Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam

Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam

04:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TS Sampa Kundu*

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind sắp thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm này diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam cũng như cam kết đa phương của Ấn Độ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm hai ngày đến Singapore để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và các cuộc họp liên quan khác với ASEAN vào ngày 14-15/2018. Vào tháng 1/ 2018, New Delhi đã mời mười lãnh đạo của các quốc gia ASEAN tham dự lễ kỷ niệm 25 năm hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã thông qua một chính sách ủng hộ tích cực đối với những người láng giềng ở phía Đông. New Delhi đã đổi tên chính sách Hướng Đông thành chính sách Hành động Phía Đông, và Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ là một đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ, mà còn giữ vị trí chiến lược - vị trí trung tâm trong quan điểm của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, bài viết này tập trung vào tiềm năng hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là triển vọng của Việt Nam trong việc trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với các du khách Ấn Độ.

Hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khám phá. Các địa điểm hành hương và kiến ​​trúc Phật giáo ở Ấn Độ là những điểm thu hút cụ thể khách du lịch Việt Nam; trong khi, mặt khác, Việt Nam có đường bờ biển dài 3200 km với những bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực hấp dẫn và nhiều địa danh di sản du lịch. Rõ ràng, lãnh đạo hai nước Ấn Độ và Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của du lịch trong việc tăng cường giao lưu giữa nhân dân và hợp tác song phương. Hầu hết các tuyên bố chung được công bố trong các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam đều đã đề cập đến các giá trị chung, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. New Delhi và Hà Nội cũng đã ký một số thỏa thuận và biên bản ghi nhớ (MoU) tạo điều kiện hợp tác trong ngành du lịch. Viện Khảo sát khảo cổ học Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ với cơ quan có liên quan của Việt Nam về bảo tồn và khôi phục các di tích Chăm ở Mỹ Sơn, Quảng Nam. Vào tháng 9/2016, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Việt Nam, ông đã thảo luận về việc thực hiện Biên bản ghi nhớ này với phía Việt Nam. Ấn Độ cũng đã cung cấp dòng tín dụng cho Việt Nam để khôi phục và bảo tồn Tháp Hoa Lai và một khoản trợ cấp khác nhằm hỗ trợ của cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.

Việt Nam với tư cách là một điểm đến du lịch ở châu Á đã trở thành hiện tượng nổi bật. Việt Nam đã thay đổi to lớn từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh để trở thành một đất nước đầy tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế bao gồm cả ngành công nghiệp du lịch. Trong năm 2017, Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc (UNWTO) xếp Việt Nam ở vị trí thứ 7 về tăng trưởng trong ngành du lịch. Trong vài thập kỷ đã qua, ngành du lịch ở Việt Nam đã phát triển theo cấp số nhân; cụ thể, từ năm 1998 đến năm 2008, số lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng trưởng 286%. Việt Nam đón nhận du khách phần lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Campuchia. Mặc dù số lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng vẫn không đáng kể khi so sánh với số lượng khách du lịch đến Việt Nam từ các nước châu Á khác. Đồng thời, so với khách du lịch Ấn Độ đến các nước ASEAN khác, số lượng khách du lịch Ấn Độ đến thăm Việt Nam vẫn tương đối ít. Trong năm 2016, chỉ có 85000 du khách Ấn Độ đến thăm Việt Nam, chiếm khoảng 3% tổng số khách du lịch Ấn Độ đến thăm khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mặt tích cực của câu chuyện này cho thấy số lượng khách du lịch Ấn Độ đến thăm Việt Nam đã tăng lên hàng năm, trong năm 2010, chỉ có 33.000 du khách Ấn Độ đến thăm Việt Nam.

Về điểm này, cả Ấn Độ và Việt Nam đều lạc quan về tiềm năng chưa được khai thác trong hợp tác du lịch. Vào tháng 3/2017, tại lễ kỷ niệm lần thứ 45 về quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, P. Harish đã đề cập rằng, “Đã đến lúc chúng ta thúc đẩy quan hệ đối tác để phát triển du lịch ..”. Theo hướng này, cả Ấn Độ và Việt Nam đã có các cuộc thảo luận về việc mở Trung tâm Văn hóa Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tương ứng tại New Delhi và Hà Nội. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) đã tổ chức một số hoạt động quảng bá ở Ấn Độ bao gồm hội chợ, triển lãm, roadshows, và các tour du lịch cho báo chí cũng như các cơ quan du lịch. Năm 2017, VNAT thông báo rằng, Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch. VNAT cũng đề cập rằng, hàng không cũng như hợp tác sản xuất phim sẽ được ưu tiên như một phần của chiến lược tổng thể của Việt Nam để phát triển hợp tác với Ấn Độ. Vào tháng 7/2018, các chuyến bay thẳng kết nối thành phố Hồ Chí Minh và New Delhi đã được khai thác, đó là một bước nhằm cải thiện số lượng khách du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu các chuyến bay trực tiếp liên kết các thủ đô của cả hai nước vẫn là một trở ngại và hạn chế số lượng khách du lịch. Ngoài việc kết nối đường hàng không, Ấn Độ cũng đang xem xét mở rộng tuyến cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan sang Việt Nam, đây sẽ là một sự bổ sung cho các cam kết song phương cũng như đa phương liên quan đến Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác du lịch sẽ thúc đẩy mối quan hệ hiện có giữa Ấn Độ và Việt Nam, và các nhà lãnh đạo từ New Delhi và Hà Nội cần phải chú ý hơn đến khía cạnh này của quyền lực mềm. Một cách tiếp cận toàn diện kết hợp cả khu vực công và tư nhân sẽ có lợi trong vấn đề này.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

* TS, Giáo sư dự khuyết Trường Nghiên cứu Quốc tế Symbiosis, Đại học Quốc tế Symbiosis (Deemed), Pune, Maharashtra, Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục