Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ đến thánh địa "Mỹ Sơn" Việt Nam trở thành biểu tượng của sức mạnh mềm như thế nào
Sudarshan Ramabadran*
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind có chuyến thăm quan trọng tới hai quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương quan trọng là Việt Nam và Australia. Chuyến thăm Việt Nam của ông Kovind là chuyến thăm đầu tiên đến một nước ASEAN kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Ấn Độ. Chuyến đi cũng đã diễn ra ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào tháng 10 năm 2018.
Điều rất quan trọng là, Tổng thống Ấn Độ Kovind đã bắt đầu chuyến thăm từ Đà Nẵng, một nơi được cho là có kết nối lịch sử và văn minh phong phú với Ấn Độ. Đà Nẵng (Quảng Nam) nổi tiếng với di sản thế giới Mỹ Sơn, là nguồn gốc và quê hương của nền văn minh Hindu Chăm, một nền văn minh có niên đại từ 2000 năm trước, và những ngôi đền cổ liên quan đến Phật giáo. Tổng thống Ấn Độ Kovind đã chỉ ra rằng, việc Phật giáo bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ đã tăng cường hơn mối liên kết với Ấn Độ.
Cộng đồng người Chăm là một trong hơn 50 dân tộc sống trong và xung quanh biên giới Việt Nam, và họ có những đặc điểm chung rõ rệt với người Ấn Độ. Trên thực tế, một bộ phim tài liệu về Ấn Độ và Đông Nam Á do Bộ Ngoại giao Ấn Độ thực hiện đã tuyên bố rằng, cộng đồng người Chăm cũng có một phần huyết thống Tamil.
Tầm quan trọng của chuyến thăm đến Mỹ Sơn là không thể xem nhẹ vì đây là một trong những di sản Hindu hàng đầu ở Đông Nam Á. Theo UNESCO, “thánh địa Mỹ Sơn là một ví dụ đặc biệt về giao lưu văn hóa, với một cộng đồng bản địa thích ứng với những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Hindu của tiểu lục địa Ấn Độ. Vương quốc Champa là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa của Đông Nam Á, được minh họa một cách sinh động bởi những tàn tích của Mỹ Sơn”.
Trong thực tế, một số tài liệu, phim ảnh nghiên cứu về Mỹ Sơn cũng nói rằng, có hơn 70 ngôi đền tại đây với chữ khắc bằng tiếng Phạn và Chăm. Cũng có những chi tiết cho thấy một số lượng lớn các chữ khắc mô tả các sự kiện lịch sử thú vị, chẳng hạn như các cuộc chiến tranh giữa Champa và Campuchia trong thế kỷ XII. Hầu hết các kiến trúc ở Mỹ Sơn đã bị Mỹ phá hủy trong cuộc chiến ở Việt Nam. Điều thú vị là, Mỹ Sơn là nơi duy nhất trong lịch sử Việt Nam không chịu ảnh hưởng của Mỹ hay Pháp. Thật vậy, đây thật sự là một sự khởi đầu tuyệt vời cho chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Kovind đến Việt Nam, và là một sự kiện đánh dấu mối liên kết tinh thần và tình cảm chung giữa hai nước, cũng là mối liên kết văn hóa sâu sắc.
Chậm nhưng chắc chắn, Ấn Độ đã bắt đầu tạo ảnh hưởng hiệu quả thông qua các biểu tượng sức mạnh mềm của mình ở Đông Nam Á. Hiện tại, Viện Khảo cổ học của Ấn Độ (ASI) đang giúp Việt Nam bảo tồn một số ngôi đền ở Mỹ Sơn. Các quỹ tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao Ấn Độ được xem như là một phần của việc tiếp cận ngoại giao của Ấn Độ với các quốc gia như vậy, trong đó ASI, một cơ quan thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, là đơn vị thực hiện. Công trình này có thể kéo dài hàng thập kỷ và thường được các cơ quan bên thứ ba như Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO giám sát.
Trong năm 2010, với tư cách là một phần của chương trình trao đổi văn hóa Ấn Độ - Việt Nam, một nhóm hai thành viên của ASI đã đến Việt Nam để đánh giá sơ bộ nhiệm vụ bảo tồn di tích Chăm, trong đó có nhóm Di sản thế giới ở Mỹ Sơn được các triều đại Champa xây dựng từ giữa thế kỷ thứ IV và XIV. Bản ghi nhớ đã được ký vào tháng 10/2014 và dự án bắt đầu với ba nhóm đền thờ. Chúng tôi đã nghiên cứu chi tiết về các ngôi đền Hindu ở Việt Nam, các ngẫu tượng và kiến trúc của nó. Xét cho cùng, Đông Nam Á là một phần không thể thiếu trong vận mệnh Ấn Độ giáo.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Toàn cầu hóa, quản trị và năng lực cạnh tranh của Đại học Duke, “du lịch đã trở thành một hoạt động kinh tế cần thiết và phát triển nhanh, và chiếm khoảng 45% xuất khẩu dịch vụ ở các nước đang phát triển”. Nghiên cứu trên nói rằng, “Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp các sản phẩm du lịch về MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) cùng với các dịch vụ du lịch văn hóa nổi tiếng”. Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ có thể tái thắp sáng hoặc đúng hơn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho các nhà điều hành du lịch, thông qua cách tiếp cận tập trung bằng cách khai thác du lịch một cách thực chất vào các địa điểm như Mỹ Sơn, đó chính là hướng phát triển.
Tuyên bố chung giữa Ấn Độ - Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Ấn Độ đối với việc trao quyền cho cộng đồng người Chăm. Bản tuyên bố chung viết rằng, “Chủ tịch nước Việt Nam hoan nghênh phía Ấn Độ đã hỗ trợ cộng đồng Chăm, xây dựng Nhà cộng đồng Chăm, trường học và các chương trình nghiên cứu văn hóa Chăm tại tỉnh Ninh Thuận”.
Nguyên Phó Thủ tướng Việt Nam, Vũ Khoan, đã từng khẳng định rằng: “Chiều sâu của ngoại giao là văn hóa”. Điều dễ thấy tương tự là ảnh hưởng của Phật giáo, tôn giáo phát triển và chủ yếu ở Đông Nam Á; một sợi dây văn hóa xã hội và tôn giáo chung. Trên thực tế, Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ đã có một số vị trí liên quan đến Ấn Độ ở nước ngoài, và một trong số họ đến từ các trường đại học ở các nước ASEAN.
Quay lại Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ cũng có những điểm nổi bật khác. Trong một hành động nồng ấm, các sinh viên từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam cùng với các nhân viên Đại sứ quán Ấn Độ và vợ chồng họ cùng nhau hát bài hát tiếng Hindi, "Yeh dosti hum nahin todenge" (chúng ta sẽ không phá vỡ tình bạn này) trong bộ phim nổi tiếng "Sholay” tặng cho Tổng thống Ấn Độ và phu nhân Savita Kovind.
Âm nhạc không phải là cách duy nhất hướng đến trái tim của Tổng thống Ấn Độ, người đã không bỏ lỡ một cơ hội để đăng dòng tweet về ẩm thực và cà phê Việt Nam, ông cho rằng, thực tế là cả hai đang ngày càng phổ biến ở Ấn Độ. Ông nhấn mạnh rằng, người Ấn Độ thường được biết đến với thói quen uống trà; và đây là một minh chứng về chất lượng cà phê Việt Nam!
Trong khi chú ý đến sự tương đồng giữa hai nước, Tổng thống Kovind cũng lưu ý rằng, Ấn Độ và Việt Nam sắp có một năm đặc biệt, năm 2019 đánh dấu kỷ niệm sinh lần thứ 150 của Mahatma Gandhi cũng như kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Cả hai đều được coi là người cha già và chất xúc tác cho sự thay đổi ở hai quốc gia. Hồ Chí Minh và Việt Nam rất phổ biến ở Ấn Độ, đặc biệt là ở bang Tây Bengal, nơi nổi tiếng với cụm từ “Amar Naam, Tumar Naam, Việt Nam, Việt Nam”, cụm từ có dấu ấn sâu đậm và thậm chí còn vang vọng cho đến hiện nay.
Tổng thống Ấn Độ Kovind cũng nhắc đến mối liên hệ sâu sắc giữa hai nước bằng dòng tweet, “mối quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ - được kế thừa từ một trong những kết nối nhân dân lâu đời nhất ở khu vực châu Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương - là nền móng của quan hệ đối tác hai nước chúng ta”.
Trong cuốn sách “Liên kết văn hóa và văn minh giữa Ấn Độ và Đông Nam Á” do Shyam Saran biên soạn, mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Ấn Độ và khu vực ASEAN được xác định bởi câu chuyện hàng hải của Ấn Độ. Trong một chương có tựa đề là “Giao lưu văn hóa và tiếp xúc giữa Ấn Độ - Đông Nam Á: Bằng chứng từ Việt Nam”, tác giả Lê Thị Liên viết rằng: “Thương mại dọc theo hệ thống sông biển đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, chủ yếu dọc theo các hệ thống sông, bao gồm các mặt hàng như kim loại, đá quý, vỏ sò, hồng ngọc, đồ gốm tinh xảo… ”.
Trong thiên niên kỷ đã qua, người Ấn Độ đã tin vào sức mạnh của nền văn minh và đó là một khía cạnh quan trọng của bản sắc Ấn Độ. Chính tiền đề này đã cho người Ấn Độ cảm giác thân thuộc, bao dung và trung thành. Quan hệ song phương và chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng đã được xác định bằng cách ám chỉ đến mối liên kết văn minh. Trọng tâm là sự kết nối, và đó luôn là một trọng tâm lành mạnh.
Ấn Độ đã có những bước đi ý nghĩa trong việc khai thác các kết nối văn minh này, đây luôn là điểm khác biệt của quyền lực mềm Ấn Độ. Điều này không có nghĩa là sự áp đặt với các nước chiến lược quan trọng như Việt Nam hay các nước ASEAN khác, mà hoàn toàn là điều ngược lại. Chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Kovind đến các di tích văn hóa quan trọng như Mỹ Sơn đã được người dân hai nước hoan nghênh, đồng thời cũng khẳng định rằng, Ấn Độ không còn che giấu và công khai việc khai thác những công cụ sức mạnh mềm trước thế giới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
*Nghiên cứu viên cao cấp, Trưởng phòng Hành chính Trung tâm Quyền lực mềm, Quỹ Ấn Độ. Bài viết là quan điểm của riêng tác giả.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024