Ấn Độ-Mỹ ra tuyên bố chung tái khẳng định mối quan hệ đối tác chặt chẽ
Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden kêu gọi hai chính phủ tiếp tục công việc chuyển đổi mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mỹ trên tất cả các khía cạnh của chương trình nghị sự toàn cầu.
Sau cuộc thảo luận kín vào tối 8/9, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tuyên bố chung tái khẳng định mối quan hệ đối tác chặt chẽ và lâu dài giữa hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, các nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến bộ đáng kể mà hai nước đã đạt được trong quá trình thực hiện những thành tựu đột phá nhân chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Modi tới Washington hồi tháng 6/2023.
Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden kêu gọi hai chính phủ tiếp tục công việc chuyển đổi mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mỹ trên tất cả các khía cạnh của chương trình nghị sự toàn cầu, dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo còn tái khẳng định tầm quan trọng của nhóm Bộ Tứ (QUAD) trong việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và kiên cường.
Cũng trong tuyên bố chung, Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết chung nhằm tăng cường và đa dạng hóa Quan hệ đối tác quốc phòng lớn Ấn Độ-Mỹ thông qua hợp tác mở rộng trong các lĩnh vực mới và mới nổi như không gian và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh sự kiện hai bên ký kết Thỏa thuận sửa chữa tàu tổng thể thứ hai.
Hai nhà lãnh đạo đã khen ngợi nhóm Hệ sinh thái tăng tốc quốc phòng Ấn Độ-Mỹ (INDUS-X) về việc thiết lập chương trình hợp tác mạnh mẽ nhằm khai thác công tác đổi mới của ngành quốc phòng hai nước, qua đó giải quyết những thách thức an ninh chung.
Tuyên bố chung nêu rõ hai nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định vai trò quyết định của công nghệ trong công cuộc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương, đồng thời ca ngợi những nỗ lực đang diễn ra thông qua Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET) Ấn Độ-Mỹ nhằm xây dựng các chuỗi giá trị và hệ sinh thái công nghệ mở, dễ tiếp cận, an toàn và linh hoạt, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, góp phần củng cố những giá trị chung của hai nước.
Trong tuyên bố chung, Tổng thống Biden ca ngợi nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ đã chứng tỏ rõ hơn cách thức mà Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đang mang lại những kết quả quan trọng với tư cách là một diễn đàn.
Ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ đối với một Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được cải tổ, trong đó Ấn Độ là ủy viên thường trực.
Tổng thống Mỹ Biden chúc mừng Thủ tướng Modi cùng các nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) về cuộc đổ bộ lịch sử của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng, cũng như sự kiện phóng thành công tàu vũ trụ Aditya-L1 thực hiện sứ mệnh thăm dò Mặt Trời đầu tiên của quốc gia Nam Á.
Về hợp tác giữa hai bên, Tổng thống Biden hoan nghênh Bộ Quốc phòng Ấn Độ ban hành Thư yêu cầu mua 31 máy bay không người lái General Atomics MQ-9B và các thiết bị liên quan, nhằm tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) của lực lượng vũ trang Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực.
Chia sẻ tầm nhìn về lĩnh vực viễn thông an toàn và đáng tin cậy, chuỗi cung ứng linh hoạt và hội nhập kỹ thuật số toàn cầu, Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden hoan nghênh lễ ký Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Liên minh Bharat 6G và Liên minh Next G là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác công tư giữa các nhà cung cấp và đơn vị khai thác.
Bên cạnh đó, Mỹ nhắc lại cam kết hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực lượng tử.
Hai nhà lãnh đạo cũng ca ngợi sự kiện ký kết Thỏa thuận thực hiện giữa Quỹ khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) và Cục Công nghệ Sinh học Ấn Độ nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và đổi mới sản xuất sinh học.
Tái khẳng định cam kết xây dựng chuỗi giá trị công nghệ linh hoạt và liên kết các hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng, hai nhà lãnh đạo tái cam kết chính quyền hai nước sẽ thúc đẩy các chính sách và điều chỉnh hệ thống quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ hội chia sẻ, hợp tác phát triển và hợp tác sản xuất công nghệ giữa ngành công nghiệp, các tổ chức học thuật của hai nước.
Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden hoan nghênh tiến trình giải quyết vụ tranh chấp thứ bảy và cũng là cuối cùng giữa Ấn Độ và Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).
Kết quả này diễn ra sau quá trình giải quyết chưa từng có tiền lệ đối với 6 vụ tranh chấp thương mại song phương còn tồn đọng tại WTO hồi tháng 6/2023.
Về mảng giáo dục, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các trường đại học Ấn Độ (do Hội đồng Viện Công nghệ Ấn Độ - IIT, đại diện) và Hiệp hội các trường đại học Mỹ (AAU) nhằm thành lập Viện nghiên cứu xử lý các thách thức toàn cầu Ấn Độ-Mỹ.
Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới tính trong nền kinh tế số, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ dành cho Sáng kiến Phụ nữ trong Kinh tế số.
Nhắc lại tầm quan trọng của nỗ lực loại bỏ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến bộ trong quá trình mở rộng các phương tiện di chuyển bằng điện ở Ấn Độ, bao gồm hỗ trợ chung cho cơ chế bảo đảm thanh toán được tài trợ thông qua cả quỹ công và quỹ tư nhân.
Ấn Độ và Mỹ cũng đang thúc đẩy quá trình tạo lập các nền tảng đầu tư để giảm chi phí vốn và tăng tốc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, lưu trữ pin và công nghệ xanh mới nổi ở quốc gia Nam Á./.
Ngọc Thúy (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/an-domy-ra-tuyen-bo-chung-tai-khang-dinh-moi-quan-he-doi-tac-chat-che/893296.vnp
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024