Các trường đại học cần dễ tiếp cận hơn
Nếu chúng ta có ý định tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn trong thời kỳ hậu đại dịch, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) cần phải linh hoạt và dễ tiếp cận hơn, và các chính phủ cần phải hiểu rằng, tài trợ cho khu vực đại học công là điều cần thiết để tạo ra công bằng hơn và ổn định về mặt xã hội.
Đây là thông điệp được đưa ra từ hội thảo Ngày Thế giới Tiếp cận Giáo dục Đại học (WAHED) - một hội nghị trực tuyến được điều phối từ London vào ngày 17 tháng 11 năm 2021 với tiêu đề “Ai sẽ được học Đại học vào năm 2030?”.
Lĩnh vực GDĐH đã bị đại dịch COVID-19 tàn phá, và cấu trúc của GDĐH có thể đã bị thay đổi vĩnh viễn với sự ra đời của dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, điều này tạo ra những thách thức to lớn đối với việc tiếp cận và bình đẳng trong GDĐH. Tiếp cận giáo dục có chất lượng là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG 4), nhưng điều này chủ yếu được nhìn nhận ở cấp tiểu học và trung học cơ sở hơn là GDĐH.
Giáo sư Graeme Atherton, Giám đốc Mạng lưới Cơ hội Giáo dục Quốc gia (NEON), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh và là người triệu tập WAHED 2021, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, đã nói: “Ý tưởng của WAHED là tập hợp những người tin tưởng vào nhu cầu tiếp cận và bình đẳng trong hệ thống giáo dục đại học và các trường đại học và tổ chức cá nhân cam kết giải quyết những vấn đề này”.
Sự kiện trực tuyến kéo dài năm phiên, với sự tham gia của các diễn giả đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, với phần lớn các diễn giả là nữ. Nhiều diễn giả chỉ ra rằng, GDĐH vẫn là một đặc quyền ở cả Bắc và Nam bán cầu, chỉ con cái của những người đã có bằng cấp mới có khả năng học đại học hoặc cao hơn. Do nhiều chính phủ không ưu tiên tài trợ cho các trường đại học công lập, nhiều gia đình có nền tảng kinh tế xã hội thấp hơn thậm chí không cho con theo học đại học.
Ở Brazil, chính phủ hiện tại đã cắt giảm tài trợ cho các trường đại học công lập, buộc những người trẻ tuổi phải vào các trường đại học tư thục. Giáo sư Marcelo Knobel của Đại học Universidades Estadual de Campinas cho biết: “Đây là một thách thức thực sự khi có tới 75% sinh viên đăng ký vào các trường đại học tư nhân được thành lập vì mục tiêu lợi nhuận”. Ông lưu ý thêm: “Để đảm bảo thành công trong giáo dục đại học (các trường đại học công lập) cần có những cải cách thực sự”.
Tiến sĩ Courtney Brown, Phó Chủ tịch Tác động Chiến lược, Quỹ Lumina, Mỹ, lưu ý: “Giáo dục đại học đang bị tấn công vì chi phí cao, thúc đẩy bất bình đẳng,” Nhà phân tích hệ thống giáo dục, David Cozier từ tổ chức Eurydice đồng ý khi chỉ ra rằng, dữ liệu từ châu Âu cho thấy 68% sinh viên đi học đại học có cha mẹ có bằng bằng đại học trở lên. Ông nói: “Bất bình đẳng vẫn là một đặc điểm nổi bật ở châu Âu. Bất bình đẳng cũng cần được giải quyết trong hệ thống trường học phổ thông và mầm non”.
Một báo cáo được công bố trước hội thảo WAHED lần thứ tư của Hội nghị Á Âu (ASEM) cảnh báo rằng, cần có các chính sách nhất quán và tập trung để ứng phó với tình trạng tiếp cận kém và bất bình đẳng trong GDĐH cho các nhóm yếu thế sau đại dịch COVID-19.
Dựa trên một cuộc khảo sát về chính sách tại 47 quốc gia thành viên ASEM, báo cáo cho biết chưa đến một phần ba (30%) có chiến lược công bằng giáo dục đại học cụ thể và chỉ 34% có các mục tiêu cụ thể liên quan đến tiếp cận giáo dục đại học.
Giáo sư Atherton, kết hợp với Quỹ Á Âu (ASEF), có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Ở 84% các quốc gia, COVID-19 đã có tác động đáng kể đến các chính sách liên quan đến tiếp cận công bằng và khả năng thành công”.
Trọng tâm của báo cáo cho thấy sự thay đổi so với các lập luận truyền thống thường chỉ dựa trên các nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo. Báo cáo cho thấy các gia đình khó khăn về kinh tế - xã hội và các cộng đồng bị thiệt thòi về kinh tế, cũng có thể gặp khó khăn trong việc đi học đại học. Những nhóm này cũng có thể nằm trong các cộng đồng dân tộc hoặc tôn giáo chiếm đa số. Vấn đề này cũng đề cập đến trong Mục tiêu phát triển bền vững số 10 (SDG 10) “Giảm bất bình đẳng” trong xã hội.
Một điểm được nhiều diễn giả tại WAHED nhấn mạnh là cần phát triển mối liên kết giữa học sinh năm cuối trung học và các trường đại học để các em nhận thức được cơ hội hiện có và yêu cầu đầu vào. Đây cần được xem như một vấn đề phát triển mà các bộ giáo dục sẽ cần kết hợp với các cơ quan khác để xây dựng chiến lược.
Joanna Newman, Giám đốc điều hành kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học thuộc khối Thịnh vượng chung cho biết: “Vai trò của giáo dục đại học trong sự phát triển là một lập luận chưa được chứng minh. Chúng ta cần tin rằng, những người đi học đại học không chỉ kiếm được nhiều hơn cho bản thân mà còn đóng góp cho xã hội mà họ đang sống”.
Newman lấy làm tiếc rằng các trường đại học ngày nay quan tâm nhiều hơn đến thứ hạng và cạnh tranh, điều này đã góp phần vào quan điểm coi các trường đại học như tháp ngà. Bà lưu ý: “GDĐH là một lĩnh vực chưa được lập luận chặt chẽ để chứng minh tầm quan trọng trong sự phát triển”.
Theo Maud Kamatenesi Mugisha, Phó hiệu trưởng Đại học Bishop Stuart, thách thức ở Uganda là đưa ra chương trình giảng dạy và cơ sở vật chất tốt cho việc học trực tuyến. Bà nói rằng, trong đại dịch COVID chỉ có 3 hoặc 4 trường đại học Uganda có thể dạy học trực tuyến. Mugisha lập luận: “Chúng ta cần xem xét các cấu trúc mới cho việc giảng dạy sử dụng CNTT-TT. Học tập điện tử cần phải có giá cả phải chăng đối với những người có nguồn tài chính hạn chế”.
Mugisha chỉ ra rằng, Uganda không chỉ cần mạng lưới CNTT-TT tốt mà còn cần năng lượng để cung cấp cho hệ thống. Bà đưa ra lời khuyên nên sử dụng năng lượng mặt trời: “Trong đại dịch, đôi khi 15 sinh viên ngồi cùng nhau tại một ngôi nhà có máy tính xách tay để học đại học. Tuy nhiên, còn nhiều sinh viên khác đã không được học đại học trong 2 năm vừa qua”.
Tiến sĩ Hilligje van’t Land, Tổng thư ký, Hiệp hội các trường đại học quốc tế, tin rằng, tiếp cận công bằng vào các trường đại học là yêu cầu chính của sự phát triển. Bà chỉ ra rằng, việc tài trợ cho hệ thống trường công lập tốt là điều cần thiết cho hệ thống GDĐH thành công. Bà nói: “Mỗi công dân được giáo dục tốt là tiền đề để xây dựng nền tảng công bằng xã hội”, và do đó ai sẽ được vào đại học vào năm 2030 sẽ phụ thuộc vào “chất lượng giáo dục sẵn có cho họ hiện nay”.
Brunei, Bulgaria và Malaysia đã đưa ra một số ý tưởng để giải quyết vấn đề này. Vương quốc Brunei giàu dầu mỏ ở Đông Nam Á có nhu cầu về GDĐH nhưng tỷ lệ bỏ học cao.
Để giải quyết vấn đề sinh viên bỏ học, Brunei đã phát triển chiến lược “lựa chọn sáng suốt” bằng cách đưa ra luật mới để chuẩn bị cho học sinh trung học chuyển vào đại học. Brunei cũng cung cấp thêm các khóa học GDĐH vừa học vừa làm. Anis Faudzulani Dzikiflee, Bộ Giáo dục Đại học Brunei, cho biết: “Chúng tôi muốn học sinh đưa ra lựa chọn trường đại học từ độ tuổi 15 ở trường trung học”.
