Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ kỳ vọng vào chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang

Ấn Độ kỳ vọng vào chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ (từ ngày 2 – 4/3/2018) của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Phu nhân, các tờ báo hàng đầu của Ấn Độ như The Economic Times (ET), Times of India… có những bài viết về chuyến thăm cũng như tác động tới quan hệ song phương.

03:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đề cao ý nghĩa chuyến thăm

Trước thềm chuyến thăm, tờ The Times of India đánh giá, sự kiện này sẽ ghi dấu quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tác giả bài báo nhấn mạnh ý nghĩa của chuyến thăm vào thời điểm hai nước kỷ niệm 46 năm quan hệ ngoại giao (1972-2018). Trong các bài viết, tờ báo này nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cho thấy mức độ quan trọng của mối quan hệ song phương cũng như làm nổi bật tầm quan trọng mà quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đạt được trong những năm gần đây.

“Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ đã được cụ thể hóa trên các lĩnh vực, nhất là các trụ cột chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân. Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó thông qua việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân”- Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đánh giá trong bài phỏng vấn với ET.

Trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ngày 27/2/2018, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định, chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ. Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố, thúc đẩy và mở rộng một cách sâu rộng và hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, góp phần phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ngày càng sâu sắc và thực chất hơn.

Trong chuyến thăm, hai bên cũng tổng kết Năm hữu nghị 2017 và đưa quan hệ song phương sang năm thứ 46 với một loạt hoạt động trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ”. Hai bên cũng sẽ cùng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Cùng ngày, cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra thông cáo nhấn mạnh, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang sẽ làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ song phương, trọng tâm là kinh tế

Trong bài viết nhan đề “Chuyển động về kinh tế: Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Nước Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương” đăng ngày 27.2, tờ Times of India nhấn mạnh, tháp tùng Chủ tịch Nước Trần Đại Quang sẽ có 1 phái đoàn khoảng 80 quan chức cấp cao và 1 đoàn doanh nhân hùng hậu. Sự tham gia của phái đoàn doanh nhân thể hiện tầm quan trọng về mặt kinh tế của chuyến thăm.

Đề cập đến những thành tựu mà Việt Nam đạt được như, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2007-2017, GDP tăng 6,7% năm ngoái, ký 16 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực trong những năm qua… Times of India khẳng định: “Tất cả những điều này giúp cho Việt Nam trở thành đối tác kinh tế lý tưởng của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Điều này cũng làm cho mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trở thành trụ cột chính trong chính sách “Hành động hướng Đông” của New Delhi”.

Truyền thông Ấn Độ đánh giá, thương mại Ấn Độ - Việt Nam năm ngoái đã đạt 7,6 tỉ USD - tăng 40% so với 2016 và còn rất nhiều không gian cho tăng trưởng.

Trong bài phỏng vấn với FT, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cũng cho biết: “Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đưa Ấn Độ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, cũng như đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ USD vào năm 2020”.

Theo Chủ tịch Nước, Việt Nam đang tìm kiếm đầu tư từ Ấn Độ trong một số lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng…

Bên cạnh đó, hai nước cần tăng cường kết nối cả về song phương và khu vực, kết nối về hạ tầng như đường không, đường bộ, hàng hải và kết nối số.

Cùng với đó, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển.

Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/an-do-ky-vong-vao-chuyen-tham-cua-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-593494.ldo

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục