốc tạo ra từ lĩnh vực thương mại điện tử vào năm 2020 là 2296,95 tỷ USD, gần gấp ba lần của Mỹ.

Câu hỏi đầu tiên xuất hiện là “Có phải do dân số quá đông của Trung Quốc dẫn đến bùng nổ thương mại điện tử?”. Nếu đúng như vậy, thì Ấn Độ, quốc gia có dân số gần bằng Trung Quốc, cũng có thể đứng đầu danh sách, nhưng Ấn Độ chưa đạt được như vậy. Do đó, câu hỏi cấp bách hơn được đặt ra là “Điều gì ngăn cản Ấn Độ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử?”

Một số yếu tố, chẳng hạn như nhân khẩu học và lòng tin của người tiêu dùng, có thể được xem xét khi trả lời câu hỏi. Chúng tôi sẽ so sánh hiệu quả của các chính sách và quy định của chính phủ hai nước. Chúng tôi phân tích chính sách trong hai lĩnh vực: phát triển Internet và thương mại điện tử trong nước.

Trung Quốc có Internet từ năm 1994 và nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của Internet. Năm 1995, Trung Quốc chỉ có 6000 máy tính và 40.000 người kết nối Internet; đến giữa năm 2001, Trung Quốc có 10,2 triệu máy tính và 26,5 triệu người dùng trực tuyến. Sáng kiến ​​của chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy Internet xứng đáng được ghi nhận. Họ đã khởi động 13 “Dự án Vàng” để xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và phát triển mạng Internet trong ba giai đoạn - Tiểu hành tinh (1996-2003), Con ong (2004-2010) và Đấu trường (2010-nay). Ngoài ra, người Trung Quốc tập trung vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ, dẫn đến sự gia tăng mạng điện thoại, sản xuất máy tính và nâng cao nhận thức về Internet.

Trong khi Internet vào Ấn Độ năm 1986, trước Trung Quốc nhiều năm, nhưng không phát triển nhanh chóng. Sáng kiến ​​đầu tiên về phát triển Internet, Kế hoạch Hành động CNTT 1998, được đưa ra vài năm sau khi Internet ra đời. Cuối cùng, Ấn Độ cũng ban hành luật mới, Đạo luật CNTT năm 2000, để xử lý tội phạm mạng và thương mại điện tử. Trong khi Ấn Độ vẫn đang phát triển các chính sách và xây dựng luật pháp, Trung Quốc đã sử dụng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử như một phần của các Dự án Vàng. Chiến lược của Ấn Độ về lâu dài được cho là tốt hơn, trong khi chiến lược của Trung Quốc đã mang đến kết quả ngắn hạn ngay lập tức. Tới năm 2021, và sự thành công như mong đợi của chiến lược dài hạn của Ấn Độ vẫn chưa thành hiện thực. Hiện nay, Trung Quốc có tỷ lệ sử dụng Internet là 70,4% dân số, trong khi Ấn Độ chỉ có 45%.

Sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận để điều tiết thị trường đã có tác động đáng kể đến thị trường và những người tham gia thị trường, và do đó trở thành một yếu tố quan trọng trong việc xác định sự tăng trưởng của thị trường.

Ví dụ: các chính sách thương mại điện tử của Trung Quốc nhằm tăng cường phát triển hệ thống tín dụng thương mại điện tử bao gồm thông tin tín dụng của tất cả các bên liên quan. Chính phủ giám sát các công ty có xếp hạng tín dụng kém, giúp ngăn chặn hàng giả và các hoạt động bất hợp pháp khác. Ngoài ra, chính phủ đảm bảo rằng, tất cả các doanh nghiệp thương mại điện tử tuân theo các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ an toàn thông tin. Để cải thiện tính bảo mật, chính phủ đã khuyến khích việc sử dụng các chứng chỉ số và việc xác minh các chứng chỉ đó bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử. Tất nhiên, người ta có thể tranh luận rằng, tiến bộ như vậy phải trả giá bằng quyền riêng tư của công dân.

Trung Quốc đã thúc đẩy các chương trình ưu đãi về thuế và tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ cao bằng cách thay thế thuế kinh doanh bằng thuế giá trị gia tăng và xây dựng cơ chế tài trợ đa kênh để hỗ trợ các công ty thương mại điện tử. Chính phủ cũng khuyến khích các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cung cấp bảo đảm bằng tài sản vô hình, cầm cố bất động sản và các dịch vụ tài trợ khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt dộng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Vì cho vay dựa trên tài sản vô hình sử dụng danh mục sở hữu trí tuệ hoặc các tài sản vô hình khác để đảm bảo khoản vay, điều này giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng huy động vốn hơn. Nó cũng tư vấn cho các quỹ đầu tư về cách tăng cường hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp Thương mại điện tử.

Ngược lại, chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tích hợp các thị trường ngoại tuyến truyền thống, chẳng hạn như chợ rau quả, vào các nền tảng thương mại điện tử kỹ thuật số. Chính phủ cũng đã đưa ra các sáng kiến ​​hàng đầu như Digital India, Make in India, Start-up India và Skill India, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành.

Mặc dù Ấn Độ đang có những nỗ lực đáng kể để phát triển thị trường thương mại điện tử, nhưng vẫn có nhiều lĩnh vực có thể được cải thiện. Sự thiếu tích hợp của các bên liên quan là một thiếu sót đáng kể. Để tăng hiệu quả và tính minh bạch cho những bên tham gia thị trường thương mại điện tử Ấn Độ, các bên liên quan của chính phủ như các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thuế và cơ quan đăng ký công ty nên được kết hợp thành một hệ thống duy nhất. Việc thiếu một cơ chế tập trung để đánh giá hoặc công nhận nhiều trang thương mại điện tử góp phần vào sự kém hiệu quả. Người sử dụng cảm thấy khó tin tưởng vào các trang web như vậy. Việc phát triển quy trình chuẩn hóa sẽ có tác động tích cực đến chất lượng của các dịch vụ trực tuyến.

Khi so sánh các phương pháp tiếp cận chính sách của hai quốc gia, rõ ràng là tại sao Trung Quốc có 53,64% (tính đến năm 2020) thị phần thương mại điện tử toàn cầu và Ấn Độ chỉ có 1,29%. Rõ ràng là nếu không có chính sách hỗ trợ, dân số đông không thể làm nên thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh. Do đó, việc tìm hiểu kỹ kinh nghiệm của Trung Quốc có thể hữu ích trong việc nhận ra tiềm năng đầy đủ của thị trường thương mại điện tử Ấn Độ.

Khó khăn thứ hai mà các công ty thương mại điện tử Ấn Độ phải đối mặt là doanh thu và tính an toàn của giao dịch trực tuyến. Tin tức gần đây về gian lận trực tuyến, phiếu giảm giá lừa đảo, quảng cáo giả mạo, thư rác và đánh cắp thông tin thẻ tín dụng đã làm giảm lòng tin của khách hàng đối với hệ thống này. Hiện tại, phần lớn khách hàng ở Ấn Độ thích mua hàng theo hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD). Do không tin tưởng vào hệ thống bảo mật, phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ (COD). Việc phát triển các giải pháp Thương mại Điện tử thành công đòi hỏi phải tạo ra các hệ thống đáng tin cậy, có thể mở rộng. Cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu luật mạng thích hợp, thiếu quyền riêng tư và bảo mật, và các vấn đề về vi-rút cũng là một số hạn chế và thách thức cần phải giải quyết.

Tác giả: Neeraj Singh Manhas, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Kalinga Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://www.kiips.in/research/how-do-indian-policies-compare-to-chinas-e-commerce-boom/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục