Cú hích ở Trung Đông
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16-8/2015 bắt đầu chuyến thăm chính thức các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Đây là chuyến thăm lịch sử đầu tiên trong vòng 34 năm qua của một Thủ tướng Ấn Độ tới UAE và được đánh giá rất quan trọng, nhằm tạo cú hích cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chủ chốt, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư…
Về đối ngoại, trước nay, các nước phương Tây thường đánh giá chính sách đối ngoại của New Delhi đối với khu vực Trung Đông thông qua mối quan hệ Ấn Độ - Iran mà không để ý lắm tới sự gắn bó thực chất giữa Ấn Độ với các quốc gia vùng Vịnh và Israel. Quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh đã được tăng cường trong những năm qua. Theo Diplomat, Ấn Độ muốn đảm bảo nguồn cung năng lượng và củng cố quan hệ kinh tế cũng như thương mại với các nước vùng Vịnh. Đồng thời, các nước vùng Vịnh cũng ủng hộ chính sách Hướng Đông của cường quốc châu Á này bởi khi Ấn Độ thực thi chính sách này, họ sẽ có cơ hội thực chất hóa hơn mối quan hệ với Ấn Độ so với quá khứ.
Về kinh tế, mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước vùng Vịnh được các chuyên gia coi là mối quan hệ có đi - có lại - cùng thắng. UAE là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ, với kim ngạch đạt hơn 30 tỷ USD trong năm 2013-2014, trong khi đó, cộng đồng Ấn kiều chiếm tới 30% tổng dân số UAE. Vì vậy, Ấn Độ tăng cường sự hiện diện cũng như vai trò tại Trung Đông dựa vào 3 lợi ích: Trước tiên, hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn là điểm đến ưu tiên của đầu tư Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ đang khuyến khích các nước GCC đầu tư trở lại vào nước này. New Delhi hy vọng, các nước trong GCC như Saudi Arabia, UAE và Oman sẽ tham gia vào việc mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này. Với nhu cầu ngày càng tăng về phát triển cơ sở hạ tầng, Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn đầu tư lớn từ vùng Vịnh, một nguồn tài chính tiềm năng do giá dầu đang có xu hướng tăng trở lại. Thứ đến, năng lượng rõ ràng là động lực trong quan hệ Ấn Độ và các nước vùng Vịnh. Saudi Arabia, Kuwait, Oman và UAE là những nguồn cung dầu mỏ chính, còn Qatar là nhà cung cấp độc quyền khí gas tự nhiên của Ấn Độ. Hơn nữa, việc nhiều lần Iran thất hứa trước cam kết dầu khí với Ấn Độ và việc Ấn Độ bỏ phiếu chống lại Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ truyền thống này và khiến New Delhi đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình. Cuối cùng, cộng đồng người Ấn là cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại các nước GCC với khoảng 7 triệu người. Tính riêng ở UAE, có khoảng 2,6 triệu lao động người Ấn chiếm khoảng 30% dân số UAE. Lao động Ấn Độ cũng hiện diện khá đông ở Bahrain, Oman và Qatar. Hàng năm, kiều hối từ các nước vùng Vịnh chuyển về Ấn Độ lên tới 6 tỷ USD, lượng tiền này đã góp phần đáng kể vào sự hồi sinh của nền kinh tế Ấn Độ trong những năm qua. New Delhi đang theo đuổi nhiều thỏa thuận nhân lực với các nước vùng Vịnh để giúp lao động Ấn Độ tại những nước này. Ngoài ra, hải quân Ấn Độ cũng có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân các nước vùng Vịnh thông qua việc tiến hành các cuộc tuần tra chung chống cướp biển tại Vịnh Aden, Ấn Độ Dương.
(Theo http://www.sggp.org.vn/)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024
"Thời khắc quan trọng" trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn Độ
Tin tức 11:00 25-08-2024