Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ với các nước và khu vực (Phần 1)

Các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ với các nước và khu vực (Phần 1)

Bài viết đề cập Hiệp định Khu vực thương mại tự do (FTA), Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) đã được ký kết và thực hiện giữa Ấn Độ với các nước và khu vực.

06:26 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

Quan điểm của Ấn Độ về FTA

Ấn Độ tiến hành cải cách kinh tế vào năm 1991 và thành công từ đó đến nay. Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện kinh tế thế giới đình trệ, khó khăn, đặc biệt tăng khoảng 7% trong những năm qua. Nước này hiện xếp thứ năm trong số các nền kinh tế thế giới với 2.551 tỷ USD, sau Mỹ (GDP năm 2016 là 19.417 tỷ USD); Trung Quốc (11.795 tỷ USD); Nhật Bản (4.841 tỷ USD); Đức (3.423 tỷ USD) và Vương quốc Anh (2.497 tỷ USD).

Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ vẫn có mức độ bảo hộ khá cao. Động lực của nền kinh tế không dựa vào xuất khẩu mà dựa vào đầu tư và tiêu dùng trong nước. Trong số các nước đang phát triển, Ấn Độ được xếp hạng một trong các nước đứng đầu về sản xuất, công nghệ, dịch vụ, nông nghiệp. Tỷ trọng trong GDP năm 2016/17: nông nghiệp 17,35%; công nghiệp 28,85% và dịch vụ 53,8%.

Xuất khẩu của Ấn Độ mặc dù đã tăng khá mạnh trong các năm qua, nhưng vẫn còn rất thấp : năm 2014/2015 đạt 310,34 tỷ USD, năm 2015/2016 đạt 262,29 tỷ USD, năm 2016/2017 đạt 275,85 tỷ USD và dự kiến 2017/2017 chỉ đạt 317 tỷ USD tỷ USD, tăng 15% so với năm trước. Tỷ trọng xuất khẩu so với GDP rất thấp, tỷ trong xuất khẩu tính bình quân/người cũng tương tự (xuất khẩu/GDP năm 2016/17: 10,81%; xuất khẩu/người năm 2016/2017: 212 USD/người).

Ấn Độ hiện cũng là nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp thuế chống bán phá giá và tự vệ thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Các nước khác không dễ trong việc xâm nhập thị trường Ấn Độ.

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thuế suất ràng buộc bình quân của Ấn Độ là 48,5%, trong khi thuế thực tế áp dụng năm 2015 là 13,4% và thuế suất ràng buộc (bound tariff rate) bình quân cam kết với WTO cho nông sản là 113,5%. Hơn nữa, trong khi Ấn Độ đã cam kết với WTO về mức thuế cho nông sản, thì trên 25% thuế hàng phi nông sản vẫn ở ngoài mức ràng buộc nghĩa là không có mức thuế trần.

Mặc dù Ấn Độ công bố mục tiêu hướng đến mức thuế như của các nước ASEAN (mức bình quân khoảng 5%), nước này vẫn không giảm thuế suất hải quan cơ sở trong vài năm qua. Họ cũng vẫn duy trì mức thuế rất cao cho một số hàng hóa, bao gồm hoa (60%), cao su tự nhiên (70%), ô tô và xe máy (60 đến 70%), nho và cà phê (100%), đồ uống có cồn (150%) và hàng dệt (trên 300%). Đồng thời vẫn duy trì các loại thuế khá phức tạp đánh vào hàng nhập khẩu (thuế phụ thu, thuế phụ thu đặc biệt…).

Nhiều mức thuế ràng buộc về nông sản của Ấn Độ thuộc hàng cao nhất thế giới, từ 100 đến 300%. Trong khi nhiều suất thuế đã thấp hơn (mức bình quân cho nông sản là 32,7% năm 2015), vẫn còn nhiều rào cản thương mại đối với nông sản và thực phẩm chế biến (như cà chua, táo, dứa, đào đóng hộp, chocolate, cookies và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn sử dụng trong các quán ăn nhanh).

Mức thuế nhập khẩu trung bình đã tăng lên 13% từ mức 12% của 4 năm trước đó, chủ yếu là do tăng 3% với thuế áp dụng cho nông sản như ngũ cốc, hạt có dầu, chất béo, đường và bánh kẹo.

Trong 4 năm từ năm 2010 đến 2011, thuế bình quân với nông sản đã tăng từ 33,2% lên 36,4%, trong khi thuế hàng phi nông sản giảm từ 9,5 xuống 8,9%.

Những điều nêu trên là một trong những lý do làm cho sức cạnh tranh của kinh tế và hàng hóa Ấn Độ không cao trên thị trường thế giới.