Tại Bulgary, theo Tiến sĩ Ivana Radonova của Bộ Giáo dục và Khoa học, nước này đã áp dụng chính sách hợp đồng giữa sinh viên và người sử dụng lao động. Tiến sĩ Radonova giải thích: “Công ty sẽ tuyển sinh viên tốt nghiệp đáp ứng các yêu cầu của công ty. Các trường đại học biết trước các yêu cầu tuyển dụng của công ty là gì”. Bulgary cũng cho sinh viên vay tiền để học đại học và có chính sách hỗ trợ họ trả nợ sau khi tốt nghiệp.
Bà nói: “Chính sách giáo dục đại học của chúng tôi khuyến khích các trường đại học hành động có trách nhiệm với xã hội và giúp chính phủ xác định những nơi cần xây dựng các trường đại học tùy vào nhu cầu phát triển của từng địa phương”.
Ở Malaysia, nơi có tỷ lệ thanh niên theo học một số hình thức GDĐH cao, chính phủ đã có chiến lược tầm nhìn 2030 để phát triển nguồn nhân lực. Giáo sư Wan Zuhainis binte Saad, Giám đốc Bộ phận Học thuật Xuất sắc, Bộ Giáo dục Đại học, giải thích: “Chúng tôi đang giới thiệu phương pháp học tập suốt đời cho những người học phi truyền thống cùng với các lộ trình học tập linh hoạt”.
Bà nói, những chiến lược này, thông qua học tập mở và từ xa, không phải là một biện pháp tạm thời và nó là một phần của chiến lược cung cấp “mô hình khóa học đi kèm” để học tập linh hoạt. Tiến sĩ Saad nói, một hệ thống có tên là ‘EXCEL’ cũng đang được thiết kế để cung cấp “sự linh hoạt trong học tập dựa trên sở thích”
Tiến sĩ Courtney Brown, Phó Chủ tịch Tác động Chiến lược, Quỹ Lumina, Mỹ, cho rằng, các trường đại học đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch và đã tạo ra các cơ hội và mô hình tài trợ mới để tiếp cận sinh viên. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể quay trở lại những gì đã xảy ra trước năm 2019. Chúng ta cần làm việc trên các mô hình mới để tăng khả năng tiếp cận và công bằng trong GDĐH”.
Ngay cả ở Bắc Mỹ, tài trợ cho các trường đại học có thể cần được coi là một vấn đề phát triển. Brown chỉ ra rằng, ở Mỹ, khoảng 36 triệu người bỏ học mỗi năm. Ông cho biết: “Chúng tôi cần hiểu nhu cầu của sinh viên và thiết kế các khóa học cho phù hợp với họ. Điều này có thể bao gồm các khóa học buổi tối, hỗ trợ tài chính và mở ra những nơi giữ trẻ ban ngày để người trưởng thành có thể đi học và theo đuổi mô hình học tập suốt đời”. Ông lưu ý rằng, khoảng 90 triệu người trưởng thành đang đi làm ở Mỹ chưa bao giờ có ý định học đại học vì quá đắt đối với họ.
Có thể là ở Mỹ, châu Âu, châu Phi hoặc khắp châu Á, các cơ hội mới với học tập trực tuyến được tạo ra để vượt qua đại dịch, có thể làm cho GDĐH dễ tiếp cận và bình đẳng hơn. Đó có thể là quá trình học tập suốt đời được tích hợp vào nhu cầu phát triển của từng quốc gia.
Đã có 30 sự kiện WAHED song song trên toàn cầu nhằm thiết lập mạng lưới nhằm thúc đẩy các chính sách tiếp cận và bình đẳng trong GDĐH.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn
Nguồn: https://www.indepthnews.net/index.php/sustainability/quality-education/4895-universities-need-to-be-more-accessible-instead-of-a-privilege
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Sáng kiến Pariksha Pe Charcha của Ấn Độ
Đào tạo - Bồi dưỡng 11:00 22-07-2024
Công nghệ thông tin và giáo dục ở Ấn Độ
Đào tạo - Bồi dưỡng 08:00 31-01-2024