Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ, Pháp và UAE lập cơ chế hợp tác mới

Ấn Độ, Pháp và UAE lập cơ chế hợp tác mới

Đầu tháng này, Ấn Độ, Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã công bố thành lập một sáng kiến hợp tác 3 bên với trọng tâm là các lĩnh vực năng lượng, chống biến đổi khí hậu và quốc phòng.

03:00 26-02-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sáng kiến này lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp của ngoại trưởng 3 nước bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York hồi tháng 9 năm ngoái, khi các bên nhất trí sẽ thiết lập một cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của 3 quốc gia nói riêng và của toàn cầu nói chung.

Sáng kiến được cho sẽ đóng vai trò là “diễn đàn thúc đẩy thiết kế và thực hiện các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân, cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương”, tờ The Times of India cho hay. 

Trong lĩnh vực năng lượng, Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khung chuyển đổi năng lượng với Chiến lược quốc gia về lượng khí thải carbon thấp và kế hoạch đầu tư 10 năm cho ngành năng lượng (France 2030), với tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu nền kinh tế trong tương lai, đồng thời đầu tư vào các dự án không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Hiện tại, năng lượng tái tạo đáp ứng 19% nhu cầu năng lượng trong nước của Pháp trong khi năng lượng hạt nhân đáp ứng tới khoảng 70%. Do đó, thông qua cơ chế hợp tác mới, Pháp sẽ tích cực hỗ trợ Ấn Độ và UAE trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Trên lộ trình hiện thực hóa sáng kiến hợp tác 3 bên, một loạt sự kiện sẽ được tổ chức trong khuôn khổ nhiệm kỳ chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ và việc UAE đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) trong năm 2023; mở rộng hợp tác thông qua sáng kiến Liên minh rừng ngập mặn về khí hậu do UAE dẫn đầu cũng như sáng kiến đối tác công viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về bảo tồn dự trữ sinh quyển và công viên quốc gia do Ấn Độ và Pháp đứng đầu.

Các bên cũng tập trung vào những vấn đề như ô nhiễm nhựa, sa mạc hóa và đặc biệt là an ninh lương thực, trong bối cảnh năm 2023 được Đại hội đồng LHQ tuyên bố là Năm Quốc tế về Kê. Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), với khả năng sinh trưởng trên những vùng đất khô cằn, chống chọi tốt trước những biến đổi của khí hậu, loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng này là một giải pháp lý tưởng để các quốc gia tăng khả năng tự cung tự cấp, giảm phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu, nhờ đó, giúp giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Đánh giá hợp tác quốc phòng là một trụ cột hợp tác 3 bên, Ấn Độ, Pháp và UAE nhất trí nỗ lực thúc đẩy hơn nữa khả năng tương thích, cùng phát triển sản xuất quốc phòng, tăng cường hợp tác và đào tạo giữa các lực lượng vũ trang. Trên thực tế, Pháp là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí quan trọng đối với Ấn Độ và UAE. Cả New Delhi và Abu Dhabi đã đặt mua nhiều máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Căn cứ quân sự đầu tiên của Pháp ở vùng vịnh được đặt tại thủ đô Abu Dhabi của UAE.

Trong vài thập kỷ qua, Pháp cũng đã trở thành đối tác chiến lược thân thiết và đáng tin cậy của Ấn Độ. Quan hệ đối tác Ấn Độ-Pháp được coi là một hình mẫu cho hợp tác Đông-Tây, bắt nguồn từ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực với chủ nghĩa đa phương hiệu quả. Trong khi đó, quan hệ Ấn Độ-UAE cũng tích cực được củng cố. UAE là nơi sinh sống của một cộng đồng người Ấn Độ khá đông đúc. Chưa kể Ấn Độ và UAE lại cùng là thành viên nhóm I2U2 (gồm Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ-vốn được coi là nhóm Bộ tứ (QUAD) của Trung Đông).

Bên cạnh đó, trước những tác động tàn phá của đại dịch Covid-19, Ấn Độ, Pháp và UAE nhất trí tăng cường trao đổi quan điểm về các mối đe dọa mới nổi từ các bệnh truyền nhiễm, cùng các biện pháp chống lại những đại dịch trong tương lai. Song song với đó là tăng cường hợp tác trong các nền tảng đa phương như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI)...

Từ cam kết mạnh mẽ cũng như nguồn lực vật chất của Ấn Độ, Pháp và UAE, cơ chế hợp tác mới có thể đóng vai trò quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

HÀ PHƯƠNG

Cùng chuyên mục