Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ sau một thập kỷ thực hiện Đạo luật An ninh lương thực quốc gia

Ấn Độ sau một thập kỷ thực hiện Đạo luật An ninh lương thực quốc gia

Năm 2023 đánh dấu một thập kỷ kể từ khi Đạo luật An ninh lương thực quốc gia (NFSA) 2013 được ban hành. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng đói và suy dinh dưỡng vẫn là một vấn nạn ở quốc gia Nam Á và an ninh lương thực vẫn là một bài toán khó giải.

04:00 08-01-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 Cột mốc pháp lý quan trọng trong trao quyền an ninh lương thực

Với quy định cho phép hợp pháp hóa quyền tiếp cận thực phẩm của công dân, NFSA trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử văn bản pháp luật về an ninh lương thực ở Ấn Độ. Đạo luật dựa trên cách tiếp cận vòng đời bằng cách đảm bảo cho người dân tiếp cận đủ số lượng thực phẩm chất lượng với giá cả phải chăng, giúp mọi người có thể sống có phẩm giá.

Phạm vi điều chỉnh:

Có tới 75% dân số nông thôn và tới 50% dân số thành thị sẽ nhận được ngũ cốc trợ giá theo Hệ thống phân phối công có mục tiêu (TPDS). Như vậy, về cơ bản, NFSA “phủ sóng” tới 67% tổng dân số.

Người thụ hưởng và quyền lợi:

Có hai loại hình hộ gia đình được hưởng lợi theo NFSA. Đầu đầu tiên là những hộ gia đình thuộc Chương trình Antyodaya Anna Yojana (AAY), tức là những hộ được đánh giá là nghèo nhất, được nhận 35kg gạo và lúa mì/tháng với chi phí được trợ cấp cao là 3 rupee/kg gạo và 2 rupee/kg lúa mì.

Đối tượng thứ hai được nhận trợ cấp là những hộ ưu tiên: Hộ được ưu tiên nhận lương thực, thực phẩm tùy theo số lượng thành viên trong gia đình (mỗi thành viên 5kg/tháng).

Hỗ trợ dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em:

Lần đầu tiên tổ chức bữa trưa nóng hổi cho trẻ em đi học, suất cơm nấu và suất ăn mang về cho trẻ em dưới 6 tuổi, bà mẹ mang thai và đang cho con bú.

Ngoài ra, trợ cấp thai sản cho phụ nữ mang thai và cho con bú đã trở thành những quyền lợi hợp pháp chính đáng với không thấp hơn 6.000 rupee.

Đạo luật cũng thiết lập một cơ chế giám sát và cơ chế giải quyết khiếu nại.

Thực trạng sau 10 năm thi hành NFSA

Hàng năm NFSA tạo điều kiện hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng cho khoảng 92 triệu người, bao gồm 9,06 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, bà mẹ mang thai và cho con bú; khoảng 11,8 triệu trẻ em đang đi học và khoảng 82 triệu người cần được tiếp cận TPDS. Quyền trợ cấp thai sản bằng tiền mặt đạt khoảng 25.000.000 phụ nữ vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Luật, Ấn Độ vẫn có ít nhất 189 triệu người, tương đương 14% dân số, đang phải chịu nạn đói nghiêm trọng; đứng thứ 107 trong số 121 quốc gia về Chỉ số nạn đói toàn cầu công bố ngày 14.10.2022. Đây là năm thứ 22 liên tiếp, Ấn Độ bị xếp vào quốc gia có mức nạn đói “nghiêm trọng”.

Tại sao NFSA lại không đủ?

Việc ban hành NFSA cho thấy sự chuyển đổi từ “cách tiếp cận phúc lợi sang dựa trên quyền an ninh lương thực”. Câu hỏi đặt ra là tại sao Ấn Độ vẫn đối mặt với nạn đói dai dẳng và dễ bị tổn thương qua nhiều thế hệ bất chấp những điều khoản tiến bộ của NFSA? Điều này có thể được giải thích một phần bởi những bất cập vốn có trong luật cũng như quá trình thực thi luật.

