Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với cam kết về giáo dục và học thuật: Đào tạo chất lượng cao về Ấn Độ học ở Việt Nam (Phần 1)

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với cam kết về giáo dục và học thuật: Đào tạo chất lượng cao về Ấn Độ học ở Việt Nam (Phần 1)

04:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS. TS. Đỗ Thu Hà*

Khát khao được sống trong hòa bình và hài hòa với vũ trụ, vốn là phần tinh túy trong văn hóa Ấn Độ. Trong hàng ngàn năm lịch sử, Ấn Độ chưa bao giờ tấn công quốc gia nào khác. Ấn Độ ảnh hưởng tới các vùng miền khác trên thế giới không qua chinh phục hay chiến tranh mà đó là ảnh hưởng hòa bình, thông qua tôn giáo, triết lý và dựa trên những nguyên lý cùng tồn tại. Nó lan tỏa thông qua thương mại và trao đổi ý tưởng. Điều này hoàn toàn đúng khi xét đến mối liên hệ giữa khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, với Ấn Độ.

Khi Ấn Độ và Việt Nam cùng chiến đấu vì độc lập, các nhà lãnh đạo của các phong trào như cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên hệ trực tiếp với nhau. Từ trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cho Nehru:

“Muôn dặm xa xôi, chưa từng gặp mặt,

Nhưng mối giao cảm sâu xa đã sẵn trong chỗ không lời.”

Mặc dù những vần thơ này được thốt ra trong bối cảnh hai đất nước đang đấu tranh, chiến đấu cho độc lập, thoát khỏi ách cai trị thực dân, nó vẫn luôn có sự liên quan tương xứng với liên hết văn hóa, văn minh giữa hai quốc gia. Vì lý do này, văn hóa, giáo dục và đào tạo vẫn luôn là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác phát triển của Ấn Độ với Việt Nam trong thời hiện đại.

Mối liên hệ về lịch sử và văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam vốn có từ nhiều thế kỷ trước. Những điều đó có thể thấy rành rành trong tập quán thực hành Phật giáo ngày nay ở cả Ấn Độ và Việt Nam. Những công trình Chăm-pa tuyệt đẹp ở Mỹ Sơn, Nha Trang, Phú Yên và những địa điểm khác ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, đều kể nên những câu chuyện về mối liên kết lịch sử cổ đại của hai nước. Ẩm thực và cách sử dụng các loại gia vị trong các món ăn Việt Nam cũng có những ảnh hưởng nhất định từ Ấn Độ.

Trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử và xã hội Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi một số nhân tố bên ngoài. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua một vài cuộc chiến tranh, với 18 cuộc xâm lăng lớn. Điều khiến cho mối liên hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam khác với những ảnh hưởng từ nước ngoài khác đó là sự thực rằng mối liên hệ này hoàn toàn HÒA HẢO; nó có được từ giao thương, văn hóa, tôn giáo, triết lý cùng tồn tại hữu hảo và phi bạo lực. Chưa bao giờ từng có mâu thuẫn. Điều đó, theo quan điểm của tôi, là đặc điểm quan trọng nhất trong các quan hệ từ cổ đại của chúng ta. Có lẽ chính là nhờ nền tảng hòa hảo mạnh mẽ này, mà mối quan hệ 2 nước vẫn được tăng cường trong thời hiện đại và ngày càng trở nên vững mạnh hơn.

Như chúng ta đã biết, năm 2018 là một năm đặc biệt, có tính bước ngoặt trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Kovind và phu nhân diễn ra khi quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Ấn ngày càng phát triển sâu rộng.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam từ ngày 18 đến 20/11 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Tổng thống Kovind dự kiến đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng trước khi ra Hà Nội. Lễ đón chính thức diễn ra tại Phủ Chủ tịch sáng 20/11, sau đó Tổng thống Ấn Độ sẽ hội đàm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngài Ram Nath Kovind, 72 tuổi, được bầu làm Tổng thống thứ 14 của Ấn Độ vào tháng 7/2017. Ông từng là thượng nghị sĩ ở hai bang Uttar Pradesh và Bihar trước khi trở thành thống đốc bang Bihar tháng 8/2015.

Chuyến thăm của Tổng thống Kovind diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ thiết lập năm 2016 ngày càng sâu rộng, đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực khi Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,5 tỷ USD (tăng gần 38% so với 2016).

Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng 3/ 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách "Hành động hướng Đông", nhằm tăng cường hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho rằng Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này.

Về mặt hợp tác giáo dục, từ năm 1976, hai nước chúng ta ký Hiệp định song phương về văn hóa và giáo dục. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều học bổng nhất theo chương trình Hợp tác Kinh tế Ấn Độ (ITEC). Hiện tại, 150 suất học bổng ITEC được dành cho Việt Nam mỗi năm, cùng với 16 suất học bổng theo Chương trình học bổng văn hóa tổng hợp (GCSS), 14 suất theo chương trình Trao đổi giáo dục (EEP), và 10 suất học bổng theo chương trình MGC.

Trong những năm qua, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn cố gắng thiết lập những mối quan hệ giữa các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu tại Ấn Độ để có trao đổi học thuật rộng rãi hơn. Nhân dịp vui mừng đặc biệt này, với tư cách là người nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu về Ấn Độ học, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất tới Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, đã luôn dành cho trường chúng tôi vinh dự được tổ chức rất nhiều Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật như múa Odissi, Rockband Indian Ocean, tọa đàm với đoàn Hải quân Ấn Độ năm 2016, giao lưu với học viên cao học của Học viện Hành Chính Quốc gia Ấn Độ tại Bangalore IIMB…  với tư cách là những hoạt động giàu ý nghĩa trong chuỗi hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác văn hóa giáo dục Việt Nam - Ấn Độ nói chung và trường ĐH KHXH & NV với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam nói riêng. Có thể nói, trường chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ hợp tác của Đại sứ quán Ấn Độ trong nhiều chương trình khoa học, đào tạo, giao lưu văn hóa quốc tế rất tốt đẹp và hiệu quả.

Bộ môn Ấn Độ học tại Khoa Đông phương học ở trường chúng tôi chính thức được thành lập năm 2004. Đến nay Bộ môn đã và đang đào tạo 14 khóa, với hơn 200 sinh viên đã tốt nghiệp. Đặc biệt, Bộ môn đã có 72 sinh viên tính đến năm 2018 đã được gửi đi học tại Ấn Độ và đã nhận được bằng Thạc sĩ về các chuyên ngành như Quan hệ Quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Báo chí và Truyền thông, Xã hội học, Công tác Xã hội, Quản lý Quốc tế, Kinh tế - Tài chính, Chính trị... đã trở về Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước.

Điểm trung bình đầu vào và đầu ra của sinh viên ngành Ấn Độ học thường ở mức cao Trường ĐH KHXH&NV. Từ năm 2004, bộ môn bắt đầu tham gia đào tạo Thạc sĩ trong khuôn khổ chương trình Châu Á học. Cho tới nay có 21 học viên cao học đã và đang viết luận văn về Ấn Độ học. Bộ môn Ấn Độ học có hai chức năng chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, bộ môn cũng có chức năng tham mưu cho Khoa và Nhà trường trong hoạt động đối ngoại, hợp tác với các tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu của Ấn Độ. Nhiệm vụ chính của Bộ môn Ấn Độ học là giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Ấn Độ học và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, bộ môn cũng thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế với các tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu của Ấn Độ và các nước khác trong cả hai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học mà Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông Phương học phân công. Tất cả các giảng viên của bộ môn đều đã được đào tạo, tu nghiệp dài hạn tại Ấn Độ. Họ đều có chuyên môn tốt, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, phối hợp tốt với nhau trong việc triển khai các nhiệm vụ của Bộ môn.

Bộ môn Ấn Độ học có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước như Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Viện Trung Đông và châu Phi thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông Phương học trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng; Đại học Jawaharlal Nehru, Đại học Delhi, Đại học Calcutta, Đại học Mysore và National Institute of Advanced Studies, Bangalore tại bang Karnataka; Viện Southeast Asian Studies Indira Gandhi National Centre for the Arts tại New Delhi, Ấn Độ; Đại học Quốc gia Singapore; Đại học Tehran và Viện Institute Of Short Term Educations & Sabbaticals, Qom của Iran; Đại học Chulalongkorn và Thammasat của Thái Lan; Montana University, The Maureen and Mike Mansfield Center for Asian Studies thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại học Princeton của Mỹ… (Xem tiếp phần 2)

* Trưởng Bộ môn Ấn Độ học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn:

Cùng chuyên mục