Cơ hội lớn của lực lượng lao động trẻ Ấn Độ
Theo số liệu của Liên hợp quốc công bố mới đây, với dân số đạt 1.425.782.975 người (tính đến ngày 14-4) Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ở vị thế này, Ấn Độ có nhiều cơ hội về sức lao động trẻ nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Lợi tức dân số
Theo tờ The Times of India của Ấn Độ, gần 40 năm trước, sự phát triển dân số của Ấn Độ được mô tả bằng những thuật ngữ như “bùng nổ dân số” và “chảy máu chất xám”-ám chỉ lực lượng lao động trẻ, lành nghề của Ấn Độ di cư sang các nước phương Tây để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với năng lực của họ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Shahabuddin Yaqoob Quraishi, nguyên thành viên Viện Quốc tế về dân chủ và hỗ trợ bầu cử (IDEA) cho rằng, hai khái niệm trên đã thay đổi theo thời gian. Ngày nay, lực lượng lao động trẻ được gọi là “nguồn nhân lực” hay “sự bùng nổ nền kinh tế” của Ấn Độ.
“Họ là giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới và là nguồn gốc của một cuộc cách mạng kinh tế mang lại 90 tỷ USD kiều hối cho đất nước”, ông Quraishi nói.
“Việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có thể báo hiệu một sự thay đổi mô hình đối với sự phát triển của Ấn Độ”, tờ The Times of India viết. Theo dữ liệu năm 2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ vào khoảng 900 triệu người. Trong khi đó, số liệu của Liên hợp quốc mới đây cho biết, có khoảng 650 triệu người Ấn Độ-chiếm gần một nửa dân số của đất nước- dưới 25 tuổi.
Lực lượng lao động trẻ mang lại tiềm năng to lớn để thúc đẩy nền kinh tế-điều mà các nhà kinh tế học thường gọi là “lợi tức dân số”. Nhóm này không chỉ trẻ mà còn rất năng động. Họ lớn lên trong nền kinh tế thị trường với khả năng tiếp cận internet và khao khát cạnh tranh trên trường quốc tế. 2/3 dân số Ấn Độ có thể truy cập internet trên điện thoại thông minh nhờ các gói dữ liệu giá rẻ. “Thế hệ trẻ Ấn Độ là nguồn lao động và người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế tri thức và mạng lưới hàng hóa”, nhà kinh tế học Ấn Độ Shruti Rajagopalan nhận định.
Hơn nữa, theo ông Quraishi, dân số lành nghề giảm trên khắp châu Âu và châu Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực, khiến lực lượng lao động trẻ Ấn Độ trở thành tài sản quan trọng về mặt chính trị và không thể thiếu. “Các quốc gia khác có thể không thích Ấn Độ nhưng họ yêu thị trường của chúng tôi”, ông Quraishi nhấn mạnh. Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 2010 đến nay, chi tiêu của người tiêu dùng ở Ấn Độ đã tăng gấp hai lần, lên 2,25 nghìn tỷ USD.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế, chuyên gia Pierre-Olivier Gourinchas nhận định, trong một năm được đánh dấu bằng sự bi quan bởi sự chững lại của các nền kinh tế, “Ấn Độ vẫn là điểm sáng”. Thậm chí, một số người còn lạc quan hơn khi nói rằng “đây là thập kỷ của Ấn Độ”. Hiện quốc gia Nam Á đang tăng cường năng lực sản xuất bằng cách thu hút các tập đoàn quốc tế như Apple và biến các thành phố nhỏ hơn như Pune và Chennai thành trung tâm sản xuất, đổi mới và công nghệ.
Cần đặt giới trẻ vào trung tâm của các chính sách
Bất chấp những lợi thế rõ ràng khi trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Chính phủ Ấn Độ cũng đối mặt với tình trạng lực lượng lao động bị thu hẹp. Theo thống kê của Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), hàng triệu thanh niên Ấn Độ cảm thấy nản lòng trước triển vọng công việc của mình. Họ chủ động từ chối làm việc, thay vào đó, họ chọn tiếp tục học tập, ở nhà hoặc sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính của gia đình. CMIE cho biết, tỷ lệ thất nghiệp cao của Ấn Độ dao động ở mức 7-8% trong năm 2022, tăng từ mức 5-6% năm 2021.
Theo một báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, Ấn Độ sẽ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030. Để thu hút lực lượng lao động trẻ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ Ấn Độ cần đầu tư theo “cách thức có thời hạn” để những người trẻ tuổi làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. “Để tận dụng "lợi tức dân số", Chính phủ Ấn Độ cần đặt giới trẻ vào trung tâm các chính sách của mình cũng như đầu tư vào bình đẳng cho phụ nữ và phát triển kinh tế”, bà Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ nhấn mạnh.
BÌNH NGUYÊN
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024