Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chương 2 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"

Chương 2 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ xin trân trọng giới thiệu Bản lược dịch Chương 2 cuốn sách WHY BHARAT MATTERS của tác giả Subrahmanyam Jaishankar - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

08:00 31-01-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

CHƯƠNG 2: CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VÀ BẠN

Tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống hàng ngày

Ấn Độ có tầm quan trọng với thế giới và ngược lại. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người Ấn Độ không thận trọng. Từ góc nhìn quốc gia thì thế nào được coi là chính sách đối ngoại “tốt”? Có lẽ chúng ta đã phức tạp hóa câu trả lời bởi sự nhầm lẫn giữa việc theo đuổi những lợi ích hợp lý với việc xây dựng các chính sách phức tạp. Do vậy, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn lý thuyết và chứng thực nó thông qua thực tế.

Chính sách đối ngoại “tốt” phải mang lại lợi ích cho chính bản thân mỗi người chúng ta. Nhu cầu hàng ngày của chúng ta phải được đáp ứng tốt hơn. Vì chúng ta là một tập thể cũng như một quốc gia nên an ninh quốc gia của chúng ta phải được đảm bảo. Khi điều đó được thực hiện, việc theo đuổi những khát vọng của chúng ta sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Chính sách đối ngoại, là mối liên kết với bên ngoài, sẽ cho phép chúng ta đạt được những gì chúng ta mong muốn. Đó có thể là công nghệ, tiền vốn, kinh nghiệm hoặc cơ hội việc làm. Và rõ ràng, tất cả chúng ta đều mong muốn trở nên mạnh khỏe, ưa nhìn và cảm thấy được tôn trọng.

Xét cho cùng, chính sách đối ngoại tốt phải bắt kịp các xu hướng toàn cầu và dự đoán những gì sẽ xảy ra với đất nước và người dân. Khi có sự việc bất ngờ xảy ra, chính sách đó phải ứng phó một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, chính sách đối ngoại phải truyền tải những ý định và thể hiện hình ảnh của người dân một cách tích cực. Bất kỳ chính sách nào nhằm đảm bảo những mục tiêu này đều tốt. Nó không nhất thiết phải là ý tưởng hay; nó đơn giản chỉ cần thực tế.

Hãy đặt mình vào vị trí của một sinh viên Ấn Độ tình cờ đến Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Bạn sinh viên với mong muốn tập trung vào những triển vọng giáo dục nhưng giờ đây lại đang mắc kẹt giữa cuộc xung đột nguy hiểm. Không chỉ bạn và hàng nghìn đồng bào của bạn, mà còn có hàng triệu người Ukraine đang cố gắng rời khỏi đất nước này. Việc di chuyển trong quốc gia đó rất nguy hiểm và phức tạp. Vùng biên giới thậm chí còn tệ hơn do tình trạng đông đúc và quá tải. Ở các thành phố bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, còn có những nỗi lo sợ về mối nguy hiểm đến tính mạng khi bước ra ngoài trời bởi pháo và không kích.

Vào lúc này, bạn cần trông cậy vào chính phủ để được hỗ trợ và giải thoát. Đây cũng là lúc toàn bộ bộ máy chính sách đối ngoại bắt đầu hoạt động như đã từng thực hiện trong Chiến dịch giải cứu Sông Hằng (trong đại dịch Covid). Chính sách đối ngoại đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, bao gồm cả tàu và xe buýt. Nó đã can thiệp đến cấp cao nhất của Nga và Ukraine để đảm bảo việc ngừng bắn giúp việc đi lại an toàn. Nó kết nối với các chính quyền biên giới cho phép đưa người ra khỏi biên giới. Ở thành phố Sunny, trong những trường hợp cực đoan, thậm chí nó còn đi đến các khu vực xung đột để đảm bảo hậu cần cần thiết cho sự an toàn của người dân. Khi mọi người đã rời khỏi Ukraine, nó sẽ làm việc với các chính phủ láng giềng như Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia để xây dựng các trại quá cảnh, tận dụng các sân bay và tổ chức các chuyến bay cần thiết để trở về nhà. Nhìn lại những nỗ lực, sự can thiệp và sự kết nối với nhiều cấp độ khác nhau, bắt đầu từ cấp cao nhất, tất cả đều đã biến những điều trên thành hiện thực.

Nhớ lại Kabul vào ngày 15 tháng 8 năm 2021. Bằng bất kỳ lý do nào hãy tưởng tượng rằng bạn bị mắc kẹt ở đó khi Taliban bất ngờ chiếm thành phố. Ngoài việc đi đến các thành phố bị kiểm soát bởi Taliban, có thể thấy việc trở về quê hương khó khăn đến thế nào. Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều. Rất khó khăn khi phải làm nhiều việc cùng lúc, từ việc tiếp cận căn cứ không quân của Mỹ ở vùng biên, đang bị bao vây bởi những người Afghanistan nguy hiểm và Taliban đáng ngờ, đến việc nhận sự trợ giúp phía sau của Tajik để ứng phó; tiếp cận không phận của Iran trong thời gian ngắn; và lặng lẽ tận dụng sự hỗ trợ của vùng Vịnh! Một số người được nhận chỗ ngồi trên các chuyến bay của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Mỹ), Vương quốc Anh (Anh), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Pháp. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán một cách tinh tế. Điều này có vẻ như là công tác hậu cần đặc biệt phức tạp. Nhưng còn hơn cả thế: đằng sau đó là những mối quan hệ kéo dài nhiều năm và thực sự đã mang lại hiệu quả vào thời điểm cần thiết. Điều quan trọng không kém là điều này thể hiện tính thực dụng trong chính sách cam kết đa dạng và linh hoạt của Ấn Độ.

Các chuyến bay của Chiến dịch Devi Shakti từ Kabul có thể cực kỳ khó khăn, nhưng vẫn có thể giải quyết được trong thời gian ngắn hạn. Trong các bên liên quan thì nhu cầu của Ấn Độ từ đại dịch Covid lớn hơn rất nhiều. Vande Bharat, phái đoàn đã đưa hàng triệu người Ấn Độ từ nhiều quốc gia trở về bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ, có lẽ là cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử. Việc di chuyển công dân chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thực hiện cuộc sơ tán này là tập hợp các hoạt động phức tạp bao gồm việc tổ chức, thu thập, xét nghiệm, cung cấp chỗ ở và thậm chí cung cấp thức ăn cho những người đang chờ hồi hương.

Covid bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán, sau đó lan sang Ý và các khu vực khác, điều này đòi hỏi sự tham gia chặt chẽ của chính quyền địa phương và quốc gia. Covid lan truyền đến tất cả mọi người, từ khách du lịch, sinh viên đến các chuyên gia, công nhân, thậm chí cả những người hành hương, ngư dân và thủy thủ. Nó không chỉ lan truyền ở những người Ấn Độ hồi hương. Nhiều người nước ngoài ở vùng Vịnh đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp hoặc thông qua sự can thiệp của chính quyền địa phương. Trường hợp này cũng vậy, sự cố gắng của các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao đã được đền đáp.

Một ví dụ gần đây hơn là cộng đồng người Ấn Độ bị cuốn vào cuộc xung đột dân sự vũ trang ở Sudan vào tháng 4 năm 2023. Căng thẳng có lẽ đã gia tăng trong năm qua, nhưng những người nước ngoài lại lưỡng lự không muốn rời đi cho tới khi trường hợp xấu nhất thực sự xảy ra. Trong trường hợp này, khi cuộc xung đột bất ngờ xảy ra, nó đã khiến gần 4.000 công dân Ấn Độ gặp nguy hiểm. Ngay đêm đó, Ấn Độ đã phản ứng bằng cách thiết lập trung tâm chỉ huy tại Ấn Độ để triển khai Chiến dịch Kaveri. Đồng thời, máy bay Ấn Độ đặt ở Ả Rập Saudi để thực hiện các chuyến bay ngắn hạn, trong khi đó các tàu hải quân Ấn Độ cũng được điều đến Biển Đỏ. Quá trình giải cứu cực kỳ phức tạp vì các công dân của chúng ta bị phân tán nhỏ lẻ trên khu vực rộng lớn. Trong tình hình cuộc xung đột, luật pháp và trật tự bị phá vỡ hoàn toàn và ngay cả những nhu yếu phẩm cơ bản cũng khó tiếp cận. Đại sứ quán Ấn Độ đã làm việc trong hoàn cảnh khó khăn nhất, bao gồm cả việc bị một bên tham chiến chiếm đóng trụ sở. Giải pháp lúc này là sơ tán một cách an toàn, kín đáo và nhanh chóng nhất có thể, ba mục tiêu này thường xung đột với nhau, đặc biệt dưới nhiều áp lực cá nhân và chính trị.

Nhưng ba mục tiêu này đã được thực hiện cùng nhau bởi vì sự hiện diện chính thức được cam kết trên thực địa, khả năng ngoại giao lão luyện trong hợp tác với các nước láng giềng và các nước hỗ trợ cũng như quy trình vận hành chi tiết đã được mài giũa qua nhiều năm. Các nhà ngoại giao và quân nhân của chúng ta đã thể hiện rất xuất sắc, nhưng họ thường xuyên gặp phải những rủi ro cá nhân. Chúng tôi đã chứng kiến các đối tác như Saudis, Anh và Ai Cập cùng nỗ lực để giúp đỡ nhau. Nếu có một điểm chung giữa những tình huống nguy hiểm này thì đó chính là những mối nguy hiểm lớn hơn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Và thực tế, đó là một hiện tượng khó khăn xảy ra xuyên suốt lịch sử loài người.

Khi một nhà hiền triết lần đầu tiên đưa Rama và Lakshmana đi dọn dẹp nơi ẩn náu của những con quỷ độc ác, họ gần như không nhận ra rằng cuộc gặp gỡ đó đã báo trước điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời họ. Đó là lần đầu tiên họ chạm trán với thế lực bóng tối, những thế lực mà họ còn lâu mới nắm bắt được. Thật vậy, chính Maricha, người mà Chúa Rama lần đầu vô hiệu hóa, đã quay trở lại dưới hình dạng một con nai vàng để đánh lừa chúa trong lần lưu đày sau này. Nhiều năm sau, trong giai đoạn đầu bị lưu đày, Chúa lại cam kết bảo vệ các nhà hiền triết của Sharabhanga, có lẽ Rama không biết điều này sẽ dẫn Ngài đi đến đâu.

Có rất nhiều trường hợp xảy ra trong tương lai được quyết định bởi sự đan xen của các sự kiện phức tạp, chẳng hạn như số phận của vua khỉ Vali hay vua đại bàng Jatayu. Rất ít trường hợp như Maricha cảm nhận được tương lai nhưng vẫn bất lực trong việc ngăn chặn vận mệnh. Trên thực tế, sự kiện tạo phước lành cho vua Dasaratha là một ví dụ về quyết định ngoài ý muốn dẫn đến kết quả không lường trước. Điều này cũng được thể hiện thông qua việc Ravana không tưởng tượng đến hậu quả cuối cùng của việc hắn bắt cóc Nữ hoàng Sita.

Trong thế giới hiện đại, chúng ta cũng sống với những bất ổn và hỗn loạn. Không có dự đoán nào có thể giúp chúng ta chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn phán đoán, lập kế hoạch và sẵn sàng ứng phó. Một chính phủ tốt, lấy lợi ích của công dân làm trung tâm, sẽ tự nhiên đưa ra các quy tắc, quy định, cơ chế và thực tiễn cho những tình huống bất ngờ không lường trước được. Chính phủ tốt cũng liên tục cải tiến các quy tắc, quy định dựa trên kinh nghiệm. Đó chính xác là những gì đã thay đổi trong thập kỷ qua, và nếu chúng ta nhìn lại, có thể thấy rõ rằng điều đó đã tạo ra rất nhiều sự khác biệt cho những công dân của chúng ta.

XỬ LÝ VẤN ĐỀ TOÀN CẦU

Một ví dụ song song về ngành y tế công cộng trong cùng thời kỳ này cũng mang tính giáo dục không kém. Khi làn sóng Covid đầu tiên tấn công Ấn Độ vào năm 2020, chúng ta đã tranh giành khắp thế giới để mua thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), khẩu trang và máy thở và tranh giành tại thị trường của người bán khi nhu cầu vượt xa nguồn cung. Các thành phần của ngành dược phẩm với những yêu cầu ngày càng cao cũng được săn đón rất nhiều. Ngay cả nguyên liệu làm vắc xin cũng đến từ hàng chục công ty ở nhiều quốc gia và những nguyên liệu này là nguồn kinh tế chủ lực của địa phương. Bản thân thương mại là không đủ trong những trường hợp như vậy; cần có sự liên hệ để khai thác hiệu quả và phê duyệt theo quy định. Làn sóng Covid thứ hai vào năm 2021 chứng kiến ​​sự gia tăng tương tự về nhu cầu oxy và các loại thuốc chuyên dụng từ nước ngoài. Xác định vị trí, đàm phán và ký kết hợp đồng cung cấp đã trở thành ưu tiên của ngoại giao của Ấn Độ. Và thực sự chúng ta đã phải nhún nhường để có thể nhận được điều đó. Những ví dụ này có thể là hậu quả của những tình huống đặc biệt, nhưng nó đã chứng minh một thực tế không thể phủ nhận. Đó là cuộc sống hàng ngày của chúng ta ngày càng bị ảnh hưởng bởi những thứ xảy ra ở nơi khác, dù là vấn đề hay giải pháp.

Vì vậy, trong thời gian tới, khi bạn theo dõi một chuyến thăm nước ngoài, nghe một cuộc thảo luận về một mối quan hệ quan trọng hoặc đọc được một cuộc tranh luận về lợi ích ở nước ngoài, hãy hết sức nghiêm túc. Hãy nhớ rằng điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Vấn đề chính sách đối ngoại không chỉ xảy ra trong những tình huống khó khăn. Theo nghĩa đen, nó có thể quyết định sự an toàn, công việc, chất lượng cuộc sống của bạn và như chúng tôi đã phát hiện gần đây thì nó thậm chí quyết định đến cả sức khỏe của bạn. Chính sách đối ngoại định hình những gì bạn quý trọng: niềm tự hào, giá trị, danh tiếng và hình tượng. Vì tất cả những lý do này và nhiều hơn thế nữa, bạn phải quan tâm nhiều hơn đến thế giới và hiểu điều đó có ý nghĩa gì đối với tương lai của bạn.

Hãy để chúng tôi khám phá xem chính sách đối ngoại có thể có ý nghĩa gì đối với cá nhân bạn. Nếu bạn là một sinh viên Ấn Độ thì nó thể hiện ở việc dễ dàng xin thị thực, khả năng di chuyển trong thời gian dịch bệnh Covid và có thể là cơ hội việc làm sau khi học xong. Nếu bạn là một doanh nhân, nó có thể giúp bạn tiếp cận thị trường nước ngoài, nhận thông tin về các quy định và thông lệ, đồng thời, nhận sự trợ giúp để giải quyết vấn đề khi có sự việc xảy đến. Đối với các chuyên gia và người lao động, điều này có thể được thể hiện rõ trong việc đảm bảo hợp đồng lao động công bằng, được bảo hộ mạnh mẽ hơn và có các hình thức phúc lợi trong thời điểm khó khăn. Đối với một du khách bị mắc kẹt, đại sứ quán sẽ nhiệt tình trợ giúp, kể cả là sơ tán trong những trường hợp bị đe dọa hơn.

Không chỉ ở nước ngoài bạn mới cần đến chính sách đối ngoại; nó cũng quan trọng khi ở trên chính quê hương. Khi nói đến an ninh, đối ngoại hay đối nội, ngoại giao có thể là một biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hoặc giải quyết vấn đề. Nó có thể giúp nâng cao nhận thức về mối đe dọa chung cũng như có thể tìm thấy các tác nhân chống lại những mối nguy hiểm chung. Vì vậy, nếu bạn là một người lính bảo vệ biên giới hoặc một cảnh sát đang đối mặt với chủ nghĩa khủng bố, một chính sách đối ngoại tốt sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn một chút. Tiếp đó là nền kinh tế, với việc tìm kiếm đầu tư, công nghệ và các phương pháp tiên tiến nhất, chỉ có thể được tạo ra bởi chính sách đối ngoại.

Trong mỗi lĩnh vực này, quan hệ quốc tế có thể đẩy nhanh sự tiến bộ của Ấn Độ. Những gì chính sách đối ngoại làm là mở rộng việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Cho dù có là giá dầu ăn nhập khẩu hay một chiếc điện thoại thông minh được hợp tác sản xuất, quyết định xây dựng chính sách rộng mở hơn tạo ra một số khác biệt về tài chính cho bạn. Quả thực, nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về kết quả của chính sách thì những áp lực và phản ứng xuất hiện sau cuộc xung đột Ukraine đã khiến nó không còn nghi ngờ gì nữa.

Nhưng cũng hãy nhìn lại xem những vấn đề lớn trong thời đại chúng ta, bao gồm đại dịch, khủng bố và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến chính sự tồn tại của bạn đến mức nào. Tự hỏi liệu rằng chúng ta nên có nhiều tiếng nói hơn trong việc tìm kiếm giải pháp hay không. Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là những gì các quốc gia khác nghĩ về Ấn Độ, về văn hóa và lối sống của chúng ta. Xét cho cùng, nhiệm kỳ chủ tịch G20 mang đến một cơ hội duy nhất để làm cho thế giới hiểu rõ hơn về Ấn Độ và người dân của chúng ta sẵn sàng khám phá các cơ hội ở nước ngoài hơn. Vậy thì chúng ta có nên định hình hình ảnh của mình và khẳng định ảnh hưởng dựa vào việc tường thuật? Tuy nhiên, thách thức là vừa phải khẳng định bản sắc mà không làm cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào các cuộc tranh luận và phát triển của đất nước chúng ta. Đây chỉ là một ví dụ về việc trong một thế giới ngày càng kết nối, thái độ, nhận thức và lợi ích của người khác lại có liên quan đến nhau như thế nào. Điều cần thiết hơn cả là phải nhận thức rõ ràng hơn ở trong nước rằng chính sách đối ngoại thực sự quan trọng.

NGOẠI GIAO VÀ AN NINH QUỐC GIA

Đối với tất cả các xã hội, vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu trong các ưu tiên. Điều này là rõ ràng: an ninh ảnh hưởng đến bản chất tập thể của chúng tôi. Điều này bao gồm cả khía cạnh lãnh thổ cũng như khía cạnh an toàn, luật pháp, trật tự và hạnh phúc. Các khía cạnh này thường gắn liền với nhau vì cùng nhau quyết định tinh thần và sự tồn tại của dân tộc. Ấn Độ phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài, một phần vì nhiều phần ranh giới của chúng ta chưa được giải quyết hoàn toàn. Kết quả của các cuộc tranh luận rõ ràng là một lời kêu gọi về cả quyết tâm và nguồn lực. Nhưng họ cũng yêu cầu phải tập trung năng lượng vào việc đảm bảo các vị trí tối ưu, trên thực địa cũng như trong các cuộc đàm phán. Với những hậu quả nghiêm trọng từ những khác biệt như vậy thì quan trọng phải đảm bảo hòa bình và ổn định, nếu không muốn nói là hơn thế.

Ngoại giao là một đối tác hiển nhiên của quốc phòng. Trong hầu hết trường hợp, nó là ưu tiên; đôi khi, nó cũng là phiên bản bổ sung. Suy cho cùng, hầu hết các tình huống quân sự đều kết thúc tại bàn hội nghị! Quả thực, những thành tựu của chính sách đối ngoại trong việc ổn định các khu vực lân cận là cơ sở rất lớn cho sự tiến bộ và phát triển trong nước.

Với thế giới như hiện tại, không thể hoàn toàn dựa vào lợi ích cá nhân và sự gắn kết để dự đoán hành vi của người khác, kể cả láng giềng. Cả tham vọng và cảm xúc lẫn khuynh hướng chấp nhận rủi ro của họ đều không thể đoán trước được. Ít ai có thể lường trước được mức độ suy thoái nghiêm trọng của mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc trong ba năm qua (2020-2023). Do đó, bất kỳ tổ chức nào cũng ủng hộ lập trường của mình bằng khả năng và sự răn đe.

Trách nhiệm lớn của ngoại giao Ấn Độ là đưa ra nhiều giải pháp cho những tình huống bất ngờ như vậy. Điều này có thể là việc mua các thiết bị quốc phòng và các biện pháp hỗ trợ khác; đảm bảo sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế về các chính sách và hành động của chúng ta; với mục đích giảm thiểu hoặc giải quyết các tình huống khó khăn hơn. Hãy cùng xem tất cả những điều trên đã xảy ra như thế nào trong vài năm qua.

Một thành tựu đáng chú ý của Chính phủ Modi là ký kết và thực thi Thỏa thuận Biên giới trên đất liền với Bangladesh vào năm 2015. Cùng với việc giải quyết những tranh chấp trên biển, điều này đã có tác động tích cực đến tình hình an ninh ở phía Đông. Hơn thế nữa, thỏa thuận đã mở ra những khả năng hợp tác, kết nối kinh tế cho các tiểu vùng. Những người được hưởng lợi không chỉ là Ấn Độ và Bangladesh trong lĩnh vực thương mại, du lịch hay Nepal và Bhutan mà cả các bang phía đông bắc Ấn Độ cũng được hưởng lợi ở mức độ đáng kể.

Một thách thức khác là việc phải đối mặt với Pakistan ở biên giới phía tây của chúng ta. Trên mặt trận đó, mục tiêu ban đầu của ngoại giao là vạch trần hoạt động phi pháp và hoạt động khủng bố xuyên biên giới của Pakistan. Khi cần có các hành động đáp trả, như ở Uri năm 2016 và Balakot năm 2019, chính sách ngoại giao hiệu quả sẽ đảm bảo sự thấu hiểu toàn cầu về hành động của Ấn Độ.

Đối với Trung Quốc, các cuộc đàm phán ngoại giao đang diễn ra song song với tình trạng bế tắc quân sự kể từ tháng 5 năm 2020, điều này cho thấy rằng các chính sách đối ngoại và quốc phòng thực sự có sự gắn kết chặt chẽ. Ở đây cũng vậy, giá trị của sự hỗ trợ và đánh giá cao trên toàn cầu là hiển nhiên. Việc tận dụng một thế giới đa cực được thể hiện rõ ràng nhất về mặt vũ khí và công nghệ mà lực lượng phòng thủ của chúng ta cần. Việc mua máy bay Rafale từ Pháp có thể diễn ra cùng lúc với việc mua trực thăng MH-60 hoặc máy bay P-8 từ Mỹ, hệ thống tên lửa S-400 từ Nga và bom SPICE từ Israel, nó nói lên sự nhanh nhẹn của chúng ta. Những hoạt động này thường đi kèm với các cuộc tập trận quân sự và trao đổi chính sách, điều này mang lại sự thoải mái hơn về mặt chiến lược. Nói tóm lại, ngoại giao hỗ trợ, trao quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia.

Việc này cũng xảy ra trong nước tuy nhiên nó thể hiện ít rõ ràng hơn. Sự bình yên trong các gia đình thường bị xáo trộn bởi các nhóm nổi dậy hoạt động ở khu vực lân cận. Tuy nhiên, khả năng ngoại giao lão luyện đã ngăn cản các nước láng giềng cung cấp nơi trú ẩn hoặc hỗ trợ. Đôi khi, phải mất nhiều thứ hơn thế để đạt được kết quả. Điều đó đã được chứng minh một cách thuyết phục.

Chủ nghĩa ly khai, bạo lực và chủ nghĩa chính thống cũng đã được tuyên truyền từ những nơi xa xôi, lạm dụng các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Canada và Anh đều đã chứng kiến những điều như vậy. Những điều này cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ và liên tục, vì một số người coi việc rao giảng bạo lực chống lại người khác là không trái với quyền dân chủ. Khi tranh luận và việc thuyết phục mang lại ít kết quả, các biện pháp ngoại giao cứng rắn hơn có thể được yêu cầu. Quan điểm nhất quán của chúng tôi với thông điệp rằng Ấn Độ sẽ không còn là bao cát chịu đấm trong vũ đài chính trị của các nước khác.

Các cuộc tranh cãi phải được đáp ứng bằng các lập luận, nhưng các cuộc bút chiến rõ ràng đòi hỏi một cách giải quyết kịch liệt hơn. Chủ nghĩa cực đoan và những thách thức khác đối với việc quản lý nhận được sự khuyến khích từ những người đồng cảm, dù dưới danh nghĩa xã hội dân sự hay danh tính, cũng cần có phản ứng mạnh mẽ. Một thế giới chính trị không biên giới cũng tạo ra những mối quan tâm riêng và gia tăng các hoạt động gây ảnh hưởng đến truyền thống. Có những thế lực hùng mạnh với chương trình nghị sự riêng biệt đã khuyến khích việc áp đảo các lựa chọn dân chủ. Việc không chấp nhận bất cứ điều gì khác biệt được thể hiện trong nỗ lực phi pháp hóa các quan điểm khác. Các tờ báo có uy tín cho phép các nhân vật được phê chuẩn bởi Liên hợp quốc quyền truy cập vào trang của họ hoặc các đài truyền hình nổi tiếng đang thực hiện các công việc về chính trị đều là biểu hiện cho cả tư duy và mục tiêu của họ. Việc có nhiều công cụ hiệu quả đang được sử dụng, bao gồm sức mạnh của công nghệ và ảnh hưởng của các tổ chức xã hội dân sự, khiến thách thức này trở nên đáng sợ hơn. Khi nói đến chính trị, cuộc chiến tường thuật là một cuộc tập trận lâu năm. Ấn Độ phải kiên nhẫn chứng minh rằng việc theo đuổi lợi ích quốc gia của nước này rất phù hợp với việc ủng hộ lợi ích toàn cầu. Phần lớn câu trả lời nằm ở khả năng tranh luận và tính hiệu quả của giao tiếp. Do đó, ngoại giao có trách nhiệm vừa là lá chắn vừa là thanh kiếm của một chính thể.

Các cuộc tranh luận toàn cầu gần đây về Ấn Độ có ý nghĩa đối với an ninh của chúng ta. Với tư cách là một chính thể liên bang có sự đa dạng đặc biệt như vậy, nhiệm vụ thành lập liên minh cần được coi trọng nhất trong bối cảnh của chúng ta. Tuy nhiên, những gì chúng ta nhìn thấy là những nỗ lực nhằm tăng cường sự đoàn kết, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thường bị hủy hoại bởi những luận điệu xuyên tạc. Điều đáng ngạc nhiên là những cải tiến trong quản trị, ứng dụng công nghệ và những tiến bộ trong các vấn đề nhức nhối kéo dài có thể được cho là có hại cho tự do. Ngay cả các tổ chức nổi tiếng cũng sử dụng thông tin sai lệch để theo đuổi mục đích chính đáng. Lịch sử có thể được che đậy và những sự kiện bất lợi có thể bị bỏ qua. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện ra rằng các ngân hàng phiếu bầu chính trị cũng là một thực tế vượt ra ngoài biên giới của chúng tôi. Nhất quyết bảo vệ đất nước bởi việc chống lại sự phá hoại như vậy là một cam kết phải được công nhận.

Nếu đây chỉ là một cuộc tranh luận thì có lẽ sẽ ít quan trọng hơn. Nhưng đó là một thực tế khắc nghiệt. Một số trong đó có thể mang tính ý thức hệ, nhưng cũng có tính chất cạnh tranh trong quan hệ quốc tế. Nói một cách thẳng thắn, luôn có những lợi ích cản trở một Ấn Độ hùng mạnh và thống nhất. Trong quá khứ, họ đã khai thác mọi kẽ hở mà xã hội chúng ta tạo ra: tôn giáo, ngôn ngữ, sắc tộc và tầng lớp xã hội. Ngày nay, trong một vỏ bọc khác và với những lập luận mới, họ thậm chí còn hoạt động tích cực hơn trước. Có lẽ nhiều người trong chúng ta tự hỏi tại sao chủ nghĩa ly khai ở Ấn Độ lại nhận được sự ủng hộ thường xuyên ở các khu vực nước ngoài. Về vấn đề đó, cách khủng bố nhắm vào chúng ta luôn bị phớt lờ hoặc thậm chí được hợp lý hóa. Thật vậy, tại sao một số diễn đàn nước ngoài lại dễ dàng bôi nhọ thành tích và thành tựu của chúng ta đến vậy. Nhiệm vụ của chính sách đối ngoại, khi đối mặt với những tính toán và mưu kế như vậy, là đẩy lùi mạnh mẽ ngay cả khi thúc đẩy đàm phán của chúng ta.

TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN QUỐC GIA

Vì nỗ lực hướng tới thịnh vượng là nỗ lực không ngừng của mọi xã hội nên việc hoạch định chính sách hướng tới mục tiêu này là điều đương nhiên. Biểu hiện rõ ràng nhất của điều đó là việc thúc đẩy thương mại và đầu tư. Thị trường không phải lúc nào cũng tự vận hành; trên thực tế, hầu hết mọi người đều tận dụng sự khuyến khích và tạo điều kiện. Những người mà có bất lợi về lịch sử thậm chí còn có lý do mạnh mẽ hơn để làm như vậy. Chúng tôi vẫn đang cố gắng đuổi kịp quá trình công nghiệp hóa, tiếp thu công nghệ và khả năng cạnh tranh và sẽ tiếp tục làm như vậy trong một thời gian nữa.

Tuy nhiên, chỉ xây dựng năng lực ở đất nước mình có thể là chưa đủ. Việc đảm bảo hoạt động kinh doanh ở nước ngoài cần có thông tin, kết nối mạng và khả năng tiếp cận. Có một chu trình mẫu mực đang diễn ra ở đây, theo đó hoạt động kinh tế và thương mại lớn hơn sẽ củng cố các kỹ năng, năng lực và việc làm ở quê nhà. Và điều đó lại liên tục cập nhật và kiểm tra bản chất của chúng ta. Theo nhiều cách, chính sách đối ngoại là một bài tập về khả năng cạnh tranh và các khía cạnh kinh tế của nó phản ánh trong một lĩnh vực cụ thể.

Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã đạt được những mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng mà cho đến gần đây vẫn bị coi là phi thực tế. Giờ đây, nó không chỉ là sự gia tăng đáng kể về khát vọng mà còn là sự nhận thức rõ ràng khi nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid. Cơ sở cho niềm tin này là một loạt cải cách trong sản xuất, lao động, tài chính, kỹ năng và tạo thuận lợi cho thương mại. Thêm vào đó là sự cải thiện ổn định về mức độ dễ dàng trong kinh doanh. Chính sách thương mại nước ngoài đang được giao nhiệm vụ tiếp cận thị trường và loại bỏ các rào cản thương mại. Điều này có thể được thực hiện theo cách chính thống nhưng được đẩy nhanh thông qua những hiểu biết trong đàm phán, bao gồm các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây có thể là mục tiêu nhưng ý nghĩa lớn hơn của nó đối với việc làm và sự thịnh vượng là rõ ràng.

Chính sách đối ngoại ngày càng góp phần tạo ra những năng lực mới trong nước. Ở châu Á, tất cả các nền kinh tế đang hiện đại hóa đều tập trung chủ yếu vào việc tương tác với bên ngoài nhằm thu hút vốn, công nghệ và các phương pháp thực hành tốt nhất từ nước ngoài. Nhật Bản là quốc gia tiên phong về vấn đề này trong thời Minh Trị, và Trung Quốc, sau Đặng Tiểu Bình, là quốc gia thành công nhất về mặt quy mô. Trong vài năm gần đây, Ấn Độ cũng đã áp dụng tư duy này. Chúng tôi có những ví dụ điển hình về việc những lợi ích mang lại cho mọi người từ những nỗ lực ở cấp doanh nghiệp hoặc trong các dự án quốc gia. Đó có thể là công nghệ thông tin (CNTT) hoặc sản xuất ô tô, sản xuất thực phẩm hoặc chế biến thực phẩm, tàu điện ngầm hoặc tàu cao tốc, năng lực không gian hoặc năng lượng hạt nhân: tất cả đều có thể thấy kết quả từ sự hợp tác nước ngoài.

Những thách thức mới hơn như tăng trưởng xanh và hành động vì khí hậu đã bắt đầu mở ra nhiều khả năng hơn. Các đối tác của chúng ta đã mở rộng từ các nền kinh tế công nghiệp hóa cũ sang các nền kinh tế đổi mới hơn. Tất cả điều này xảy ra nhờ khả năng của chúng ta trong việc xác định, tham gia, đàm phán và tận dụng các cơ hội quan tâm ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Chính sách đối ngoại hiệu quả nhất là chính sách tập trung và mang lại sự phát triển.

Các nguồn lực và cơ hội do sự hợp tác bên ngoài mang lại sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tự nhiên của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, dù mang lại giá trị nhưng chúng không thể thay thế được việc liên tục nuôi dưỡng những thế mạnh sâu hơn ở quê nhà. Như chúng tôi đã khám phá thông qua kinh nghiệm, sự xáo trộng về vấn đề trên có thể gây ra những hậu quả xấu.

Ba thập kỷ trước, Ấn Độ đã bắt tay vào những cải cách rất cần thiết và mở cửa nền kinh tế. Những lợi ích của việc làm như vậy là không thể tranh cãi. Tuy nhiên, mặc dù nó hiệu quả và có tính hiện đại nhưng nó đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của chúng ta. Thay vì xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, chúng ta chọn cách hội nhập và gia tăng giá trị để mang lại nhiều lợi nhuận hơn và ít tốn công sức hơn. Các dự án cơ sở hạ tầng được trao cho người khác mà không có bất kỳ nỗ lực nào để tiếp thu bài học cho ngành của chúng ta. Việc theo đuổi những lợi ích ngắn hạn như vậy khiến chúng ta mất đi tham vọng và tính chiến lược. Kết quả là, tăng trưởng kinh tế không có sự phát triển tương xứng về kỹ năng, thế mạnh và năng lực.

Trong thập kỷ qua, chúng ta đã nhận ra rằng những khẳng định về toàn cầu hóa, nếu áp dụng một cách thiếu suy nghĩ, có thể gây ra thiệt hại. Không chỉ vậy, nếu các lựa chọn kinh tế bị tách rời khỏi bối cảnh chiến lược, nó có thể đẩy đất nước vào con đường nguy hiểm. Cuộc tranh luận thực sự không phải là liệu chúng ta nên trở thành một nền kinh tế mở hay đóng. Vấn đề là chúng ta là một xã hội lấy việc làm làm trung tâm và dựa vào năng lực hay chỉ là một xã hội bị ám ảnh bởi lợi ích và hài lòng với việc trở thành một thị trường. Với sự nhảy cảm, tư duy phụ thuộc cũng đã được hợp lý hóa, ngụy trang thành tư duy toàn cầu hóa. Vận mệnh của Ấn Độ lớn hơn việc chỉ là một phần trong tương lai của những nước khác. Tăng trưởng thực tế không chỉ là tăng GDP; nó cũng liên quan đến cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, kỹ năng, tài chính và tiến bộ kinh tế xã hội. Khi chúng ta hy sinh cái sau để lấy cái trước, triển vọng dài hạn của chúng ta có nguy cơ bị xóa bỏ. Chúng ta có thể rơi vào sự bế tắc chiến lược mà không hề hay biết. Chính sách đối ngoại chắc chắn là một công cụ để thúc đẩy đường lối chiến lược của chúng ta; nó cũng là một sự bảo đảm rằng bức tranh tổng thể của chúng ta là bức tranh đúng đắn.

Trong thời đại phụ thuộc lẫn nhau và can thiệp vào nhau nhiều hơn, người ta cũng kỳ vọng rằng tất cả các quốc gia sẽ tìm cách mở rộng ảnh hưởng sâu sắc ra ngoài biên giới quốc gia của họ. Trong quá khứ, thương mại, tài chính, hoạt động quân sự và di cư là một số phương tiện để thực hiện điều đó. Ngày nay, vai trò của kết nối và hợp tác kinh tế - xã hội ngày càng trở nên nổi bật. Đây là nhận thức quan trọng đối với một quốc gia như Ấn Độ, nơi mà tầm ảnh hưởng của nó bị hạn chế bởi việc phân vùng. Khi chúng ta phát triển ở các phạm vi khác nhau, ý thức chiến lược chỉ ra rằng sự thịnh vượng của chúng ta đóng vai trò là động lực lớn hơn cho toàn bộ khu vực. Nhận thức được điều này, chính phủ Modi đã mở rộng đáng kể các sáng kiến kết nối và hợp tác với các nước láng giềng. Kết quả được thể hiện rõ ràng trong các kết nối đường bộ và đường sắt mới, đường thủy, quyền tiếp cận cảng và quá cảnh, lưới điện và dòng nhiên liệu, và đặc biệt là trong sự di chuyển của con người.

Nam Á đang trải qua một sự chuyển đổi thực sự bằng cách khuyến khích các kết quả đôi bên cùng có lợi và sự ủng hộ của các đối tác. Triển vọng Vùng lân cận là trên hết phải giải quyết thách thức này ở các vùng lân cận, giống như các chính sách song song thực hiện ở vùng lân cận mở rộng. Sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với các nước láng giềng trong thời kỳ Covid cũng phản ánh chính suy nghĩ này.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau có hạn chế và có thể bị lợi dụng một cách không công bằng khi các chuẩn mực toàn cầu bị gạt sang một bên. Do đó, việc tiếp xúc với các chính sách cạnh tranh cần được giám sát liên tục. Chúng ta không thể đảm bảo rằng tất cả những người khác sẽ làm theo luật. Vì lý do đó, với tư cách là nhà lý luận thế giới, ngoại giao cũng là tiếng nói thận trọng. Ngoại giao dự đoán và đưa ra những rủi ro và cạm bẫy ngay cả khi giải thích các cơ hội. Làm việc một cách có hệ thống và có tổ chức là một phần của việc xây dựng chiến lược. Về bản chất, chính sách đối ngoại phát triển một tầm nhìn toàn diện và có thể định hướng cho các lĩnh vực khác. Đó có thể là thương mại và công nghệ, hoặc giáo dục và du lịch. Đặc biệt, thời điểm hiện tại đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện đối với các mối quan hệ.

TIẾP CẬN NƠI LÀM VIỆC TOÀN CẦU

Ấn Độ có thể may mắn có được nguồn nhân lực khổng lồ. Nhưng khuyết điểm là không có khả năng tận dụng tối đa lợi thế đó. Giống như nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, điều đó cũng đang thay đổi. Các chiến dịch quốc gia được phát động sau năm 2014 đang giải quyết một loạt thách thức kinh tế xã hội, từ phân biệt giới tính và sức khỏe đến giáo dục, kỹ năng và việc làm. Trong giai đoạn này, hầu như mọi lĩnh vực đều có sự thay đổi do quá trình hoạch định chính sách tiến bộ. Tăng trưởng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất, thành phố thông minh và luật lao động là một trong những ví dụ đáng chú ý. Định nghĩa của chúng ta về những nhu cầu cơ bản đã thay đổi, bao gồm khả năng tiếp cận nước, điện, nhà ở và sức khỏe. Điều này gây ra hậu quả không chỉ cho tham vọng quốc gia mà còn cho xã hội toàn cầu.

Vào thời điểm mà những hạn chế về nhân khẩu học đang tác động đến các nước phát triển thì có một triển vọng là người Ấn Độ sẽ đạt được thành tựu đáng kể về nơi làm việc toàn cầu. Cho đến nay, điều đó là do chính họ tự quyết định và các nhà hoạch định chính sách phần lớn không tin vào điều này đang xảy ra. Tuy nhiên, nỗ lực phát huy nguồn vốn con người của chúng ta trên trường thế giới có thể tạo ra một loạt kết quả khác nhau.

Triển vọng việc làm của sinh viên Ấn Độ học tập tại Mỹ, Canada, Úc và Châu Âu hiện đang là vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự của chúng ta. Quan hệ đối tác về di cư và di chuyển đã được thực hiện với Bồ Đào Nha, Anh, Úc, Pháp, Đức và Ý, ngay cả khi các quốc gia châu Âu khác đang bắt đầu làm theo. Trên thực tế, trong thời kỳ bất ổn do Covid gây ra, lợi ích giáo dục của học sinh đã trở thành chủ đề được chú trọng.

Về kỹ năng, chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng những người tài năng Ấn Độ không bị phân biệt đối xử ở Hoa Kỳ, Canada, Châu Đại Dương và Châu Âu. Ở nơi họ cư trú, phúc lợi cộng đồng và các mối quan tâm về văn hóa cũng là chủ đề được chúng tôi chú ý. Tất nhiên, số lượng lớn nhất với nhu cầu lớn nhất là ở vùng Vịnh. Sức khỏe của họ là ưu tiên hàng đầu và điều đó đã được phản ánh đầy đủ trong quá trình ra quyết định. Việc sử dụng tự do Quỹ phúc lợi cộng đồng người Ấn Độ (ICWF) nói lên tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ, cũng như các chương trình đào tạo nghề và tạo cơ sở vật chất cho những người gặp khó khăn. Thỏa thuận về quyền của người giúp việc gia đình được ký với Kuwait là một minh chứng cho cam kết của chúng ta trong việc đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn ở nước ngoài. Nỗ lực lấy lại các khoản thanh toán an sinh xã hội được thực hiện ở nước ngoài cũng là một ví dụ. Quả thực, việc tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc lấy thị thực đã được quan tâm hơn nhiều trong các nỗ lực ngoại giao của chúng ta.

Trên thực tế, suy nghĩ này đã quay trở lại, bắt đầu từ việc giờ đây việc lấy hộ chiếu tại nhà trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bằng cách mở rộng các trung tâm ứng dụng lên gấp bốn lần và đơn giản hóa quy trình xác minh, khả năng đi du lịch và làm việc ở nước ngoài đã dễ dàng hơn. Ngày nay, những triển vọng mới đang mở ra cho kỹ năng của Ấn Độ nhờ các thỏa thuận được thương lượng, có thể là với Nhật Bản, Châu Âu, vùng Vịnh hay Nga. Chính sách đối ngoại đang làm cho thế giới trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều đối với người dân Ấn Độ bình thường. Và họ bắt đầu một cách tự tin hơn nhiều so với trước đây vì biết rằng chúng tôi luôn hỗ trợ họ trong những thời điểm khó khăn. Phái bộ Vande Bharat, đã đưa hàng triệu người Ấn Độ trở về trong làn sóng Covid, vừa là một lời tuyên bố về năng lực cũng như sự cam kết đối với công nhân và sinh viên, những người đi biển và khách du lịch của chúng tôi.

Những người mới bước chân vào thế giới gần đây có thể đã tăng lên về số lượng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng những người di cư cùng tham gia vào các cộng đồng để tạo ra cộng đồng hải ngoại lớn nhất trên thế giới. Điều tự nhiên là phúc lợi và lợi ích của họ có mối liên hệ sâu sắc với chính sách đối ngoại. Khi vị thế toàn cầu của Ấn Độ được nâng cao, họ cũng thu được lợi ích từ sự liên kết. Điều này hoàn toàn khác với những thành tựu mà họ có thể tự hào một cách hợp pháp trên mảnh đất nơi họ cư trú. Trong một thế giới toàn cầu hóa hơn, họ chắc chắn nổi lên như một cầu nối hiệu quả hơn với Ấn Độ. Đồng thời, một Ấn Độ tự tin cũng tự hào về những thành công của mình và không né tránh mối quan hệ hữu hình.