Thứ nhất, NFSA đã không nhận ra được sự cần thiết của một giỏ thực phẩm đa dạng và các chiến lược khác được đề xuất trong Chính sách Dinh dưỡng Quốc gia năm 1993. NFSA cũng không công nhận các quyền lợi hợp pháp đã được thừa nhận thông qua một số sắc lệnh tạm thời.

Theo tinh thần của cách tiếp cận vòng đời, NFSA đưa ra nhiều quyền lợi nhưng chỉ giới hạn ở việc phân phối lương thực trong khi giải quyết các vấn đề sản xuất quan trọng liên quan đến nông nghiệp và phúc lợi của nông dân theo hướng tiến bộ. Ngay cả về mặt cung cấp lương thực, các quyền lợi của NFSA cũng ít hơn những lợi ích đã được nhiều chính quyền tiểu bang áp dụng.

Thứ hai, theo quy định, NFSA bao phủ tới 75% dân số nông thôn và 50% dân số thành thị của Ấn Độ. Mặc dù nhìn vào quy định thì Luật có phạm vi bao phủ đáng kể nhưng hiệu quả lại kém ở chỗ cách ước tính người hưởng lợi dựa trên số liệu Điều tra dân số năm 2011 thay vì dự báo dân số cập nhật nhất.

Thứ ba, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều bất cập do trong những năm đầu ban hành, chính quyền các bang đã phải vật lộn với các điều khoản chồng chéo NFSA và TPDS được ban hành theo Luật Hàng hóa thiết yếu năm 1955. Sự nhầm lẫn ban đầu về nên giữ lại điều khoản nào ở luật nào dẫn đến sự chậm trễ trong việc xây dựng các Quy tắc của Tiểu bang trong áp dụng NFSA. Ở hầu hết các bang, bao gồm Karnataka, Tamil Nadu và Rajasthan, cho đến nay, các Quy tắc áp dụng NFSA vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc thực thi không thống nhất.

Thứ tư, nguồn lực ngân sách chưa được cung cấp đủ. Theo một đánh giá, mức phân bổ bình quân đầu người, được tính toán trên cơ sở điều tra dân số năm 2019 không đủ để đảm bảo an ninh lương thực cho những người được thụ hưởng. Ví dụ: số tiền dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi là 1.790 rupee/năm/người. Số tiền này hoàn toàn không đủ để ngăn ngừa suy dinh dưỡng hoặc các bệnh thứ phát. Con số này càng ít hơn đối với trẻ em ở độ tuổi đi học với mức phân bổ bình quân đầu người là 523 rupee/năm. Điều này phản ánh tình trạng thiếu bữa ăn đủ chất dinh dưỡng được cung cấp tại các trường học, ảnh hưởng đến an ninh dinh dưỡng của trẻ em. Số tiền trợ cấp cho Chương trình Phúc lợi Thai sản chỉ là 63 rupee, còn cách quá xa so với quy định 6.000 rupee được đảm bảo theo Luật.

Làm thế nào để tối ưu hóa các quy định?

Bất chấp những hạn chế của NFSA, chính quyền các bang có thể tối ưu hóa các điều khoản của mình thông qua các biện pháp chủ động, đặc biệt bằng cách xây dựng các Quy tắc áp dụng của bang một cách hiệu quả và phân bổ ngân sách phù hợp để thực hiện. Bên cạnh đó, một giải pháp khả thi là thúc đẩy đưa thực phẩm được trồng tại địa phương vào hệ thống cung cấp dịch vụ, điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ.

Các quy tắc tiến bộ và toàn diện, kết hợp với việc tăng cường phân bổ ngân sách, là chìa khóa để tối ưu hóa tiềm năng của NFSA trong việc bảo vệ an ninh lương thực ở Ấn Độ.

Quốc Đạt

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục