Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Đức đàm phán về thỏa thuận tàu ngầm trị giá 5 tỷ euro

Ấn Độ và Đức đàm phán về thỏa thuận tàu ngầm trị giá 5 tỷ euro

Hai tập đoàn là Thyssenkrupp và Mazagon Dock dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ

09:00 08-06-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Đức đang đàm phán về một thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc của quốc gia Nam Á vào thiết bị quân sự của Nga và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Berlin.

Theo nguồn tin am hiểu cho biết, hôm thứ Tư (7/6), hai tập đoàn quân sự là Thyssenkrupp Marine Systems (TKMS) của Đức và Mazagon Dock Shipbuilders của Ấn Độ đã ký một biên bản ghi nhớ về kế hoạch để hai bên đấu thầu đồng sản xuất sáu tàu ngầm trị giá khoảng 5 tỷ euro.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, người đang có chuyến thăm 4 ngày tới Ấn Độ, cho biết, thỏa thuận mua bán tàu ngầm có thể là “dự án hàng đầu” đối với hai nước - mặc dù ông cho biết, có những đối thủ cạnh tranh khác đang đấu thầu hợp đồng.

Người đứng đầu đơn vị hải quân của Thyssenkrupp, Oliver Burkhard, nằm trong nhóm các giám đốc điều hành quốc phòng cấp cao của Đức đã tháp tùng ông Pistorius trong chuyến đi tới Ấn Độ.

Thỏa thuận này liên quan đến 6 tàu ngầm diesel với hệ thống đẩy không khí - có nghĩa là các tàu dưới nước có thể hoạt động yên lặng - tất cả đều sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều thứ Tư,  TKMS cho biết họ dự định đóng góp về kỹ thuật và thiết kế tàu ngầm, cũng như tư vấn về quy trình, trong khi Mazagon sẽ chế tạo và bàn giao tàu.

Hải quân Ấn Độ hiện có 4 tàu ngầm được đóng từ những năm 1980 bởi tập đoàn tiền thân của TKMS. Hai trong số các tàu ngầm được chế tạo tại Kiel, Đức, trong khi hai chiếc còn lại được sản xuất tại Mumbai theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ.

Thỏa thuận quốc phòng này sẽ được hoan nghênh ở Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng đang cố gắng thúc đẩy sản xuất quốc phòng trong nước theo động lực “bản địa hóa”. Tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Narendra Modi trong chương trình Make in India.

Cho đến nay, Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, tiếp theo là Pháp và Mỹ. Nhưng tỷ trọng nhập khẩu của nước này đang giảm khi New Delhi cố gắng đa dạng hóa các đối tác mới và tăng cường khả năng quân sự của mình trước một Trung Quốc quyết đoán hơn, nước có xung đột biên giới với Ấn Độ chưa được giải quyết. Ấn Độ nhập khẩu vũ khí và các linh kiện của Nga đã phải đối mặt với sự chậm trễ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào năm ngoái do nhu cầu vũ khí của chính Moscow.

Trong khi Đức và Ấn Độ đã hợp tác về quốc phòng từ những năm 1980, Pistorius cho biết, ông muốn mở rộng đáng kể quan hệ giữa hai nước, bao gồm cả mua sắm vũ khí.

Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh hôm thứ Ba, ông Pistorius cho biết: “Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng, càng không thể nói là quan trọng nhất đối với châu Âu và cả đối với Đức. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải đối xử với họ theo cách đó.”

Ông Pistorius gợi ý rằng, nước này nên được hưởng lợi từ các quy tắc bán vũ khí đơn giản hóa của Đức đã được áp dụng cho Nhật Bản và Úc, đồng thời đặt họ ngang hàng với các đối tác Nato của Đức khi mua vũ khí từ Ấn Độ.

Thyssenkrupp, công ty hàng đầu thế giới về tàu ngầm phi hạt nhân, vào cuối tháng 3, đã khôi phục kế hoạch lâu dài về việc bán đơn vị hải quân của mình, một số nhóm cổ phần tư nhân đã bày tỏ sự quan tâm.

 

Nguồn:

CIS

Cùng chuyên mục