Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ vs Trung Quốc: Cuộc chiến giải quyết nợ xấu

Ấn Độ vs Trung Quốc: Cuộc chiến giải quyết nợ xấu

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đang phải vật lộn với sự gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nhưng 2 gã khổng lồ Châu Á lại có chiến lược giải quyết vấn đề hoàn toàn khác nhau.

06:43 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tỷ lệ nợ xấu tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục trong một thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ này tại Ấn Độ cũng lên mức cao nhất trong 14 năm qua. Việc nợ xấu gia tăng đang khiến hệ thống tài chính của cả 2 quốc gia rơi vào bất ổn, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Tỷ lệ nợ xấu cao đang khiến nhiều doanh nghiệp của 2 thị trường này gặp khó trong việc vay vốn đầu tư sản xuất.

Cùng mục đích, khác cách làm

Trọng trách kiềm chế tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức mục tiêu là một thử thách vô cùng khó khăn với cả Trung Quốc và Ấn Độ, qua đó buộc Chính phủ 2 nước phải có những biện pháp mạnh tay nhằm buộc ngân hàng giải quyết nợ xấu và chịu một phần lỗ.

Kế hoạch này chắc chắn sẽ càng gặp khó khăn hơn khi nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu đang suy giảm, trong khi cả 2 quốc gia đều đang dựa dẫm khá nhiều vào xuất khẩu.

Chính phủ 2 nền kinh tế lớn tại Châu Á trên đã có những biện pháp cứng rắn để đối phó tình trạng nợ xấu ngành ngân hàng.

Tại Ấn Độ, Thống đốc Raghuram Rajan đã đề ra hạn chót vào tháng 3/2017 để buộc các ngân hàng giải quyết nợ xấu, qua đó thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD này.

Trong năm vừa qua, cổ phiếu ngành ngân hàng Ấn Độ có diễn biến tồi tệ nhất tại khu vực Châu Á ngoài Nhật Bản do tình hình kinh doanh yếu kém và những số liệu kết quả không khả quan.

Thống đốc Rajan muốn các ngân hàng tăng trích lập dự phòng, đổi lại Chính phủ sẽ cam kết tăng cường bơm hàng tỷ USD nhằm đảm bảo tình hình hoạt động trong hệ thống tài chính.

Tại Ấn Độ, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ của ngành ngân hàng đã đạt 11,5% tính đến tháng 9/2015.

Trái lại, Trung Quốc lại thực hiện kế hoạch chuyển đổi nợ xấu lấy cổ phần đối với ngành ngân hàng, qua đó đổi khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (155 tỷ USD) nợ xấu sang cổ phần của các công ty vay nợ.

Hình 1: Nợ xấu tại Trung Quốc

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, kế hoạch này nhằm giảm tỷ lệ vay nợ của các doanh nghiệp đối với ngân hàng, đồng thời hạ mức rủi ro trong hệ thống tài chính.

Động thái này của Trung Quốc được nhiều chuyên gia đánh giá là khá tương đồng với thời kỳ cuối thập niên 1990, khi nước này cũng phải giải quyết khoản nợ xấu khổng lồ.

Dẫu vậy, kế hoạch cụ thể của chương trình đổi nợ xấu lấy cổ phần này vẫn chưa được công bố và nhiều người vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của chúng.

Ai hiệu quả hơn?

Theo hãng Ernst&Young, Ấn Độ đang có những động thái rõ ràng và thực tế nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, trong khi tình hình tại Trung Quốc lại khá mờ mịt và khó dự đoán hơn.

Số liệu nợ xấu chính thức được Chính phủ Trung Quốc công bố là 1,67% tổng dư nợ tính đến tháng 12/2015, nhưng số liệu của một số chuyên gia phân tích lại cho rằng, con số trên phải đạt 30%.

Trong khi đó, số liệu mà Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đưa ta là 14%, không khác nhiều so với mức dự đoán 18% của hãng Credit Suisse.

Tổ chức thanh toán quốc tế (IIF) nhận định kế hoạch của Ấn Độ có vẻ khả thi hơn Trung Quốc bởi thông tin rõ ràng, chính xác hơn, đồng thời các chuyên gia và mọi người đều hiểu Chính phủ Ấn Độ định làm gì. Trong khi đó, tình hình Trung Quốc lại khá bất ổn khi thông tin nhập nhằng, thiếu chính xác, biện pháp mà Chính phủ đưa ra cũng không rõ ràng và có quá nhiều tranh cãi.

Việc 2 nước xử lý nợ xấu thế nào hiện đang thu hút của nhiều chuyên gia trên thế giới khi 2 nền kinh tế này đóng góp hơn 24% GDP toàn cầu năm 2015.

Hình 2: Đóng góp % GDP toàn cầu của Trung Quốc và Ấn Độ

Số liệu của Chính quyền Bắc Kinh cho thấy, nợ xấu của nước này đã tăng 51% lên 1,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm 2015. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 25 năm qua.

Bất chấp những thách thức trên, một số chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc không rõ ràng trong việc giải quyết nợ xấu là do hệ thống ngân hàng nước này có nhiều biện pháp có thể triển khai chống khủng hoảng.

Hệ thống tài chính nước này có tính thanh khoản khá cao với nguồn vốn lớn được hậu thuẫn bởi nhà nước, qua đó cho phép ngành ngân hàng tiếp tục cho vay dù tỷ lệ nợ xấu ở mức cao.

Bên cạnh đó, thặng dư tài khoản vãng lai khiến Trung Quốc vững tin hơn trong việc giải quyết nợ xấu, bởi ngành ngân hàng có đủ sức thu hút nguồn ngoại tệ trong nước để thanh toán các khoản giao dịch.

Trong khi Ấn Độ đang cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo rằng, rủi ro tài chính có thể cản trở đà tăng trưởng này của Ấn Độ.

Mặc dù tỷ lệ cho vay tín dụng trong 6 tháng vừa qua tại đây đã tăng lên nhưng nguồn vốn của ngành ngân hàng Ấn Độ lại khá hạn chế. Dẫu thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã được thu hẹp nhưng ngành ngân hàng vẫn rất cần nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Bất chấp kế hoạch nào sẽ thành công, cả 2 giải pháp mà Trung Quốc cũng như Ấn Độ đang thực hiện đều có những điểm yếu.

Các ngân hàng Trung Quốc phàn nàn rằng, chương trình đổi nợ lấy cổ phần không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề nợ xấu. Trong khi nhiều chuyên gia lo ngại kế hoạch của Thống đốc Rajan sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Ấn Độ.

(Theo Tri thức trẻ)

Nguồn:

Cùng chuyên mục