Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Ngoại thương mới toàn diện của Ấn Độ

Chính sách Ngoại thương mới toàn diện của Ấn Độ

Các chính sách mới đảm bảo rằng các nhà cung cấp nhỏ hơn, doanh nghiệp và nghệ nhân địa phương có thể tiếp cận thị trường quốc tế, do đó, biến họ trở thành một phần trong mắt xích xuất khẩu của Ấn Độ

04:37 16-04-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính sách Ngoại thương mới của Ấn Độ do Bộ trưởng Bộ Thương mại Shri Piyush Goyal công bố, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2023, tìm cách đưa Ấn Độ hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa Ấn Độ trở thành trung tâm xuất khẩu.

Do đại dịch COVID-19 và “kịch bản địa chính trị đầy biến động cho đến ngày 31.03.2023”, Chính sách Ngoại thương trước đó (2015-2020) đã được gia hạn tới năm 2023. Chính sách Ngoại thương mới của Ấn Độ là sự thay đổi từ cách tiếp cận dựa trên khen thưởng sang cách tiếp cận tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho các nhà xuất khẩu, đây là một động thái phù hợp với tầm nhìn “Atmanirbhar” (tự lực cánh sinh) của Ấn Độ.

Nhìn chung, Chính sách Ngoại thương mới rất chú trọng đến tạo thuận lợi thương mại thông qua công nghệ và số hóa, tìm cách thúc đẩy thương mại điện tử và nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu thông qua nhiều kế hoạch và biện pháp. Mặc dù Chính sách Ngoại thương mới nói chung phản ánh tham vọng của Ấn Độ trở thành trung tâm xuất khẩu và tăng thị phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng việc Chính sách Ngoại thương mới nhấn mạnh vào thương mại điện tử và 'Địa phương vươn ra toàn cầu' cũng làm nổi bật cách tiếp cận toàn diện của chính sách hiện tại.

Điểm mới trong chính sách về 'Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới trong nền kinh tế kỹ thuật số' cung cấp thông tin bổ sung cho xuất khẩu thương mại điện tử. Quá trình này được thực hiện qua các biện pháp khác nhau, bao gồm mở rộng xuất khẩu thương mại điện tử, tăng giới hạn giá trị cho xuất khẩu thông qua chuyển phát nhanh lên 1.000.000 INR (khoảng 12.200 USD) mỗi lô hàng, thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các tuyến đường bưu chính, và các kế hoạch tiếp cận và chugn tay thúc đẩy thương mại điện tử xuất khẩu.

Thị trường thương mại điện tử của Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ phát triển hơn nữa trong những năm tới. Đây là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố bao gồm sự gia tăng thâm nhập của Internet và điện thoại thông minh cũng như các hệ thống thanh toán được đơn giản hóa. Tuy nhiên, xuất khẩu thương mại điện tử vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ. Chính sách Ngoại thương 2023 có vẻ sẽ thay đổi điều này và tăng xuất khẩu thương mại điện tử của Ấn Độ bằng cách cho phép các nhà cung cấp tiếp cận thị trường quốc tế.

Chính sách đề xuất tạo ra các Trung tâm xuất khẩu thương mại điện tử (ECEH) làm trung tâm cơ sở hạ tầng kinh doanh thuận lợi và cơ sở vật chất cho các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Các trung tâm này sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho xuất khẩu, đồng thời kết nối và tận dụng các dịch vụ của các trung tâm hậu cần gần nhất.

Để tiếp cận các cơ sở này và hưởng lợi từ những sáng kiến này, chính phủ đặt mục tiêu nâng cao nhận thức bằng cách tiến hành các hoạt động tiếp cận cộng đồng và thực hiện các biện pháp phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực trong quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ khác và các đối tác tri thức.

Đặc biệt nhất, Chính sách Ngoại thương mới còn hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử thông qua đường bưu điện, nhằm mục đích vận hành 'Dak Niryat Kendras' (làm việc theo mô hình trung tâm và kết nối với Bưu điện nước ngoài) để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ dệt, thợ thủ công, các công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở nội địa và đất liền, những khu vực xa cảng biển có thể tiếp cận thị trường quốc tế”. Mô hình này sẽ cho phép các nhà cung cấp xuất khẩu từ các khu vực mà trước đây khó tham gia vào chuỗi hậu cần.

Các nền tảng thương mại điện tử dành cho xuất khẩu có thể đóng vai trò là thị trường cho phép các nhà cung cấp nhỏ, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, và nghệ nhân địa phương tiếp cận thị trường quốc tế và duy trì tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Chính sách Ngoại thương 2023 tiếp cận thương mại xuyên biên giới được kích hoạt bằng kỹ thuật số một cách toàn diện và tìm cách đưa những doanh nghiệp nhỏ trở thành một phần trong xuất khẩu của Ấn Độ.

Thứ hai, trên tinh thần 'Địa phương vươn ra toàn cầu' và 'Tiếng nói cho địa phương', Ấn Độ sẽ 'Phát triển các huyện thành trung tâm xuất khẩu' nhằm mục đích “khuyến khích các huyện trở thành trung tâm xuất khẩu bằng cách xác định các sản phẩm và dịch vụ có tiềm năng xuất khẩu trong huyện".

Ấn Độ sẽ thành lập các Ủy ban xúc tiến xuất khẩu cấp huyện (DEPC) và tạo Kế hoạch hành động xuất khẩu cấp huyện cho từng huyện, việc này có thể theo dõi trực tuyến.

Xác định hoạt động xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ ở cấp huyện và tiến hành các hoạt động tiếp cận cộng đồng, bao gồm gặp gỡ giữa người bán và người mua, hội chợ thương mại và hội thảo, có thể thu hút nhiều nhà xuất khẩu hơn. Quá trình xác định và ưu tiên hai đến ba sản phẩm/dịch vụ tiềm năng cao từ các huyện cũng có thể tăng cường cạnh tranh và đổi mới.

Những can thiệp này ở cấp huyện có thể nâng cao nhận thức và giúp những người bán hàng nhỏ tiếp cận các thị trường lớn hơn. Mặc dù một số quận ở Ấn Độ đã nổi tiếng về xuất khẩu, các biện pháp mới sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận và có khả năng thu hút các nhà xuất khẩu trước đây bị chưa được tham gia chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, Chính sách Ngoại thương mới đã công bố bốn 'Thị trấn Xuất khẩu Xuất sắc' (TEE) mới với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị và khai thác các thị trường mới. Bốn TEE mới này bổ sung cho 39 thị trấn xuất khẩu xuất sắc hiện có. Các thị trấn mới là: Faridabad (may mặc), Moradabad (hàng thủ công), Mirzapur (thảm), và Varanasi (hàng dệt thủ công)

Theo chương trình này, (i) các hiệp hội đơn vị được công nhận được cung cấp hỗ trợ tài chính theo Chương trình Sáng kiến Tiếp cận Thị trường trên cơ sở ưu tiên, cho các dự án xúc tiến xuất khẩu để tiếp thị, nâng cao năng lực và dịch vụ công nghệ, và tham quan các triển lãm/hội chợ thương mại để khám phá thêm con đường tiếp thị; (ii) Nhà cung cấp dịch vụ chung trong các lĩnh vực này sẽ được cấp phép theo chương trình mới. Những lợi ích bổ sung này sẽ thúc đẩy hơn nữa ngành thủ công mỹ nghệ và công nghiệp địa phương, từ đó hỗ trợ sinh kế của các nghệ nhân.

Các chính sách trên nêu bật những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ trong việc tiếp cận với các nhà cung cấp nhỏ hơn, doanh nghiệp và nghệ nhân địa phương. Khi Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu hàng nghìn tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ hàng năm vào năm 2030, xuất khẩu từ các nhà cung cấp nhỏ hơn và các huyện vùng sâu vùng xa cũng sẽ góp phần vào sự tăng trưởng này. Thúc đẩy xuất khẩu từ các doanh nghiệp nhỏ hơn và nghệ nhân sẽ không chỉ có tác động tích cực đến nền kinh tế mà còn đối với sinh kế của người dân.

Nhìn chung, mục tiêu của Chính sách Ngoại thương mới là biến Ấn Độ thành một đối tác thương mại đáng tin cậy, với tầm nhìn tăng tỷ trọng của Ấn Độ trong chuỗi cung ứng toàn cầu về xuất khẩu, được thúc đẩy bởi các kế hoạch của chính phủ nhằm tăng xuất khẩu cùng với các biện pháp can thiệp tích cực cho các nhà cung cấp và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Bằng cách bao trùm và trao quyền cho các nhà cung cấp địa phương, Chính sách Ngoại thương mới tìm cách biến mọi người bán trở thành một phần trong khát vọng xuất khẩu của Ấn Độ.

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/inclusive-india-the-foreign-trade-policy-2023/

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục