Cuộc tập trận "Bộ tứ +" đầu tiên ở Ấn Độ - Thái Bình Dương
Các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Pháp tham gia tập trận hải quân La Perouse kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 5/4/2021 ở vịnh Bengal. Đây cũng là cuộc tập trận đầu tiên giữa các nước nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm vào tháng trước.
Mở rộng hiện diện trong khu vực
Tất cả 4 quốc gia nhóm "Bộ tứ" từng tham gia cuộc tập trận Malabar do Ấn Độ dẫn đầu vào tháng 11/2020. Các nhà phân tích nhận định, cuộc tập trận mới nhất có sự tham gia của Pháp sẽ trở thành cuộc tập trận "Bộ tứ +" mà 4 nước có thể sử dụng như một kế hoạch chi tiết để hợp tác hơn nữa với các quốc gia khác. Cuộc tập trận La Perouse năm 2019 do Pháp dẫn đầu có sự tham gia của Australia, Nhật Bản và Mỹ nhưng không có Ấn Độ.
Trong thông cáo tuần trước, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ gọi La Perouse là "cuộc tập trận quy mô lớn của 5 nước" và cuộc tập trận này "tạo cơ hội cho 5 lực lượng hải quân cấp cao, cùng chí hướng tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn, tăng cường kỹ năng và thúc đẩy hợp tác hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày mở rộng hơn nữa sự hiện diện của nhóm "Bộ tứ" trong khu vực sau khi mỗi nước trong nhóm trong tuần qua có ít nhất một cuộc tập trận quân sự song phương với ít nhất một đối tác "Bộ tứ" khác.
Ngày 28-29/3/2021, không quân và hải quân Ấn Độ đã tham gia cuộc tập trận với các tàu chiến của hải quân Mỹ ở vịnh Bengal. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có 2 cuộc tập trận song phương riêng biệt với tàu chiến của hải quân Australia ở Biển Đông từ ngày 29-31/3/2021 và cuộc tập trận ngày 29/3/2021 với tàu chiến của hải quân Mỹ ở biển Hoa Đông.
Thông điệp khích lệ hợp tác
Phó đề đốc hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu R.S. Vasan - Giám đốc Trung tâm Chennai về nghiên cứu Trung Quốc - đánh giá, việc Ấn Độ lần đầu tham gia La Perouse cho thấy sự sẵn sàng mới của nước này trong tham gia các hoạt động đa phương mà Bắc Kinh có thể thận trọng. Theo ông, kể từ tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc năm ngoái, cách tiếp cận của New Delhi đã thay đổi.
Thời điểm của cuộc tập trận La Perouse cũng được đánh giá là đáng lưu ý khi diễn ra sau hoạt động tiếp cận lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong khu vực khi Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin công du Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó đến New Delhi, gọi Ấn Độ là “đối tác ngày càng quan trọng”. Ông cũng cho biết Mỹ và Ấn Độ đã đồng ý theo đuổi “hợp tác tăng cường” ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông Collin Koh Swee Lean - nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) có trụ sở tại Singapore - cho biết, cuộc tập trận La Perouse "chắc chắn có ý nghĩa" nếu các nước quyết định chuyển nó thành một sự kiện thường xuyên. “Nếu cuộc tập trận này diễn ra tốt đẹp có thể trở thành một dấu hiệu đáng khích lệ cho các nước khác trong khu vực không thuộc nhóm Bộ tứ xem xét các hoạt động hợp tác tương tự với nhóm Bộ tứ" - ông nói.
Theo chuyên gia Collin Koh Swee Lean, cuộc tập trận La Perouse cũng có thể được thiết kế để thuyết phục các quốc gia khác không thuộc nhóm "Bộ tứ" tham gia vào các thỏa thuận tương tự. Ông chỉ ra, một số quốc gia Đông Nam Á có thể trong danh sách tiềm năng trở thành đối tác "Bộ tứ +" hoặc hợp tác với các nước "Bộ tứ" ở cấp độ song phương.
SCMP nhận định, cuộc tập trận La Perouse cũng tiết lộ cách các cường quốc Châu Âu xây dựng chiến lược để duy trì hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi họ có lợi ích kinh tế. Đức và Anh tuyên bố sẽ gửi tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay, trong khi Pháp, Đức và Hà Lan đang dẫn đầu trong soạn thảo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên minh Châu Âu.
Sau La Perouse, Pháp sẽ cùng Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương khác, cuộc tập trận “Varuna” ở biển Arab.
THANH HÀ
https://laodong.vn/the-gioi/cuoc-tap-tran-bo-tu--dau-tien-o-an-do-thai-binh-duong-895984.ldo
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Tin tức 03:00 01-12-2024
Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam
Tin tức 10:00 12-12-2024
Bất chấp sóng gió, quan chức Ấn Độ thăm Bangladesh
Tin tức 10:00 09-12-2024
Ấn Độ khẳng định cam kết về quan hệ chiến lược với Nga
Tin tức 09:00 12-12-2024