Ở một khía cạnh nào đó, cộng đồng người Ấn Độ hải ngoại khá độc đáo bởi vì, trái ngược với cộng đồng ở các xã hội khác, sự di chuyển của họ không bị thúc đẩy bởi tình trạng hỗn loạn ở quê nhà. Ngược lại, mối liên kết của họ với Ấn Độ đã trở nên mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc với sự lên nắm quyền của một đại diện đích thực hơn. Sự kiện năm 2014 tại Madison Square Garden (Mỹ) đánh dấu một kỷ nguyên mới về kết nối cộng đồng hải ngoại. Vai trò của nó đã đạt được giá trị lớn hơn ở cả hai bên. Đối với chính sách đối ngoại, điều này có nghĩa là có thêm một số trách nhiệm nhưng chắc chắn sẽ mang lại những nguồn hỗ trợ lớn hơn. Kết quả là, các sáng kiến liên quan đến cộng đồng người hải ngoại đã được mở rộng nhằm tăng cường mối liên kết với Ấn Độ.

Các chính sách đối ngoại tốt rõ ràng phải giải quyết các vấn đề sinh kế. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề lớn hơn cần xem xét, đặc biệt là đối với các quốc gia lớn. Ba ví dụ đương đại về mối quan tâm cấp bách toàn cầu là đại dịch, khủng bố và biến đổi khí hậu. Không một quốc gia nào có thể thực sự đủ khả năng để thờ ơ trước những thách thức này. Các nước nhỏ hơn bị ảnh hưởng thì các nước lớn hơn thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn thế. Đối với một quốc gia như Ấn Độ, ngoài những hậu quả trực tiếp thì còn có nhu cầu định hình hướng tranh luận toàn cầu. Do đó, điều này trở thành một cách thực hiện trách nhiệm cũng như tầm ảnh hưởng.

Việc kiểm tra những ghi chép gần đây về các vấn đề này mang lại một số bài học. Ấn Độ là nhân tố chính trong các cuộc thảo luận toàn cầu liên quan đến việc chống khủng bố. Nếu nhận thức về những mối đe dọa đó nhiều hơn hoặc việc chấp nhận ít hơn thì những nỗ lực của chúng ta đã tạo ra sự khác biệt không nhỏ. Về vấn đề biến đổi khí hậu, Ấn Độ không chỉ giúp đạt được sự đồng thuận ở Paris vào năm 2015 mà, trái ngược với nhiều nước khác, Ấn Độ vẫn giữ đúng cam kết của mình. Ở Glasgow vào năm 2021, những điều này thậm chí còn được nâng lên một tầm cao hơn. Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA) và Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa (CDRI) là hai ví dụ đáng chú ý về vai trò lãnh đạo của tổ chức này trong hành động vì khí hậu. Về đại dịch, việc cung cấp thuốc và vắc xin cũng như việc triển khai các đội ở nước ngoài đã nói lên nhiều điều về chủ nghĩa quốc tế của nước này.

Thập kỷ đã trôi qua, nguồn năng lượng mới trong những nỗ lực của Ấn Độ đã được thể hiện rõ ràng, đặc biệt là trong những cam kết của Thủ tướng Modi. Ngoại giao Ấn Độ đã thay đổi sâu sắc, có thể là về các chuyến thăm song phương, hội nghị thượng đỉnh đa phương, quan hệ đối tác phát triển hay mở đại sứ quán. Công dân Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp yên tâm hơn rằng mối quan tâm của họ được giải quyết và lợi ích được nâng cao.

Viếp cận chủ động hơn với nước ngoài cũng có thể mang lại lợi ích rõ ràng ở trong nước. Trên trường quốc tế, tầm quan trọng lớn hơn của Ấn Độ đang được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Một số điều đó được thể hiện rõ trong các cuộc đối thoại và chương trình nghị sự, đặc biệt là về chủ nghĩa khủng bố, tiền đen, v.v. Điều đó cũng được thể hiện rõ trong các kết quả và sáng kiến, đặc biệt là ở Paris và Glasgow về biến đổi khí hậu. Sự sẵn sàng tiến lên giúp đỡ trong các tình huống cứu trợ thiên tai và đáp ứng thách thức của Covid cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc trưng quốc gia dù là dân chủ, đổi mới, yoga, hạt kê hay Ayurveda, đã được công nhận. Trong vài năm qua, chúng tôi đã dần dần xây dựng hình ảnh của người ứng phó đầu tiên, nhà thuốc của thế giới, nguồn nhân tài, người lãnh đạo hành động vì khí hậu, đối tác phát triển và cường quốc văn hóa.

Khi 10 nhà lãnh đạo ASEAN hoặc 5 nhà lãnh đạo Trung Á tham dự trực tuyến Ngày Cộng hòa của chúng ta, 27 nhà lãnh đạo châu Âu cùng chúng ta tham gia một cuộc họp hoặc 41 nhà lãnh đạo châu Phi đến Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh, rõ ràng có điều gì đó đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Ấn Độ đã đảm nhận chức chủ tịch G20 vào thời điểm thế giới đang và tiếp tục bị phân cực mạnh mẽ. Nó đã tận dụng dịp này để tiếp cận và thu hút nhiều đối tác và lên tiếng cho miền Nam toàn cầu.

Một Ấn Độ mạnh hơn và có năng lực hơn, trung thực hơn với cội nguồn và văn hóa của mình, là nhân tố then chốt trong quá trình tái cân bằng, đặc trưng cho thế giới đương đại của chúng ta. Vào thời điểm có nhiều trung tâm quyền lực nổi lên hơn, vị trí của chúng ta trong trật tự đa cực rõ ràng được đảm bảo hơn. Trong thời đại toàn cầu hóa, tài năng, khả năng và sự đóng góp của chúng ta ngày càng có giá trị đối với phần còn lại của thế giới. Khi chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày độc lập, có lý do chính đáng để Bharat tự tin về triển vọng của nó. Nhưng để được như vậy, điều quan trọng không kém là phải nhận thức đầy đủ về những cơ hội và thách thức mà thế giới hiện nay đang đặt ra. Và chắc chắn điều đó sẽ xảy ra nếu chúng ta nhất trí cao rằng chính sách đối ngoại thực sự quan trọng đối với chúng ta.

Người dịch: Lan Anh 

Hiệu đính: Lê Thu

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục