Bộ Quốc phòng Ấn Độ hạn chế nhập khẩu thêm 351 mặt hàng để thúc đẩy sáng kiến 'Sản xuất tại Ấn Độ'
NEW DELHI: Hôm thứ Tư (29/12) Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thông báo hạn chế nhập khẩu 351 hệ thống và linh kiện trong một khung thời gian bắt đầu từ tháng 12 năm 2022 để thúc đẩy quá trình tập trung hóa trong sản xuất quốc phòng và đảm bảo tiết kiệm ngoại hối 30 tỷ rupee một năm.
Đây là danh sách thứ ba do Bộ Quốc phòng Ấn Độ ban hành trong vòng 16 tháng qua trong nỗ lực biến Ấn Độ trở thành trung tâm phát triển và sản xuất khí tài quân sự. Bộ này đã công bố một danh sách riêng, trong đó liệt kê 2500 mặt hàng nhập khẩu đã được bản địa hóa.
Việc hạn chế nhập khẩu 351 mặt hàng - bao gồm các bộ phận như cảm biến cảnh báo tiếp cận tên lửa, đạn pháo, thuốc phóng, bộ phận điện, thùng chứa tên lửa, ống phóng ngư lôi và hệ thống điều khiển hỏa lực - sẽ có hiệu lực trong vòng ba năm tới.
Việc nhập khẩu 172 hệ thống và linh kiện sẽ bị dừng từ tháng 12 năm 2022, trong khi hạn chế đối với lô 89 mặt hàng khác sẽ có hiệu lực từ tháng 12 năm 2023. Việc nhập khẩu thêm 90 mặt hàng sẽ bị dừng từ tháng 12 năm 2024. Sau khi các hạn chế có hiệu lực, những mặt hàng này chỉ có thể được mua từ các ngành công nghiệp của Ấn Độ.
Tuyên bố chính thức cho biết: “Một danh sách bản địa hóa tích cực các hệ thống con/ tổ hợp/ tổ hợp con/ thành phần đã được Cục Sản xuất Bộ Quốc phòng thông báo, như là một phần trong nỗ lực đạt được khả năng tự chủ trong sản xuất quốc phòng và giảm thiểu nhập khẩu của Các cam kết khu vực quốc phòng (DPSU)”.
Tuyên bố cho biết thêm: “Sáng kiến Aatmanirbhar (Ấn Độ tự cường) này sẽ tiết kiệm ngoại hối khoảng tương đương 30 tỷ rupee mỗi năm".
Vào tháng 8 năm 2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ ngừng nhập khẩu 101 loại vũ khí và nền tảng quân sự như máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, tàu ngầm thông thường, tên lửa hành trình và hệ thống sonar vào năm 2024.
Một danh sách thứ hai được ban hành vào tháng 5 năm nay đã hạn chế nhập khẩu thêm 108 vũ khí và hệ thống như hệ thống cảnh báo sớm trên không, động cơ xe tăng, radar và tàu hộ tống thế hệ tiếp theo.
Các biện pháp này bổ sung cho các bước khác của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất quốc phòng. Vào tháng 5 năm 2020, hạn mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luồng tự động trong lĩnh vực quốc phòng đã được tăng từ 49% lên 74%.
Vào tháng 10, chính phủ Ấn Độ đã giải thể Ủy ban sản xuất quân giới (OFB) sau 4 thập kỷ hoạt động và hợp nhất 41 nhà máy thuộc bảy công ty nhà nước mới để sản xuất phần cứng quốc phòng từ đạn dược đến vũ khí hạng nặng và phương tiện.
Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và các lực lượng vũ trang dự kiến sẽ chi khoảng 130 tỷ USD cho việc mua sắm quốc phòng trong 5 năm tới. Chính phủ có kế hoạch giảm phụ thuộc vào phần cứng nhập khẩu và đang hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước sản xuất vũ khí và nền tảng có thể được sử dụng cho quân đội Ấn Độ và xuất khẩu sang các nước khác.
Bộ Quốc phòng đặt mục tiêu đạt doanh thu 25 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng trong 5 năm tới, bao gồm xuất khẩu trị giá 5 tỷ USD.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.hindustantimes.com/india-news/defence-ministry-restricts-import-of-351-more-items-for-make-in-india-push-101640788224912.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Tin tức 03:00 01-12-2024
Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam
Tin tức 10:00 12-12-2024
Bất chấp sóng gió, quan chức Ấn Độ thăm Bangladesh
Tin tức 10:00 09-12-2024
Ấn Độ khẳng định cam kết về quan hệ chiến lược với Nga
Tin tức 09:00 12-12-2024