Do đó, quan điểm của Chính phủ Ấn Độ là chú trọng FTA, CECA, CEPA song phương và khu vực để tạo điều kiện cho hàng hóa Ấn Độ thâm nhập thị trường nước ngoài, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

Các Hiệp định đã ký và thực hiện

+ Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA)

+ Hiệp định Thương mại hàng hóa Ấn Độ - ASEAN (IATIG)

+ Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ - Sri Lanka (ISFTA)

+ Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Singapore (ISCECA)

+ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Hàn quốc (IKCEPA)

+ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Nhật Bản (IJCEPA)

+ Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Malaysia (IMCECA)

Các Hiệp định đang đàm phán

+ Hiệp định Thương mại và đầu tư mở rộng Ấn Độ - EU (BTIA)  

+ Hiệp định Dịch vụ và đầu tư Ấn Độ - ASEAN (IACECA)

+ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Sri Lanka, Canada, Thái Lan (CEPA)

+ Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Thái Lan, New

   Zealand, BISMTEC, Australia, Indonesia (CECA)

+ Hiệp định đối tác và hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Mauritius (CECPA)

+ Hiệp định khu vực thương mại tự do Ấn Độ - Israel (FTA)

Nếu tính cả các Hiệp định ưu đãi thuế quan (PTA), Ấn Độ hiện là nước châu Á có số lượng hiệp định thương mại tư do và ưu đãi (FTA, CECA, CEPA, PTA…) nhiều nhất đã ký và đang thực hiện hoặc đang đàm phán với các nước và khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, trước bối cảnh các vòng đàm phán của WTO vẫn trong tình trạng trì trệ, khủng hoảng tài chính chưa có dấu hiệu dừng lại cũng như giảm sút nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và chính sách bảo hộ mậu dịch đang trở lại tại một vài nước, các thành viên của tổ chức này phải có quan điểm cứng rắn khi đàm phán về vấn đề mở cửa thị trường, thì kế hoạch của Ấn Độ thúc đẩy các mối quan hệ thương mại thông qua một số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đang giảm dần động lực.

Hiệp định thương mại tự do Nam Á (SAFTA)

Hiệp định Thương mại tự do Nam Á (South Asia Free Trade Agreement/SAFTA) được ký tại cuộc họp cấp cao Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (South Asia Association for Regional Cooperation/SAARC) tại Islamabad, Pakistan tháng 1/2004 giữa các nước thành viên Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Pakistan, Bhutan, Maldives, Afghanistan và Ấn Độ, có hiệu lực từ tháng 1/2006.

Khu vực Nam Á có 1,67 tỷ người, chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới. Tổng GDP là 3,12 ngàn tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của các nước trong khu vực chủ yếu nhằm tới các thị trường bên ngoài khối như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Đông, Đông Nam Á và Bắc Á. Mặc dù các nước thuộc khối này đã có nhượng bộ về thuế thông qua Hiệp định ưu đãi thương mại Nam Á (SAPTA), buôn bán trong nội bộ khối tăng trưởng không đáng kể, thậm chí có năm giảm sút. Các nước thành viên hy vọng SAFTA sẽ khắc phục được những mặt chưa được của SAPTA và tăng cường thương mại trong nội bộ SAARC.

Nam Á là một trong các khu vực có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2011, có khoảng 24,6% cư dân Nam Á sống dưới ngưỡng nghèo quốc tế là 1,25 USD mỗi ngày. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia tại khu vực này.

Các nước thành viên qua nhiều vòng đàm phán và nhất trí về 4 điểm : Nguyên tắc xuất xứ; Danh mục hàng nhạy cảm; Cơ chế bù đắp thiếu hụt về thuế cho các nước kém phát triển nhất (The Least Developed Contracting States - LDCs); Trợ giúp về kỹ thuật cho các nước kém phát triển nhất.

Theo Hiệp định này, các nước kém phất triển (LDCs) gồm Bangladesh, Butan, Maldives và Nepal sẽ giảm mức thuế hiện nay xuống mức 30% trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Nếu mức thuế nào thấp hơn 30% thì hàng năm sẽ giảm 5% trên cơ sở biên độ ưu đãi hàng năm trong vòng 2 năm. Mức giảm thuế kế tiếp từ 30% hoặc từ 0 - 5% sẽ được thực hiện trong vòng 8 năm, bắt đầu từ năm thứ 3 kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Các nước không thuộc diện kém phát triển nhất (Non - LDCs), gồm Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh sẽ cắt giảm mức thuế hiện nay xuống 20% trong khoảng thời gian 2 năm từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Nếu mức thuế hiện nay thấp hơn 20% thì mức cắt giảm hàng năm sẽ là 10% trên cơ sở biên độ ưu đãi trong vòng 2 năm. Mức giảm thuế kế tiếp 20% hoặc từ 0 - 5% sẽ được thực hiện trong thời hạn 5 năm (riêng với Sri Lanka là 6 năm), bắt đầu từ năm thứ 3 kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Về danh mục hàng nhậy cảm, mỗi nước sẽ duy trì Danh mục hàng nhậy cảm để bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất trong nước. Việc này tùy thuộc vào mức trần tối đa sau khi đạt được các thoả thuận linh hoạt trong các nước thành viên với các nước chậm phát triển nhất. Như vậy có nghĩa là danh mục nhậy cảm của các nước Non - LDCS sẽ ít hơn danh mục của các nước LDCs. Danh mục này sẽ được xem xét lại định kỳ sau 4 năm hoặc sớm hơn để việc cắt giảm thuế quan diễn ra nhanh hơn.

Hiện tại, Nam Á là khu vực liên kết yếu. Thương mại nội khối hiện ở mức rất thấp 23 tỷ USD năm 2016/17, chỉ chiếm 5% tổng trị giá thương mại của toàn khu vực, so với mức 25% của ASEAN. Đầu tư nội khối chưa tới 1% của đầu tư chung. Hợp tác kinh tế Nam Á đang là một trong những thách thức của khu vực mặc dù mức tăng GDP bình quân hàng năm tại đây là 7,1% trong thập kỷ qua. Điều rất quan trọng mà một vài nước Nam Á không có là niềm tin lẫn nhau, nhất là giữa Ấn Độ và Pakistan. (Xem tiếp phần 2)

* Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục