Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Dòng vốn từ Ấn Độ sắp đổ vào dệt may Việt Nam

Dòng vốn từ Ấn Độ sắp đổ vào dệt may Việt Nam

Tiếp sau dòng vốn ngoại từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… ngành dệt may trong nước đang có thêm nhiều cơ hội để đón thêm dòng vốn từ Ấn Độ.

05:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Liên tiếp từ năm 2014 đến nay, nhiều đoàn doanh nghiệp dệt may Ấn Độ đã sang khảo sát thị trường dệt may Việt Nam, đồng thời có mặt tại hầu hết các sự kiện lớn của ngành dệt may tổ chức.

Sự xuất hiện dồn dập này được dự báo là sắp có một làn sóng chuyển dịch đầu tư lớn từ Ấn Độ sang Việt Nam trong ngành dệt may, vừa để đón đầu cơ hội thị trường nhờ các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán.

Đồng thời, vừa cụ thể hóa cam kết của Thủ tướng Ấn Độ Modi tại chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ vào tháng 10/2014, rằng Ấn Độ sẽ tạo điều kiện về tín dụng để doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam, với khoản đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Tại thời điểm này, 20 doanh nghiệp dệt may hàng đầu Ấn Độ, bao gồm: Raymond Ltd, RSWM Ltd, Sutlej Textile & Industries Ltd, Sangam India Ltd, Banswara Syntex Ltd, Welspun Syntex Ltd… đang có mặt tại Việt Nam để tham gia Triển lãm Saigon Tex 2015 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Tân Bình (TBECC)- TP.Hồ Chí Minh diễn ra từ 9-12/4/2015, đồng thời giới thiệu những sản phẩm dệt may mới nhất với các chủng loại đa dạng từ vải, sợi.

Ước tính của Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu hàng Dệt sợi tổng hợp và Tơ nhân tạo Ấn Độ (Srtepc) cho thấy, trong số  20 doanh nghiệp đang giới thiệu sản phẩm tại Saigon Tex 2015, doanh nghiệp nhỏ nhất cũng có doanh thu hàng năm hơn 2 triệu USD, doanh nghiệp lớn lên tới hàng tỷ USD/năm và  được kỳ vọng sẽ là những đại diện cung ứng hàng dệt may hàng đầu cho Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực cung cấp nguyên liệu và các chủng loại vải mà Việt Nam không sản xuất được

Ông Srijib Roy, Giám đốc Srtepc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp dệt may Ấn Độ rất sốt sắng trong việc xem xét cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong ngành dệt may.

Thêm vào đó, Chính phủ Ấn Độ hiện đã thông qua một chương trình tín dụng dành cho thúc đẩy phát triển hợp tác ngành Dệt may Ấn Độ - Việt Nam trong thời gian tới trị giá 300 triệu USD.  Đồng thời, doanh nghiệp dệt may Ấn Độ và đại diện SRTEPC cũng  đang xem xét đề án thành lập Khu công nghiệp Dệt may Ấn Độ đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đó, mô hình đầu tư, phát triển dự kiến sẽ là các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư theo cụm, hoạt động trong cùng một lĩnh vực để tận dụng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, phát huy thế mạnh và tăng cường tính cạnh tranh.

Sản phẩm làm ra được cung cấp tại chỗ cho doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Ấn Độ là nhà sản xuất các sản phẩm cotton, lụa, vải xenlulo và sợi cotton lớn thứ hai thế giới. Sản lượng của ngành công nghiệp dệt may Ấn Độ trị giá khoảng 100 tỷ USD, trong đó 40 tỷ USD xuất khẩu.

Trước đó, trong tháng 1/2015, trong chuyến thăm và khảo sát thị trường của đại diện gần 40 doanh nghiệp lớn của Ấn Độ để tìm kiếm cơ hội thương mại cũng như đầu tư trong nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may, ông Milind Hardikar, Giám đốc điều hành Tập đoàn Welspun Group, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất sản phẩm dệt gia dụng như khăn tắm cũng khẳng định, Welspun đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Nền tảng thuận lợi cho việc đầu tư Nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam của Tập đoàn Welspun Group là hiện đã có sẵn thị trường xuất khẩu tại Mỹ và EU. Khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Tập đoàn càng có lợi hơn nữa về thuế, do Việt Nam đang đàm phán  Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các dòng thuế sẽ về 0%.

Có thể thấy, việc thu hút được các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam  là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất, nếu tận dụng được nguồn nguyên phụ liệu dồi dào từ Ấn Độ (kể cả sản xuất tại chỗ và nhập khẩu), giúp cho việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh mặt hàng có chất lượng cao và xuất khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh hơn.

Trong bản đồ các nhà cung ứng dệt may lớn trên thế giới, Ấn Độ là nhà sản xuất lớn về bông, sợi nhân tạo. Vải, sợi dệt của Ấn Độ hiện có thể cạnh tranh với bất kỳ nước nào và Ấn Độ sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam để đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho ngành may mặc của Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Hưng Yên, Việt Nam vốn có thế mạnh về ngành may, nhưng cung cấp nguyên phụ liệu tại chỗ còn hạn chế. Do vậy, thu hút được  các doanh nghiệp sợi, dệt Ấn Độ vào đầu tư, chắc chắn sẽ đỡ cho các doanh nghiệp rất nhiều về nguồn cung nguyên liệu chất lượng.

(Theo Báo Đầu Tư)

Nguồn:

Cùng chuyên mục