Ấn Độ "mở luồng" cho dòng chảy hàng hóa
Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp phong toả, giới nghiêm chống dịch COVID-19 nhưng dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ ở Ấn Độ không vì vậy mà bị ngưng trệ.
Trong hai làn sóng dịch COVID-19 trong các năm 2020 và 2021, nhà chức trách Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế với mức độ khác nhau, từ phong tỏa toàn phần/một phần, đến giới nghiêm ban đêm/cuối tuần… để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhưng dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ ở nước này không vì vậy mà bị ngưng trệ.
Ngược lại, các hoạt động kinh tế vẫn được duy trì với những giao dịch hàng hóa diễn ra sôi động trên các thị trường trực tuyến, nhờ hàng loạt chính sách và sáng kiến của Chính phủ Ấn Độ trong những năm qua nhằm tăng cường thanh toán kỹ thuật số.
Sự phổ biến ngày càng gia tăng của thanh toán kỹ thuật số trong mọi hoạt động của đời sống từ mua hàng tạp hóa, thanh toán các loại hóa đơn đến trả tiền taxi. Trong đó, không thể phủ nhận thương mại điện tử đã thực sự làm thay đổi cách thức kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa tại Ấn Độ.
* Đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử
Ông Nityanand Sharma, Giám đốc điều hành của công ty chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán Simpl Technologies, cho hay đại dịch COVID-19 khiến người ta cảnh giác với các tương tác và tiếp xúc gần, qua đó mang lại cho thanh toán trực tuyến một động lực mới.
Ông Sharma nói: "Những người chưa bao giờ thanh toán hóa đơn trực tuyến đang thanh toán trực tuyến, những người chưa bao giờ mua hàng tạp hóa trực tuyến đang mua hàng trực tuyến. Đây là một bước chuyển biến do người tiêu dùng dẫn đầu hướng đến thanh toán kỹ thuật số".
Cũng theo ông Sharma, chỉ một tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ hồi tháng 3/2020, lượng giao dịch trên nền tảng của Simpl Technologies đã tăng gấp đôi.
Thị trường thương mại điện tử của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp hơn 3 lần, từ mức ước tính 64 tỷ USD trong năm 2020 lên 200 tỷ USD vào năm 2026. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành này chủ yếu nhờ tỷ lệ người dùng Internet và điện thoại thông minh tại Ấn Độ ngày càng cao, sức mua trong dân chúng lớn hơn, trong khi các nền tảng trực tuyến ngày càng thông minh, mang lại sự tiện lợi và những lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.
Các nền tảng thương mại trực tuyến như Flipkart, Amazon India và Paytm Mall cũng phát triển nở rộ trong đại dịch nhờ nhu cầu mua sắm rất lớn của người dân trong những ngày phong tỏa để chống dịch. Nhờ đó hàng hóa dễ dàng được chuyển đến người tiêu dùng, đảm bảo nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho người dân trong những đợt phong tỏa dài ngày.
*Khơi thông dòng chảy hàng hóa
Trước tình trạng thiếu nhân viên, nhất là nhân viên điều hành việc giao hàng và nhân công bốc dỡ hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội, Hiệp hội Phúc lợi vận tải Ấn Độ (AIWTA) đã phải kiến nghị chính phủ cho phép sử dụng giấy phép lái xe làm thẻ thu phí tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tránh được tình trạng hàng hóa bị ách tắc hoặc ùn ứ kéo dài.
AIWTA cũng lo tìm bảo hiểm cho tài xế xe tải và các nhân viên liên quan, đề xuất chính phủ mở lại các trạm dừng cho tài xế cứ mỗi 200km đường cao tốc.
Ở cảng biển, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các hãng vận tải không áp dụng phí lưu giữ container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian phong tỏa.
Còn ngành đường sắt, trong trường hợp không có khách vì đại dịch, tàu hỏa sẽ tập trung vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu kiện cho doanh nghiệp địa phương và người mua hàng thương mại điện tử.
* Sự hỗ trợ từ chính sách
Những bước phát triển như vậy không phải tự nhiên mà có. Chúng thực sự phải dựa trên một nền tảng số hóa sâu rộng trong xã hội - vốn đã được Ấn Độ gây dựng trong thời gian dài với nhiều sáng kiến và biện pháp khuyến khích khác nhau, đặc biệt từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền năm 2014.
Có thể kể đến những sáng kiến nổi bật như "Kỹ thuật số Ấn Độ", "Sản xuất tại Ấn Độ", "Khởi nghiệp Ấn Độ", "Kỹ năng Ấn Độ" và "Quỹ đổi mới sáng tạo", SAMRIDH (chương trình thúc đẩy khởi nghiệp).
Việc triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình này cùng nhiều sáng kiến khác trước đó đã giúp tạo ra hàng loạt "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) trong một hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn và ngày càng hoàn thiện.
Sự nổi lên của nhiều công ty công nghệ về thương mại, tài chính, giáo dục, logistics… đang là động lực then chốt thúc đẩy ngành thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số tại Ấn Độ phát triển mạnh mẽ.
Chính phủ Ấn Độ đã xác định 5 lĩnh vực trong chính sách bán lẻ quốc gia được đề xuất, bao gồm tạo thuận lợi kinh doanh, hợp lý hóa quy trình cấp phép, số hóa hoạt động bán lẻ, tập trung vào cải cách và xây dựng mạng lưới mở cho thương mại số, đồng thời khẳng định cần quản lý bán lẻ ngoại tuyến và thương mại điện tử một cách thống nhất.
Các đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ như thanh toán kỹ thuật số, giao hàng nhanh gần nhà, tương tác khách hàng dựa trên phân tích và quảng cáo kỹ thuật số sẽ hỗ trợ ngành này phát triển hơn nữa.
Thương mại điện tử phát triển cũng sẽ thúc đẩy việc làm, làm tăng thu nhập từ xuất khẩu, tăng nguồn thu thuế của nhà nước và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho khách hàng trong dài hạn.
Trong thời kỳ đại dịch, các "kỳ lân" đã thể hiện được giá trị của mình, tích cực tham gia và hỗ trợ chính phủ trong nỗ lực phòng chống dịch, góp phần giải quyết các nhu cầu trong dân chúng nói riêng và hỗ trợ nền kinh tế phát triển nói chung. Trong tương lai, đây sẽ là những nhân tố quan trọng giúp tạo đà bứt phá để Ấn Độ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, trở lại với những mục tiêu tham vọng đưa nước này vươn tầm thế giới./.
Nguồn: https://bnews.vn/an-do-mo-luong-cho-dong-chay-hang-hoa/212380.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024