Các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Ấn Độ với các nước và khu vực (Phần 3)
Bài viết đề cập Hiệp định Khu vực thương mại tự do (FTA), Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) đã được ký kết và thực hiện giữa Ấn Độ với các nước và khu vực
Nguyễn Tuấn Quang*
CEPA Ấn Độ - Nhật Bản (IJCEPA)
Hiệp định được ký tháng 2/2011 tại Tokyo, Nhật Bản. Ngày 30/6/2011, hai nước đã có công hàm ngoại giao thông báo đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để Hiệp định có hiệu lực. Đây là CEPA thứ 3 (sau Singapore và Hàn Quốc) và CEPA thứ nhất Ấn Độ ký với một nước phát triển. Hiệp định này bao hàm gần như toàn bộ các cam kết của Ấn Độ với nước ngoài vì trên 90% thương mại, mở rộng các dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hải quan và các vấn đề liên quan đến thương mại. Theo Hiệp định, Ấn Độ chỉ chào 17,4% các dòng thuế để cắt giảm ngay lập tức xuống thuế suất 0%. Thuế suất sẽ được đưa về 0% trong vòng 10 năm đối với 66,32% các dòng thuế nhằm tạo điều kiện cho các ngành sản xuất của Ấn Độ điều chỉnh theo tiến trình tự do hóa thương mại.
Nhật Bản đưa 87% các dòng thuế vào diện giảm ngay lập tức xuống 0%. Phần lớn các dòng thuế của các mặt hàng này là hàng xuất khẩu mà Ấn Độ quan tâm: hải sản, nông sản như xoài, quả có múi, gia vị, chè hòa tan, rượu rum, whisky, vodka, sản phẩm dệt như sợi dệt, sơ, sơi tổng hợp, quần áo may sẵn, sản phẩm dầu và hóa dầu, xi măng, kim hoàn…
Danh mục loại trừ của Nhật Bản chủ yếu bao gồm gạo, lúa mỳ, dầu thực vật, sữa, đường, da và sản phẩm da. Tuy nhiên, tổng lượng thương mại thuộc danh mục loại trừ của Nhật Bản chỉ chiếm 2,93%.
Danh mục loại trừ của Ấn Độ chiếm 1.538 dòng thuế (13,26%) ITCHS, tám Digits. Phụ tùng ô tô, nông sản và các hàng nhạy cảm không nằm trong danh mục giảm thuế.
Nhật Bản áp dụng nguyên tắc đối xử không kém phần thuận lợi cho các công ty Ấn Độ muốn thành lập công ty tại nước này như đối với các công ty của chính người Nhật Bản xin đăng ký sản xuất dược phẩm. Điều này rất thuận lợi cho các công ty dược phẩm Ấn Độ. Đồng thời, lao động chuyên môn người Ấn Độ được cung cấp các dịch vụ và góp phần vào việc phát triển ngành công nghệ thông tin của Nhật Bản.
Với CEPA này, Ấn Độ được lợi từ các hoạt động đầu tư từ Nhật Bản với nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lý đẳng cấp thế giới từ các công ty, tập đoàn đến từ Nhật Bản. Và Nhật Bản có được cơ hội khai thác thị trường châu Á khổng lồ đang nổi lên với nguồn nhân lực đông đảo có chất lượng với 1,3 tỷ người tiêu dùng.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Nhật Bản năm 2016/17 là 13,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ đạt 9,93 tỷ USD năm 2016/17, giảm so với mức 12,5 tỷ USD năm 2012/13. FDI từ Nhật Bản cũng là một điểm sáng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, tăng từ 512 triệu USD năm 2006 lên 4,7 tỷ USD hiện nay, gấp đôi mức 1,7 tỷ USD năm 2013/14.
CECA Ấn Độ - Malaysia (IMCECA)
Ấn Độ và Malaysia ký Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện (India - Malaysia Comprehensive Economic Cooperation Agreement/IMCECA) tháng 2/2011, có hiệu lực từ tháng 7/2011. Các nhượng bộ về thuế được thực hiện trên cả hai phương diện là cắt thuế và giảm thuế.
IMCECA cũng tạo cơ hội thuận lợi cho các di chuyển thương nhân bao gồm những nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng và những lao động độc lập trong ngành kế toán, kiến trúc, dịch vụ kỹ nghệ, dược phẩm, nha khoa, dịch vụ máy tính và tư vấn quản trị. Lực lượng lao động chuyên nghiệp Ấn Độ như nhân viên kế toán, kỹ sự và bác sỹ sẽ được tiếp cận và hành nghề dễ dàng tại thị trường Malaysia.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, quan hệ kinh tế song phương giữa Ấn Độ và Malaysia đã có những bước tiến vững chắc trong những năm qua. Malaysia là nguồn FDI đang tăng lên với thị trường Ấn Độ. Đến tháng 12/2017, Malaysia đã đầu tư 863,15 triệu USD vào Ấn Độ.
Năm 2016/17, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 14,159 tỷ USD, tăng 10,69% so với năm 2015/16, chiếm 2,14% tổng trị giá xuất nhập khẩu của Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ xuất khẩu 5,225 tỷ USD và nhập khẩu 8,934 tỷ USD.
Ấn Độ cũng là điểm đến của du khách Malaysia. Năm 2016, có trên 300 ngàn lượt khách Malaysia thăm Ấn Độ và dự kiến con số này là 500 ngàn trong năm 2017.
Khách du lịch Ấn Độ đến Malaysia năm 2015 đạt mức kỷ lục 722 ngàn lượt. Con số này là 540 ngàn từ tháng 1 - 10/2017. Malaysia dự kiến mục tiêu thu hút 1 triệu lượt khách Ấn Độ vào năm 2020./.
Tài liệu tham khảo
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ
+ Free Trade Agreements, Frequently Asked Questions (FAQs)
http://commerce.nic.in/trade/FAQ_on_FTA_9April2014.pdf?id=9
+ Trade Statistics, Department of Commerce
http://commerce-app.gov.in/eidb/default.asp
+ FDI Statistics, Department of Industrial Policy and Promotion
http://dipp.gov.in/publications/fdi-statistics
Bộ Du lịch Ấn Độ
+ Market Research and Statistics
http://tourism.gov.in/market-research-and-statistics
* Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024